Nhiều doanh nghiệp môi trường công ích ở Hà Nội 'kêu cứu'

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Các doanh nghiệp tham gia xử lý rác tại Hà Nội đang chịu thua lỗ, nguy cơ phá sản cao do giá xăng dầu tăng cao, nhưng thành phố chưa có biện pháp điều chỉnh...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trên địa bàn thành phố Hà Nội có hàng chục doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân tham gia thu gom, xử lý rác thải, giữ vệ sinh môi trường. Để được phép hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác, giữ vệ sinh môi trường, các doanh nghiệp đều phải đáp ứng các yêu cầu về năng lực, cơ sở vật chất, phương tiện…; phải qua đấu thầu để lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực thực hiện các công việc trên tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô.

Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp tham gia xử lý rác tại Hà Nội đang chịu thua lỗ, nguy cơ phá sản do giá xăng dầu tăng cao, nhưng thành phố chưa có biện pháp điều chỉnh.

Nguy cơ phá sản đã hiện hữu

Nhìn chung, các doanh nghiệp môi trường khi đã trúng thầu đều bày tỏ quyết tâm giữ địa bàn mình sạch, đẹp. Nhưng những ngày gần đây, rác thải ùn ứ gây mất mĩ quan nhiều tuyến phố trên địa bàn nội đô lại đến từ lý do: Giá xăng dầu tăng cao khiến doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.

Theo ông Ngô Bá Quang, Phó Giám đốc Công ty cổ phần xử lý chất thải xây dựng và đầu tư phát triển môi trường Hà Nội (đơn vị thực hiện nhiệm vụ duy trì vệ sinh môi trường, thu gom vận chuyển rác trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm và Tây Hồ) cho biết: Do chưa được cấp có thẩm quyền của thành phố giải quyết bù chênh lệch tiền lương giai đoạn 2017-2020 và bù chênh lệch giá nhiên liệu giai đoạn từ 2021 đến nay, nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu hụt nguồn tài chính để duy trì hoạt động. Hiện doanh nghiệp phải chậm lương người lao động, cũng như chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí nên các trang thiết bị không được sửa chữa và bảo dưỡng đúng kỳ hạn; phát sinh chi phí huy động tài chính lớn khi phải vay lãi ngân hàng; nguy cơ mất vốn chủ sở hữu và tài sản cầm cố do sản xuất kinh doanh lỗ.

Cùng chung tâm tư đó, ông Nguyễn Văn Thụy, Phó Giám đốc Công ty môi trường Thanh Trì (Hà Nội) - đơn vị thu gom rác ở Hoàng Mai và Thanh Trì) than thở: Đời sống của người lao động rất khó khăn, do Công ty phải cắt giảm một số chi phí nhằm bù lỗ khoảng 34 triệu đồng tiền nhiên liệu/ngày, tương đương hơn 1 tỷ đồng/tháng từ việc tăng giá xăng dầu.

Phó Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai Vũ Công Minh phân tích, ngày 6/7, giá xăng RON 95 là 32.760 đồng/lít và giá dầu Diezel là 29.610 đồng/lít, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của công nhân, người lao động và hoạt động của các doanh nghiệp. Nhưng theo Quyết định số 453/QĐ-UBND ngày 21/1/2022, giá xăng thực hiện hiện gói thầu của thành phố là 16.802,55 đồng/lít, giá dầu là 13.890 đồng/lít (trước thuế). Đơn giá chênh lệch như vậy mà doanh nghiệp không được điều chỉnh kịp thời thì rất khó khăn về tài chính.

Trước những thực tế trên, ngày 20/5, đại diện các doanh nghiệp môi trường tại Hà Nội đã có văn bản kiến nghị việc: "Kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết về chênh lệch tiền lương, nhiên liệu thuộc gói thầu vệ sinh môi trường giai đoạn 2017-2020 và cơ chế bù giá chênh lệch nhiên liệu, vật tư thuộc gói thầu vệ sinh môi trường giai đoạn 2021-2023", sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp môi trường tới chỗ phá sản, thâm hụt vốn.

Khẩn trương gỡ khó

Chia sẻ khó khăn cùng các doanh nghiệp môi trường công ích, ông Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch Hội Môi trường đô thị Việt Nam cho rằng, không chỉ có Hà Nội mà nhiều địa phương khác trên cả nước, doanh nghiệp công ích môi trường cũng đang kêu cứu do giá xăng dầu tăng, trong khi cơ quan quản lý lại chậm điều chỉnh.

Để minh chứng cho điều đó, ông Liên chỉ rõ, Điều 20 Luật Giá năm 2012 số 11/2012/QH13 về nguyên tắc định giá của Nhà nước quy định: Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá trị thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ và kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.

Ngoài ra, tại phần hướng dẫn áp dụng tập đơn giá được ban hành kèm theo Quyết định 453/QĐ-UBND ngày 21/1/2022 của UBND thành phố có nêu: "Khi Nhà nước ban hành những chế độ, chính sách hoặc có những biến động lớn về các chi phí dẫn đến thay đổi đơn giá, sở chuyên ngành được giao quản lý duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh gửi Sở Tài chính thẩm định làm cơ sở trình UBND thành phố xem xét, điều chỉnh".

Ông Liên cho rằng, thực ra thành phố đang nợ các doanh nghiệp, vì chậm bù chênh lệch tiền lương giai đoạn 2017-2020 và bù chênh lệch giá nhiên liệu giai đoạn từ năm 2021 đến nay. "Các văn bản hướng dẫn đã rõ như vậy, tại sao các sở, ngành liên quan chưa thực hiện đúng chức năng của mình là tham mưu với thành phố để điều chỉnh cho các doanh nghiệp. Nếu cứ để doanh nghiệp tự bơi, đến lúc hụt hơi thì ai, đơn vị nào sẽ thu gom, xử lý rác thải cho thành phố ?", ông Liên đặt câu hỏi.

Trước băn khoăn của doanh nghiệp và của chuyên gia, tại văn bản số 5994/VP- KTTH ngày 23/6 về tháo gỡ khó khăn trong công tác thanh toán các gói thầu vệ sinh môi trường có nêu: Căn cứ chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố, đề nghị Sở Xây dựng, Sở Tài chính, đơn vị liên quan, rà soát thống nhất tham mưu, báo cáo với UBND thành phố để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay các sở, ngành, đơn vị liên quan của thành phố Hà Nội vẫn chưa đưa ra phương án tháo gỡ, khiến các doanh nghiệp công ích "dài cổ" chờ đợi.

Trở lại việc xử lý rác thải tại Hà Nội, ngày 23/6, lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội gửi văn bản số 306 tới Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố với đề nghị tạm dừng tiếp nhận rác tại bãi Xuân Sơn (thuộc thị xã Sơn Tây, Ba Vì) mà đơn vị được giao quản lý. Nguyên nhân là do lượng nước rác phát sinh tại bãi là khoảng 700-800 mét khối/ngày đêm, trong khi trạm xử lý nước thải duy nhất tại bãi của Công ty cổ phần môi trường đầu tư Sơn Tây đã dừng hoạt động từ ngày 1/6/2022. Điều này dẫn đến lượng nước rác hàng ngày không được xử lý, trong khi lượng nước rác lưu chứa tại hồ đến ngày 23/6 là 70.152 mét khối/ 71.000 mét khối.

Thực trạng trên là đáng báo động. Nếu công tác vệ sinh môi trường không được quan tâm đúng mức, rất có thể công tác thu gom, xử lý rác bị lơi lỏng do doanh nghiệp không kham nổi vì thiếu vốn, dẫn tới nguy cơ "vỡ trận" rác thải ở Hà Nội.

Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.