Nhìn lại một năm rực rỡ của ngoại giao - đối ngoại Việt Nam

(Ngày Nay) - Nhìn lại năm 2023, Đại sứ Bùi Thế Giang khẳng định đây là năm của nhiều chuyến thăm lịch sử.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Ảnh: TTXVN

Những ngày cuối năm 2023, Đại sứ Bùi Thế Giang, nguyên Phó trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, vẫn giữ một lịch làm việc dày đặc. Ngoài tham dự các sự kiện chuyên môn, Đại sứ Bùi Thế Giang thường xuyên có những bình luận sắc sảo về các sự kiện quốc tế nổi bật trên báo chí. Trong hơn 10 năm qua, ông còn được bầu giữ vị trí Phó Chủ tịch Hội Việt - Mỹ.

“Tôi từng là một người lính chiến”, ông Giang chia sẻ về mình. “Tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ khi đang là sinh viên Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội”.

Nhìn lại một năm rực rỡ của ngoại giao - đối ngoại Việt Nam ảnh 1

Đại sứ Bùi Thế Giang.

Mối lương duyên của Đại sứ Bùi Thế Giang với nước Mỹ chưa dừng lại khi cuộc chiến kết thúc. Năm 1993, ông sang Mỹ học Thạc sĩ Quan hệ quốc tế giữa lúc đất nước vẫn đang bị bao vây, cấm vận. Sau đó, ông trở lại Mỹ với nhiệm vụ Đại sứ, Phó trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc khi nước ta lần đầu tiên được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an của tổ chức liên quốc gia lớn nhất hành tinh này.

Tạp chí Ngày Nay đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Bùi Thế Giang về những thành tựu đối ngoại của Việt Nam, về ý nghĩa của các chuyến thăm và những thách thức chiến lược trong năm 2024.

Đồng bộ, thống nhất, hiệu quả

Thưa Đại sứ, trong năm 2023 các hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã diễn ra hết sức sôi động và phong phú, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các kênh, các diễn đàn, các đối tác. Ông đánh giá thế nào về kết quả và ý nghĩa những thành tựu nổi bật trong năm qua?

- Có thể khẳng định rằng năm 2023 là một điểm sáng của hoạt động đối ngoại. Những thành tựu của đối ngoại Việt Nam trong năm vừa qua có thể được gói gọn trong ba từ: Đồng bộ, Thống nhất, Hiệu quả. Để đạt được những thành tựu này, chúng ta không thể không đề cập tới nền tảng cho những thành công vừa qua, đó là Đại hội Đảng lần thứ 13.

Đại hội 13 đã lần đầu tiên chính thức đề cập vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Có lẽ cũng nên nhớ lại thời điểm tháng 2 năm 1994 khi Chính quyền Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam rồi nhớ lại thời điểm tháng 7 năm 1995 khi Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, cũng là tháng đất nước ta gia nhập ASEAN và ký hiệp định khung về hợp tác toàn diện với EU. Nhắc lại những thời điểm đó để nhớ về những mối quan hệ ít ỏi đến mức nào của nước ta khi đó và để nhìn nhận rằng chỉ suýt soát 30 năm qua kể từ đó, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đặc biệt với 3 quốc gia, Đối tác Chiến lược Toàn diện với 6 quốc gia (mà chỉ riêng trong năm 2023 đã nâng quan hệ lên cấp độ này với 2 quốc gia), Đối tác Chiến lược với 12 quốc gia và Đối tác Toàn diện với 12 quốc gia khác.

Vị thế của Việt Nam đã ngày càng được khẳng định khi thiết lập được những tầng nấc quan hệ đối ngoại phong phú, thực chất và hiệu quả như vậy chỉ trong vòng chưa đầy ba thập kỷ. Cần phải hiểu rằng các mối quan hệ chiến lược của Việt Nam không chỉ dừng lại ở hình thức hay tầm vóc, mà chúng thể hiện mức độ tin cậy về chính trị giữa chúng ta với cộng đồng quốc tế nói chung và đặc biệt với hơn 30 quốc gia đó.

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 (19/12/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh những chuyến thăm nổi bật của 4 vị lãnh đạo nước ngoài tới Việt Nam, bao gồm chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Mỹ Joe Biden; Tổng Bí thư, Chủ tịch Lào Thongloun Sisoulith; và Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những “điểm sáng” đối ngoại này thể hiện nỗ lực có ý nghĩa của ngành ngoại giao - đối ngoại trong việc đóng góp vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước.

Trên bình diện ngoại giao đa phương, chúng ta trong năm 2023 cũng rất chủ động thúc đẩy vai trò và sự tham gia hiệu quả của Việt Nam trong các tổ chức và cơ chế hợp tác quốc tế như Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC, G7, G20... Những kết quả đạt được trong ngoại giao đa phương không chỉ chứng minh vị thế, uy tín và lòng tin của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam, mà còn chứng minh rằng chúng ta đang thực sự trở thành một mắt xích quan trọng trong guồng máy đa phương.

Việt Nam lần thứ hai trúng cử là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2023-2027. Đây là một trong số ít cơ quan có thực quyền của UNESCO, đặc biệt trong việc quyết định những vấn đề then chốt liên quan tới công nhận các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; xem xét, đánh giá tình trạng bảo tồn của các di sản thế giới trên toàn cầu; quyết định chính sách, ngân sách chủ trương, định hướng phát triển của Công ước Di sản thế giới.

Ngoài ra trong năm 2023 này, Việt Nam lần thứ hai trúng cử là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2023-2027. Đây là một trong số ít cơ quan có thực quyền của UNESCO, đặc biệt trong việc quyết định những vấn đề then chốt liên quan tới công nhận các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; xem xét, đánh giá tình trạng bảo tồn của các di sản thế giới trên toàn cầu; quyết định chính sách, ngân sách chủ trương, định hướng phát triển của Công ước Di sản thế giới. Với việc được bầu vào Ủy ban này, chúng ta sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để đóng góp nhiều hơn nữa cho việc cập nhật và thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước Di sản thế giới, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các di sản thế giới tại Việt Nam. Tôi mong những tin mừng này sẽ được lan tỏa nhiều hơn trong và ngoài Việt Nam.

Những chuyến thăm lịch sử

Ông có bình luận gì về hai chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam trong năm nay?

- Nhiều năm gắn bó với đối ngoại, tôi cho rằng hai chuyến thăm trong tháng 9 và tháng 12 năm 2023 đều mang tầm vóc lớn trong quan hệ đối ngoại Việt Nam và đều có thể được gọi là những chuyến thăm lịch sử của lãnh đạo nước ngoài tới Việt Nam.

Chuyến thăm tháng 9 của ông Joe Biden đánh dấu lần thứ năm một tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam trong vòng 28 năm qua. Nhưng tính chất lịch sử của chuyến thăm này - như đã được rất nhiều nhà nghiên cứu và rất nhiều cơ quan truyền thông Việt Nam và thế giới phân tích - nằm trước hết ở chỗ đây là lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Mỹ, và có lẽ cũng là lần đầu tiên trong lịch sử chính trị thế giới, khi tổng thống của siêu cường này nhận lời mời của một lãnh đạo chính trị, lại là đảng cộng sản, sang thăm cấp Nhà nước tới nước đó. Đây là chuyến thăm được dư luận trong nước và quốc tế theo dõi sát và bình luận nhiều. Chắc chắn không ai có thể đánh giá thấp tầm vóc và ý nghĩa của chuyến thăm này đối với quan hệ hai nước và cũng như đối với khu vực và thế giới.

Nhìn lại một năm rực rỡ của ngoại giao - đối ngoại Việt Nam ảnh 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: VGP

Ngoài những đánh giá của giới nghiên cứu, cá nhân tôi thấy chuyến thăm Hà Nội của ông Biden có hai điểm nhấn đáng chú ý:

Thứ nhất, hai bên đã ra Tuyên bố chung với 10 trụ cột, tăng 1 trụ cột so với Tuyên bố nâng cấp quan hệ 2 nước lên Đối tác Toàn diện cách đây 10 năm, trong đó, trụ cột mới và

cũng đáng chú ý nhất là “Hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Cả hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước đều tuyên bố chính thức rằng đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Thứ hai, hai nước đã quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Quyết định này có thể khiến dư luận ngạc nhiên nhưng không hoàn toàn bất ngờ, mà thực ra dễ hiểu và có cơ sở: Trong 10 năm qua, các hoạt động hợp tác giữa hai nước - ngoài việc phát triển rộng rãi, tự chứng minh đây chính là một mối quan hệ Đối tác Toàn diện - thì toàn bộ 9 trụ cột trong Tuyên bố chung thông qua năm 2013 đều được đẩy mạnh theo chiều sâu. Theo tôi, để đánh giá sự phát triển của quan hệ Việt - Mỹ từ khi bình thường hóa quan hệ song phương vào năm 1995, quan hệ Việt - Mỹ có thể gói gọn trong ba từ: Nhanh, Thực chất và Hiệu quả. Điều này cho thấy quan hệ song phương đã chín muồi và đầy đủ điều kiện để nâng cấp quan hệ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Chuyến thăm tháng 12 của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có ba lý do để mang tầm vóc lớn và có thể gọi là lịch sử: Thứ nhất, đây là lần thứ ba ông Tập sang thăm Việt Nam. Và chuyến thăm thứ ba này diễn ra khi ông Tập tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Các động thái của chính trường Trung Quốc kể từ Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm 2022 đã cho thấy rõ ràng vị thế đặc biệt của ông Tập Cận Bình trong đối nội và đối ngoại của Trung Quốc. Mà xin lưu ý rằng trong năm 2023 này, ông Tập chỉ tiến hành 4 chuyến công du tới Nga, Nam Phi, Mỹ và Việt Nam, và hai trong số đó là để dự hoạt động đa phương!

Thứ hai, chuyến thăm Hà Nội của ông Tập diễn ra chỉ trong vòng 48 tiếng nhưng hai nước đã tiến hành ký kết 36 văn kiện hợp tác, bao gồm từ những vấn đề lớn liên quan tới đường hướng, tầm nhìn, chiến lược phát triển của mỗi nước cũng như quan hệ song phương Việt-Trung, cho tới nhiều dự án hợp tác cụ thể.

Thứ ba, lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai nước đã trao đổi về những vấn đề sống còn của thế giới, khu vực và hai nước và đã chia sẻ nhiều điểm chung liên quan tương lai và lợi ích của hai nước. Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa qua giống như dấu son chốt lại một năm 2023 sôi động, tốt đẹp của ngoại giao - đối ngoại Việt Nam.

Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, ông đánh giá thế nào về sự nở rộ trong quan hệ hai nước?

- Quan hệ Việt - Mỹ có thể được gọi là mối quan hệ đặc biệt. Nó có một khởi nguồn mà ít ai trên thế giới để ý. Đó là vào năm 1787, chỉ 11 năm sau khi nước Mỹ ra đời, ông Thomas Jefferson, khi đó là Tham tán Toàn quyền của Đại sứ quán Mỹ tại Pháp, đã gặp Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh tại Paris để xin giống lúa ngon của Việt Nam về trồng tại Mỹ.

Mối quan hệ này cũng đặc biệt ở chỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn cách mở đầu Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam bằng một trích đoạn trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người có hiểu biết sâu sắc, tới mức phải gọi là uyên thâm, về ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử của nhiều nước, kể cả những nước được coi là cái nôi của văn minh nhân loại. Vậy nên sự lựa chọn này của Người cho thấy rõ ràng tầm nhìn, sự đánh giá, cách nhìn nhận và tư duy của Người về những giá trị của nhân loại được thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ.

Nhìn lại một năm rực rỡ của ngoại giao - đối ngoại Việt Nam ảnh 3

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tham quan hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: TTXVN

Quan hệ Việt - Mỹ còn đặc biệt khi ngay từ thập niên 40 của thế kỷ trước, chúng ta đã hợp tác với Mỹ dưới tư cách là quốc gia thuộc phe Đồng minh. Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay vẫn còn trưng bày một tấm truyền đơn do chính Người thiết kế nhằm hướng dẫn quân và dân ta cứu phi công Mỹ khi bị pháo cao xạ của Phát xít Nhật bắn rơi. Trên tấm truyền đơn đó có hai câu thơ rất thú vị: “Quân đội Mỹ là bạn ta/ Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh”.

Ngoài ra, với tư cách Phó Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, một tổ chức của nhân dân Việt Nam hợp tác và hữu nghị với nhân dân Mỹ, tôi muốn nói tới một điểm đặc biệt, đó là tất cả các Tuyên bố chung Việt - Mỹ trong gần 30 năm qua đều có một phần nói về quan hệ nhân dân hai nước. Mới đây nhất, bản Tuyên bố chung được hai bên thông qua tháng 9 năm 2023 trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của quan hệ nhân dân tại nhiều nơi trong văn bản này, nhất là trong đề mục về “Văn hóa - Giao lưu nhân dân - Thể thao - Du lịch”. Ngoài ra, rất đáng lưu ý việc câu cuối cùng của bản Tuyên bố nhấn mạnh: “Cùng nhau, hai nước sẽ hiện thực hóa nguyện vọng của người dân về một tương lai tươi sáng và năng động, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực quan trọng này cũng như trên toàn thế giới”.

Tôi nhớ trong chuyến thăm Việt Nam tháng 12/2023 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rằng quan hệ hữu nghị Việt - Trung có nền tảng nằm ở nhân dân và tương lai nằm ở thanh niên. Suy rộng ra, tầm quan trọng của người dân và giao lưu thanh niên có một vị trí đặc biệt quan trọng trong tư duy và chính sách của các nước lớn. Đặt điều này vào khung cảnh quan hệ Việt - Mỹ và cơ hội to lớn cho việc trao đổi, giao lưu nhân dân nói chung và thanh niên nói riêng sau khi quan hệ Việt - Mỹ được nâng lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, để nói rằng nhân dân sẽ là yếu tố nền tảng cho quan hệ Việt - Mỹ, tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ này phát triển ngày càng mạnh mẽ, hiệu quả và thiết thực hơn nữa.

Cũng trong năm 2023, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, tác động sâu sắc đến quan hệ quốc tế và từng quốc gia. Chiến tranh và suy thoái kinh tế nhiều khả năng tiếp tục là những xu hướng chi phối quan hệ quốc tế trong năm 2024. Làm thế nào để Việt Nam có thể đứng vững trước những thách thức chiến lược này?

- Các nhà hoạch định chính sách, các chiến lược gia, những người làm tham mưu cho lãnh đạo ta chắc chắn đã suy nghĩ và đề xuất ý kiến về vấn đề này. Từ góc nhìn hạn hẹp của cá nhân, tôi nhìn thấy bốn thách thức rất lớn đối với đất nước chúng ta, cũng như hệ thống chính trị và ngành ngoại giao - đối ngoại của chúng ta.

Nhìn lại một năm rực rỡ của ngoại giao - đối ngoại Việt Nam ảnh 4

[Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến dự phiên họp.

Thứ nhất, đó là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Trong bối cảnh cục diện thế giới đang biến chuyển rất nhanh với tính chất đa cực, đa trung tâm sẽ lớn hơn rất nhiều, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ diễn ra rất quyết liệt, thậm chí không loại trừ khả năng sẽ có đối đầu tại một số điểm nóng hiện nay.

Đây là câu chuyện rất lớn, có thể tạo ra những tác động tiêu cực. Nếu nhìn một cách công bằng, nền kinh tế của chúng ta có tỷ trọng quốc tế hoá và độ mở rất cao, thể hiện qua kim ngạch xuất nhập khẩu xấp xỉ gấp đôi GDP. Nhìn từ góc độ mở cửa và hội nhập quốc tế, đó là một tín hiệu tốt, cho thấy quyết tâm, nỗ lực và hiệu quả của việc chúng ta tham gia vào sân chơi toàn cầu. Tuy nhiên, nó cũng đem lại rủi ro, bởi chỉ cần có một sự cố đáng kể trên thế giới hoặc một nước lớn gặp vấn đề, chúng ta sẽ bị tác động ngay. Với cách nhìn nhận như vậy, tính quốc tế hoá, độ mở cao vừa là lợi thế, nhưng đồng thời cũng có khả năng gây rủi ro. Cũng với cách nhìn nhận như vậy, thách thức đó sẽ còn lớn hơn khi chúng ta đối mặt với hai giới hạn: Sức chống chịu của chúng ta và khả năng cạnh tranh của chúng ta. Hàng chục năm qua chúng ta luôn nhắc nhở mình và yêu cầu mình phải nâng cao sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp, của nền kinh tế, của cả quốc gia, song chúng ta vẫn chưa đạt được trình độ cạnh tranh như mong muốn.

Những thành tựu của đối ngoại Việt Nam trong năm vừa qua có thể được gói gọn trong ba từ: Đồng bộ, Thống nhất, Hiệu quả. Để đạt được những thành tựu này, chúng ta không thể không đề cập tới nền tảng cho những thành công vừa qua, đó là Đại hội Đảng lần thứ 13.

Tóm lại, tôi thấy cạnh tranh giữa các nước lớn là thách thức số một mà chúng ta cần xem xét trong năm 2024.

Thứ hai, khi các nước lớn cạnh tranh với nhau, thậm chí không loại trừ khả năng xảy ra xung đột, đối đầu giữa các nước lớn với nhau, chắc chắn họ sẽ điều chỉnh chiến lược. Trong quá trình điều chỉnh chiến lược đó, nhiều khả năng họ sẽ lôi kéo, tập hợp lực lượng, vừa thỏa hiệp, vừa đấu tranh, vừa kiềm chế, vừa can dự lẫn nhau và chi phối nội bộ các nước khác.

Điều này đã diễn ra rất cụ thể, rất rõ ràng và sẽ tiếp tục mạnh hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại đây, chúng ta đã chứng kiến các nước lớn cạnh tranh với nhau rất quyết liệt nhưng đồng thời, cũng là nơi họ hợp tác, thoả hiệp với nhau rất nhiều. Vì vậy, với lợi ích và với vị trí địa chiến lược của chúng ta ở đây, chúng ta không thể né tránh mà phải nhìn thấy trước để chuẩn bị đối mặt trực diện với nó.

Thứ ba, những vấn đề về an ninh, cả truyền thống và phi truyền thống, sẽ không chỉ tiếp tục gia tăng về số lượng, mà còn cả về quy mô và mức độ tác động đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh những vấn đề an ninh truyền thống vốn đã tồn tại rất lâu, thế giới lần đầu tiên đã đề cập đến những thứ như “hybrid war”, những hình thái chiến tranh mới, những không gian chiến lược mới, ra đời khi các quốc gia cạnh tranh, cọ xát, đụng độ với nhau. Đặc biệt, phải nói tới những vấn đề an ninh phi truyền thống, như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh mạng. Đại dịch COVID-19 vừa qua đã khiến nhân loại phải bừng tỉnh nhận ra rằng thách thức an ninh phi truyền thống lớn đến như thế nào, nguy hiểm đến như thế nào và đòi hỏi sự hợp tác quốc tế rộng rãi, chặt chẽ đến như thế nào.

Thứ tư, mặc dù phát triển mạnh và mang lại rất nhiều những thay đổi tích cực cho nhân loại, khoa học - công nghệ cũng đặt ra những thách thức rất lớn và cả những tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội. Có lẽ tới lúc này không ai còn có thể bác bỏ được nhận định rằng trí tuệ nhân tạo vừa là cơ hội cực lớn để đưa nhân loại tiến một bước dài hơn, nhanh hơn, xa hơn về phía trước, nhưng song song với đó, nó cũng là mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới và sự tồn vong của nhân loại hiện nay.

Đứng trước bốn thách thức đó, Việt Nam chúng ta cần phải làm gì? Toàn ngành ngoại giao - đối ngoại, và hơn thế, cả hệ thống chính trị, cần phải bám sát đường lối lối ngoại của Đại hội 13, cũng như các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội. Đồng thời, phải theo dõi sát các diễn biến trên thế giới, dự báo và đánh giá đúng các chiều hướng phát triển của tình hình bên ngoài, để chúng ta không bao giờ bị bất ngờ, bị động trước những diễn biến đó.

Theo tôi hiểu, đây chính là điều mà Nghị quyết của Đảng gọi là “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”. Và việc này phải được đặt trên cái nền của sự cần thiết phải thực hiện được nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Điều này cũng phải được đặt trên cái nền của sự cần thiết phải thực hiện cho được hai nhiệm vụ tưởng là mâu thuẫn nhưng lại gắn liền với nhau.

Một là phải kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước. Giữ gìn cho được môi trường hoà bình và ổn định để phát triển đất nước.

Hai là, phải cụ thể hoá chủ trương đã từng nhiều lần được đề cập trong các văn kiện Đại hội Đảng rằng: “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Chúng ta cần luôn đặt Việt Nam vào một vị trí cụ thể trong mối những quan hệ song phương và đa phương đan xen nhằng nhịt, và đặc biệt xét về mặt địa chính trị, chúng ta phải luôn xác định rõ ràng Việt Nam là một bộ phận cấu thành của khu vực, của cộng đồng quốc tế.

Ba là, phải luôn nhớ và thực hiện được điều mà Bác Hồ đã nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi lên đường đi Pháp để đàm phán và ký kết Hiệp định Sơ bộ năm 1946: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Chúng ta phải luôn vững vàng, kiên định về nguyên tắc, dứt khoát không được xa rời nguyên tắc, nhưng đồng thời phải rất chủ động, linh hoạt trong sách lược. Đây là việc nói thì đơn giản, dễ dàng, nhưng thực hiện thì cực kỳ phức tạp, hết sức khó khăn, thậm chí trong không ít trường hợp là bất khả thi.

Bốn là, yếu tố con người. Trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường trong tình hình thế giới, yếu tố con người lại càng có ý nghĩa quan trọng. Với những người làm đối ngoại, luôn phải tiếp xúc, va chạm và trực tiếp xử lý mọi chuyện với đối tác, đối tượng bên ngoài, thì đòi hỏi có tính chiến lược căn bản là phải vững vàng về bản lĩnh, phải trong sạch về phẩm chất và đạo đức, phải có trí tuệ trong tư duy, phải chuyên nghiệp trong tác phong, cách ứng xử, và sau cùng phải giỏi về nghiệp vụ, ngoại ngữ.

Ngần ấy tiêu chí có thể bị coi là lý tưởng hoá, là không tưởng nhưng tôi lại nghĩ đó một mặt là yêu cầu, là đòi hỏi, nhưng mặt khác đó lại chính là cái đích để chúng ta phấn đấu vươn tới. Nói cho đến cùng, đó là những điều kiện để người làm ngoại giao - đối ngoại đáp ứng được mong chờ của cả dân tộc Việt Nam cũng như của những người bạn và những đối tác của Việt Nam. Tương tự như những cái “chuông” của đất nước, đó là những điều kiện để các loại “chuông” có thể vang to, và vang hay và vang xa một khi được “đem đi đánh ở nước người”.

Xin cảm ơn Đại sứ về những chia sẻ trên!

Ảnh minh họa
Khu vực Hà Nội, ngày có mưa vài nơi
(Ngày Nay) -  Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện qua phân tích trên ảnh mây vệ tinh, ảnh rada thời tiết và số liệu định vị sét cho thấy vùng mây đối lưu đang phát triển và gây mưa cho các quận, huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai.
Ảnh minh họa
Thí sinh chính thức đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 từ ngày 2/5
(Ngày Nay) - Từ ngày mai (2/5), các thí sinh đang học lớp 12 sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 theo hình thức trực tuyến. Thí sinh tự do đăng ký thi bằng hình thức trực tiếp tại các đơn vị do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định. Thời gian đăng ký dự thi đến 17 giờ ngày 10/5/2024.
Ảnh minh họa
Các cơ sở y tế khám, cấp cứu gần 964.700 bệnh nhân trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
(Ngày Nay) - Chiều 1/5, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế các tỉnh, thành phố và y tế ngành trên toàn quốc trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 (từ ngày 27/4 đến ngày 1/5), tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh là 251.089 người.
Ma-rốc tích hợp công nghệ vào chương trình xóa mù chữ. Ảnh: Marko Rupena / Shutterstock.com
Ma-rốc tích hợp công nghệ vào chương trình xóa mù chữ
(Ngày Nay) - Kỹ thuật số đóng vai trò then chốt trong việc giảng dạy xóa mù chữ trong thời đại mới. Tuy nhiên, nhiều giáo viên còn gặp hạn chế trong ứng dụng công nghệ vào bài giảng. Do vậy, việc triển khai các chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện từng địa phương là vô cùng cấp thiết.
Hơn 61.000 lượt người vào Lăng viếng Bác dịp lễ 30/4 và 1/5
Hơn 61.000 lượt người vào Lăng viếng Bác dịp lễ 30/4 và 1/5
(Ngày Nay) -  Theo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ 27/4 - 1/5, riêng thứ Hai ngày 29/4 không tổ chức Lễ viếng Bác), đã có 61.417 lượt người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 3.919 lượt khách nước ngoài.