Cánh cửa khép lại
Năm 16 tuổi, sau lần quan hệ tình dục đầu tiên với bạn trai, Black sinh sống tại Melbourne (Australia) phát hiện mình có thai. “Tôi không thể tin rằng mình lại phải đối mặt với điều này. Tôi nhớ mình đã đi đến một hiệu thuốc và mua một que thử thai. Điều gì rồi cũng phải đến, thứ tồi tệ nhất đã xảy ra” -Black nhớ lại.
Xuất thân từ gia đình Công giáo nghiêm khắc, thuộc tầng lớp lao động, nỗi sợ hãi lớn nhất của Black là phải nói điều này với cha mình. “Suy nghĩ đầu tiên của tôi là bố. Ông đã phải làm hai công việc vất vả để chúng tôi có cơ hội học xong lớp 12 và có thể bước vào đại học. Trong tâm trí của ông lúc nào tôi cũng là cô công chúa bé nhỏ và ông đang làm hết sức mình để tôi có một tương lai tốt”.
Rồi Black cũng phải nói chuyện với cha cô. “Mặt ông trắng bệnh vì tức giận. Tôi còn không dám nhìn và chỉ cắm mặt xuống đất. Sau đó, tôi nghe thấy tiếng cửa phòng ngủ đóng sầm, cửa hành lang đóng sầm, cửa trước đóng sầm. Ông chạy đến một con đường chính ở vùng ngoại ô nơi chúng tôi sống ở Melbourne, hét lên đau khổ và tuyệt vọng”.
Nhưng sau đó, bằng tình yêu với cô con gái nhỏ, cha mẹ cô đã vượt qua cú sốc ban đầu để hỗ trợ Black trong quá trình mang thai và sinh nở. Thật không may cô lại không nhận được cái nhìn đồng cảm tương tự bên ngoài xã hội. Cô nhớ lại hai trải nghiệm đặc biệt không thể nào quên, đó là bị một tài xế xe buýt gọi là “con đĩ bẩn thỉu” trong chuyến đi chơi đầu tiên với con mình và bị từ chối phục vụ tại một quầy trang điểm hạng sang sau khi nhân viên nói rằng “tuổi của cô mà có con thì không thể mua được những món đồ này”.
Nhiều bé gái khủng hoảng khi biết mình mang thai |
Tuy vậy đối với Black, sự kỳ thị này đã giúp cô làm rõ quyết tâm thực hiện lời hứa với cha mẹ mình “trở thành một người mẹ tốt, hoàn thành chương trình học và viết một cuốn sách nhỏ để giúp đỡ những phụ nữ trẻ khác có hoàn cảnh tưởng tự”.
Không may mắn như Black được sinh sống tại một quốc gia phát triển và lối sống thoáng về tình dục, mang thai khi đang ngồi trên ghế nhà trường tại Uganda thực sự là một điều tồi tệ với Christine.
Trong kỳ nghỉ hè cấp 2, Christine phát hiện mình có thai. Tại Uganda, việc mang thai ở tuổi của cô sẽ bị đuổi khỏi trường, đối mặt với sự kỳ thị, xa lánh và phá bỏ thai là điều mà nhiều cô gái sẽ chọn. Lo ngại con gái mất hết tương lai và không chịu được những ánh mắt kỳ thị, mẹ cô đã giấu giếm cho con gái mình uống thuốc viên misoprostol để phá thai - một thủ thuật chỉ được phép sử dụng khi tính mạng của người mẹ gặp nguy hiểm. Biện pháp này đã có biến chứng và cô bị chảy máu nhiều ngày sau đó, buộc cô phải nhập viện. Đến giờ Christine đã hơn 20 tuổi, nhưng cô vẫn bị ám ảnh bởi cảm giác sợ hãi mong manh giữa cái sống và cái chết, đến mức không còn cảm giác muốn được yêu ai thêm một lần nữa.
Việc các bà mẹ giúp con gái mình phá thai bất hợp pháp trở nên khá phổ biến tại Uganda. Thậm chí sự kỳ thị đã khiến những đứa trẻ tự tìm đến những phương thức phá thai không an toàn, nguy hiểm cả đến tính mạng của mình. Nếu không lựa chọn từ bỏ thai, hầu hết các bé gái đều phải gác lại chuyện học hành để trở thành những bà mẹ nhí bất đắc dĩ. Một báo cáo của Diễn đàn dành cho các nhà giáo dục phụ nữ và trẻ em gái châu Phi, 21% trẻ em gái từ 14 đến 18 tuổi tại Uganda bỏ học do mang thai. Ở các khu vực nông thôn, con số này tăng lên 30% và cao nhất ở miền Đông Uganda là 43%.
“Không sao, chúng ta sẽ ổn thôi”
Với mỗi bậc cha mẹ, nghe tin đứa con trai hay con gái bé bỏng của mình trở thành những ông bố, bà mẹ nhí luôn là một cú sốc lớn. Tuy nhiên hãy hiểu rằng phản ứng tức thì của cha mẹ có thể khiến mọi việc trầm trọng hơn. Những câu mắng trách “ngu ngốc và vô trách nhiệm” hay “hủy hoại cuộc đời mình” là điều nhiều phụ huynh sẽ phản ứng. Theo các chuyên gia tâm lý, những lời này tốt nhất là không nên nói vào lúc này. Đây thực sự không phải lúc để đổ lỗi và cảm thán về sự thất vọng của bạn.
Nhiều phụ huynh bị sốc khi biết con mình mang thai |
“Không sao đâu, chúng ta có thể giải quyết được, mọi thứ sẽ ổn thôi”, đó là câu nói của bố Sally thốt lên trong nước mắt khi cô con gái nhỏ của ông nói có thai với bạn trai khi 14 tuổi. Trong lúc Sally hoang mang và muốn chấm dứt tất cả, câu nói yêu thương của bố đã giúp cô có sức mạnh để vượt qua. Sau này khi trở thành mẹ của những đứa con, Sally chia sẻ cô mới hiểu được sự thất vọng trong ánh mắt của bố và cả những giọt nước mắt đau xót dành cho đứa con gái nhỏ của mình. Tuy nhiên bố mẹ vẫn dang rộng vòng tay, viết tiếp giấc mơ dang dở của cô. Sau khi sinh Louis, Sally tiếp tục việc học tập, hoàn thành GCSE, A-levels, bằng đại học và thạc sĩ. Hiện cô làm việc trong lĩnh vực PR, cũng như điều hành một nhà hàng cùng với hôn phu của mình, Sally chia sẻ, là một bà mẹ nhí khi còn quá nhỏ với nhiều khó khăn và thử thách, nhưng lời động viên của bố “Không sao đâu chúng ta sẽ ổn thôi” luôn là động lực để cô vượt qua mọi khó khăn.
Theo chuyên gia tâm lý hàng đầu tại Mỹ Drew Coster, có 10 cách xử lý khi bỗng nhiên bạn biết được tin cô con gái nhỏ của mình mang bầu.
Trước hết, hãy nhớ câu ngạn ngữ cổ “Giữ bình tĩnh và tiếp tục”. Cố gắng không phản ứng, hãy kiềm chế cho qua cơn giận giữ. Tiếp theo là nói chuyện bình tĩnh nhất có thể. Ngay cả khi bạn đang muốn gào và hét lên vào mặt bọn trẻ, hãy nhớ rằng con gái bạn đang là người cần giải quyết vấn đề chứ không phải bạn. Thứ ba hãy tập trung vào việc cố gắng hiểu cảm giác của con mình lúc này. Hãy cho chúng biết rằng bạn luôn ở bên cạnh. Điều này sẽ cho con bạn cơ hội để khóc, trút bầu tâm sự và bộc lộ nỗi sợ hãi ra ngoài.
Điều này cũng giúp cho bạn có những thông tin giá trị để đưa ra lời khuyên đúng đắn. Hãy tìm hiểu bố đứa bé và cha mẹ của anh ta có biết không. Cố gắng kiềm chế cơn nóng giận với “kẻ đã gây ra hậu quả” cho con gái mình, vì việc biến anh ta thành kẻ thù có thể gây ra những rạn nứt không thể hàn gắn. Giúp con bạn hiểu rằng chúng còn rất trẻ và đưa ra quyết định nhanh chóng có thể không phải là điều tốt nhất lúc này, hãy đưa ra những lời khuyên chân thành. Đừng cố ép quan điểm của bạn về những gì con bạn nên làm. Hãy dành một chút thời gian để xem xét tất cả các phương án và tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn nếu cần thiết.
Nếu con gái bạn quyết định giữ lại đứa bé, việc lên một kế hoạch là rất quan trọng. Phần khó nhất sẽ đến sau khi sinh. Con gái và bạn trai sẽ sống ở đâu và như thế nào. Khi chúng trở lại trường học, ai sẽ trông đứa trẻ. Hai gia đình lên kế hoạch giúp đỡ bọn trẻ thế nào về tài chính. Đây sẽ là một điều vô cùng khó khăn khi hai người trẻ đột nhiên phải trở thành những người lớn có trách nhiệm.
Đây là thời điểm đứa trẻ cần sự giúp đỡ nhất từ cha mẹ |
Những con số “giật mình”
Theo số liệu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), hiện có khoảng hơn 500 triệu trẻ em gái đang sinh sống tại các nước đang phát triển. Trong số đó có hàng triệu trẻ em gái phải lập gia đình khi còn nhỏ tuổi; phải mang thai và sinh con khi các em chưa thực sự trưởng thành về mặt thể chất, tình cảm và chưa đủ trưởng thành về mặt xã hội để sẵn sàng làm mẹ. Khu vực châu Phi thuộc tiểu vùng Sa mạc Shahara là nơi có có tỷ lệ sinh ở tuổi vị thành niên cao nhất với 120 trẻ/1.000 trẻ vị thành niên trong độ tuổi từ 13-19. Ở khu vực châu Mỹ La tinh và vùng Caribbean, tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên vẫn ở mức cao và chỉ mới bắt đầu giảm gần đây. Tương tự, số lượng bà mẹ sinh con ở tuổi vị thành niên tại các nước ở khu vực Đông Nam Á hiện vẫn rất cao.
Thiếu hiếu hiểu biết, không được giáo dục đầy đủ là những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng mang thai ngoài ý muốn mà chính giới trẻ cũng không lường trước được hậu quả mà nó mang lại. Những nước phát triển hơn như Anh, Mỹ, vấn nạn mang thai đến từ tư tưởng thoáng của giới trẻ. Do ảnh hưởng của phim ảnh, mạng xã hội cũng khiến những người trẻ có xu hướng tình dục sớm hơn. Tại Mỹ, có tới 75% số vụ mang thai của trẻ vị thành niên do ngoài ý muốn và gần một nửa trong số những trẻ vị thành niên đó tìm đến các dịch vụ phá thai.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ thương tật và tử vong do nạo thai không an toàn ở trẻ em gái vị thành niên và nữ thanh niên trẻ cao; ước tính năm 2008 số ca phá thai không an toàn ở vị thành niên trong độ tuổi từ 15-19 tại các nước đang phát triển là khoảng 3 triệu ca; thai chết lưu và tử vong sơ sinh chiếm hơn 50% các ca sinh của các bà mẹ dưới 20 tuổi so với những bà mẹ từ 20-29 tuổi... Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho biết, mang thai ở tuổi vị thành niên không chỉ đơn thuần là một vấn đề về sức khỏe, mà mang thai ở tuổi vị thành niên còn làm mất đi tiềm năng ở các em gái, rút ngắn cơ hội học hành, đánh mất và hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống, khiến những bà mẹ trẻ và cộng đồng nơi họ sinh sống chìm trong cảnh đói nghèo...
Dù cho có ở đâu, trong hoàn cảnh nào, việc mang thai ở tuổi vị thành niên cũng khiến cho cuộc sống của các em trở nên khó khăn hơn rất nhiều và nhiều trường hợp đẩy em vào một tương lai mờ mịt hơn.Cho nên điều cần làm là giáo dục giới tính và cho trẻ biết những nguy cơ có thể xảy ra nếu có thai và phá thai. Cần phải có một chiến lược vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em gái vị thành niên, đồng thời bảo vệ quyền cho các em. Cung cấp và hướng dẫn sử dụng các phương pháp tránh thai là giải pháp hiệu quả.