Khoảng năm 1982 – 1983, KTS Nguyễn Trực Luyện được cử sang Liên Xô để cùng với các KTS nước bạn thiết kế Bảo tàng Hồ Chí Minh thì ở Việt Nam diễn ra Đại hội Hội KTSVN lần thứ III.
Đây là Đại hội đầu tiên sau khi đất nước thống nhất và cũng là thời điểm chuyển giao thế hệ KTS đầu tiên, những người tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, với thế hệ thứ hai, những người được đào tạo dưới chế độ XHCN.
Đại hội đã bầu KTS Nguyễn Trực Luyện làm Tổng thư ký trong khi vắng mặt. Lúc mới về nước, ông vừa tiếp tục làm Bảo tàng Hồ Chí Minh với tư cách là viện phó Viện Thiết kế Nhà ở và Công trình công cộng, vừa làm công tác hội.
Bảo tàng Hồ Chí Minh là một trong những công trình quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp kiến trúc của KTS Nguyễn Trực Luyện |
Đối với KTS Nguyễn Trực Luyện, kiến trúc luôn là một nghề đặc biệt. Đặc biệt vì bên cạnh tính kỹ thuật thì KTS luôn phải có tính sáng tạo, phải biết kết hợp trí tưởng tượng phong phú và khả năng diễn tả điều đó bằng những giải pháp mới, giải quyết cho được những bài toán kiến trúc hóc búa.
Đền thờ Bác Hồ tại khu di tích ở huyện Ba Vì (Hà Nội) |
Ý tưởng của hậu duệ dòng tộc Nguyễn Sinh là tìm một ngọn núi gần Hà Nội có cảnh đẹp để làm một ngôi đền nhỏ thờ Bác. Nhưng ngay lúc đầu, vị này đã nhấn mạnh việc đại sự sẽ làm theo hướng vận động anh em, bạn bè đóng góp, trong đó có cả cá nhân ông. Các cá nhân hảo tâm tự nguyện góp kinh phí cũng hoan nghênh. Ông bảo cả nhóm: "Dứt khoát chúng ta không xin tiền của ngân sách nhà nước."
Thời điểm lúc đó ông Nguyễn Trực Luyện đang là người đứng đầu Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhóm tình nguyện đã sang đặt vấn đề nhờ. Hội KTS Việt Nam gợi ý tốt nhất là nên để Hội giúp với tinh thần là tác phẩm kiến trúc mang trí tuệ của tập thể.
Ông Nguyễn Trực Luyện sau đó đã giao cho Công ty của KTS Hoàng Phúc Thắng. Khi thiết kế sơ bộ bằng một số phương án thì cuộc họp để chốt lại này được diễn ra tại Ban Quản lý Lăng Bác Lúc đấy đã có thêm Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà cùng dự…
Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo) một tác phẩm kiến trúc mang nhiều dấu ấn lịch sử mà KTS Nguyễn Trực Luyện đã dày công thiết kế với nhiều thông điệp lớn lao |
Dù rất bận rộn khi làm công tác lãnh đạo ở Hội KTSVN, KTS Nguyễn Trực Luyện vẫn dành thời gian để hành nghề kiến trúc. Ông đã cho thành lập xưởng thiết kế trực thuộc Hội, tạo điều kiện cho anh chị em KTS làm nghề và cải thiện đời sống.
Khu Ngoại giao đoàn Vạn Phúc (Ba Đình-Hà Nội) là một trong những công trình đặc biệt mà KTS Nguyễn Trực Luyện thiết kế. Công trình này có nhiều giá trị đối với công tác ngoại giao của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua. |
Khu lăng mộ Nguyễn Thái Học (Yên Bái) được KTS Nguyễn Trực Luyện thiết kế với nhiều ý nghĩa lịch sử, giá trị của vị anh hùng tiền khởi nghĩa của Việt Nam. |
Gắn bó với công tác Hội hơn 20 năm với vai trò Tổng Thư ký (nhiệm kỳ III, IV), Chủ tịch Hội KTS Việt Nam (nhiệm kỳ V, VI), với chủ trương tăng cường tiếng nói phản biện của giới kiến trúc, KTS Nguyễn Trực Luyện làm Đại biểu Quốc hội các khoá VII, VIII; Chủ tịch Hội đồng tư vấn kiến trúc của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Trong thời gian này, ông đã cùng với giới KTS lên tiếng mạnh mẽ, tác động không nhỏ tới dư luận xã hội với những công trình: Tòa nhà Khách sạn Hà Nội Vàng, Hàm Cá mập, Trụ sở Bộ Tài chính…
KTS Nguyễn Trực Luyện tâm sự: “Tôi nhớ mãi hôm chia tay với Hội đồng tư vấn kiến trúc khi kết thúc nhiệm kỳ, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: “Chính phủ còn có nhiệm kỳ, Thủ tướng sẽ thay đổi nhưng kiến trúc thì còn mãi, công việc của các anh vẫn còn tiếp tục”. Đó cũng chính là vai trò và trách nhiệm của giới KTS: Tư vấn và phản biện xã hội. Trước thực tế làm nghề trong thời kỳ hội nhập, hơn bao giờ hết, Hội KTS Việt Nam – Mái nhà chung của giới nghề, cần tiếp tục chủ động hơn nữa trước những vấn đề xã hội, đổi mới hoạt động, đặt Hội trong chuỗi logic phát triển của nghề kiến trúc: Tạo điều kiện để KTS hành nghề thuận lợi hơn, sáng tác nhiều công trình tốt hơn, thay đổi từng bước diện mạo kiến trúc nước nhà. Và từ đó, vai trò của Hội KTS Việt Nam tác động đến xã hội cũng mạnh hơn, hiệu quả hơn…”
Nhiều năm làm nghề, gắn bó với công tác hội, KTS Nguyễn Trực Luyện luôn tâm niệm: Kiến trúc là vì con người. Nhận sự chuyển giao từ các thế hệ cha anh, đến lượt mình, cũng bền bỉ như việc làm nghề, ông vừa khuyến khích, động viên các anh em trẻ sáng tác, vừa nuôi dưỡng, truyền lửa nhiệt tình và say mê. Trong Thư tiến cử nhân tài gửi Thủ tướng Chính phủ năm 2001, ông viết: “…Tôi hiểu rằng nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng bất ổn và bất trắc trong các hoạt động kiến trúc và quy hoạch đô thị trước hết là nằm ở yếu tố con người…”.