Tháng 10/1993, trong đại hội đầu tiên, nhà văn hóa, kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện đã được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam, là tiền thân của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.
Chiều ngày 21/5/2021, gia đình phát ra thông báo, nhà văn hóa Nguyễn Trực Luyện đã qua đời ở tuổi 86. Ông ra đi để lại niềm thương tiếc đối với gia đình nói riêng, là mất mát to lớn đối với Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, cũng như nhiều người yêu quý ông nói chung.
Nhà văn hóa, kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện có những đóng góp quan trọng trong hoạt động UNESCO tại Việt Nam, là một trong những người tiên phong trong công tác nghiên cứu, phát huy cũng như đặt nền móng cho các di sản của Việt Nam được UNESCO thế giới công nhận sau này.
Tháng 3/1993, trong chuyến thăm Việt Nam của Ngài Federico Mayor, Tổng Giám đốc UNESCO, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh thay mặt Chính phủ Việt Nam và Ngài Mayor đã ký bản ghi nhớ, trong đó có nêu việc Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét tích cực việc thành lập Hiệp hội UNESCO Việt Nam.
Tiếp đó Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã góp phần cùng các sáng lập viên tích cực chuẩn bị cho việc ra đời một mạng lưới UNESCO phi chính phủ tại Việt Nam sẽ mang tên là Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam.
Ngày 3/8/1993 Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định số 397/TTg cho phép thành lập Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam.
Ngày 6/10/1993 Đại hội Toàn quốc lần thứ nhất, đồng thời là Đại hội sáng lập Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam đã được triệu tập tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham gia của khoảng 150 sáng lập viên. Đại hội đã bầu ra một Ban chấp hành gồm 21 uỷ viên do KTS Nguyễn Trực Luyện làm Chủ tịch.
Cùng với hoạt động của UNESCO, Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện là một tên tuổi lớn trong giới kiến trúc tại Việt Nam. Ông là tác giả những công trình đặc biệt như: Khách sạn Dân Chủ (góc phố Tràng Tiền - Nguyễn Khắc Cần ngày nay), kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện đã thiết kế khách sạn Thái Nguyên, khu Ngoại giao đoàn (Vạn Phúc - Ba Đình) và đóng góp sức mình cho những công trình quan trọng như Bảo tàng Hồ Chí Minh, tôn tạo nghĩa trang A1 Điện Biên Phủ, tôn tạo nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo, xây đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Ba Vì…
Thông tin từ phía gia đình cho biết, tang lễ kiến trúc sư, nhà văn hóa Nguyễn Trực Luyện được tổ chức vào ngày 25/5 tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng tổ chức từ 11h15 đến 12h15. Lễ truy điệu từ 12h15 đến 12h30. Lễ an táng cùng ngày tại công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, TP Hà Nội.
Ông Nguyễn Trực Luyện sinh năm 1935 ở Hà Nội trong một gia đình “nhà nòi” về kiến trúc, có bố là KTS Nguyễn Cao Luyện, người anh lớn của nền kiến trúc hiện đại Việt Nam. Về việc bố và con trùng tên nhau, KTS Nguyễn Trực Luyện từng chia sẻ: “Khi bố tôi tốt nghiệp xuất sắc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1933, cụ được đi tu nghiệp 1 năm ở Paris và đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp với nhiều trường hợp bố con trùng tên nhau, như nhà Alexandre Dumas chẳng hạn”.
Ông Nguyễn Trực Luyện là Đại biểu Quốc hội các khoá VII, VIII; Chủ tịch Hội KTS Việt Nam (nhiệm kỳ V, VI); Chủ tịch Hội đồng tư vấn kiến trúc của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.