Hứa Trung Cẩm vừa post lên facebook hình con dê nái của Cẩm. Con dê nái lai giống dê Mỹ, to như con nghé vừa sinh được bốn con dê con.
Cẩm là con nông dân miệt lộ 25, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Những năm con đường nối xa lộ 25 với quốc lộ 1 chưa được tráng nhựa, Cẩm đến trường với bê bết bùn đất hôm mưa, bụi đỏ mù người hôm nắng.
Cẩm là con nông dân. Tốt nghiệp PTTH Cẩm lên Sài Gòn trọ học Đại học. Hình như Đại học Mở chuyên ngành Marketing. Học xong Đại học, Cẩm kiếm được việc làm, làm được ít lâu Cẩm về quê.
Về quê làm gì? Về quê nuôi bò. Bò ngoại, con nào con nấy to như lạc đà, cao lêu nghêu. Con bò đực gặp người lạ thở phì phì như sắp lao vào ăn thua đủ, bò của Cẩm hút hàng. Thị trường bò bão hòa, Cẩm chuyển sang nuôi dê. Không phải loại dê cỏ bé xíu, Cẩm nuôi dê lai. Cẩm là một trong những hộ nông dân đầu tiên nuôi dê lai, Cẩm có tiếng trong tỉnh về dê lai.
Ảnh minh họa
Nuôi khoa học, nuôi sau nhà tiêm chủng đầy đủ, chuồng trại thoáng mát. Vừa chăn nuôi vừa chơi facebook tỉnh như không.
Tết về cũng muộn, áng phải 21h, gọi Cẩm ra nhà uống rượu. Cẩm mặc áo khoác phi xe từ xa lộ ra. Nói chuyện rổn rảng đầy tự tin, vẻ thành đạt.
Những đứa con nông dân như Cẩm có lẽ không nhiều, phố thị chắc đã dậy cho Cẩm nhiều điều. Quan trọng nhất vẫn là tầm nhìn. Cẩm lấy vợ, cô vợ về Tây Nguyên, bốn năm hai lần sinh. Hai ông con của Cẩm hiếu động, gia cảnh đầm ấm. Dê vẫn sòn sòn đẻ, dê con không kịp bán. Bò không còn nhiều vẫn đủ xuất chuồng đúng định kỳ, cỏ vẫn xanh tốt. Nông dân kiểu của Cẩm, chắc ai cũng muốn trở thành dẫu chỉ là chăn nuôi nhỏ lẻ.
Chiều, vào chơi với Cầu thì thấy Cầu đang tưới cây. Mùa này nắng, tưới giáp vòng, bốn ngày hết 2 hecta đất, vừa chôm chôm, măng cụt, sầu riêng. Thêm một ít cây điều, tiêu... không đáng là mấy.
Hạn El-Nino, Cầu vừa mướn lại người vét lại cái hồ, hồ hai ngăn, một nông một sâu. Một ngăn cạn trơ bùn, ngăn còn lại không nhiều nước lắm. Tổng cộng hết 8 câu, quy ra tiền hết 2 triệu.
Vừa rồi, Cầu mua phân chuồng bón chôm chôm và măng cụt đang trổ bông hết 2 triệu nữa. Tổng cộng là 4 triệu tiền đi mượn. Mượn của bà con, không tính lãi, may phước cho Cầu.
Cái vườn mà Cầu đang làm là vườn đi mượn nghiã là làm chia với chủ, một năm vài triệu. Chủ bỏ đất không thì phí, lại không đủ nhân lực để canh tác cho nên cho Cầu mượn làm. Cầu có mấy sào vườn chuyên trồng chôm chôm, năm vừa rồi Cầu mua mão chôm chôm khác lỗ, nên đã cầm cố để trả nợ. Mua mão chôm chôm nghĩa là đầu mùa vào vườn của chủ quan sát, áng chừng sản lượng, mức giá rồi mua chọn gói, chủ đồng ý thì đặt chung tiền. Đến lúc chôm chôm rộ thu hoạch, lời ăn lỗ chịu. Lần mua đó Cầu lỗ.
Nhà Cầu chuyên làm vườn, bố mẹ anh em đều làm vườn.Trước Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch), nhìn cây chôm chôm chưa chín ửng đỏ là bắt đầu lo lắng. Vì chôm chôm chín rộ trước tết Đoan Ngọ mới bán được giá, chứ vào mùa đụng hàng thì mua ở vườn ước chừng hơn 1 nghìn đồng 1 cân. Để đến mức giá đó thì chôm chôm phải đẹp, toàn chôm chôm tuyển.
Người ta hay đồn đoán chôm chôm xịt hóa chất, quên đi. Đến bỏ phân cho cây còn phải tính bã hết đầu huống hồ phung phí tiền mua thuốc xịt cây giữ trái. Nhà vườn những năm gần đây đã chán lắm rồi, đã khác xưa lắm rồi. Hỏi Cầu khi nào thì trả dứt nợ thua lỗ cho lần kinh doanh đó, Cầu toàn cười. Không cười thì biết làm gì khác đây, chẳng lẽ khóc!
Bây giờ Tèo đang làm công nhân xưởng gỗ, làm mấy năm rồi, lương sau tăng ca cũng được hơn 6 triệu một chút. Mấy anh, chị, em của Tèo cũng làm công nhân, người may mặc, người giầy da. Tết về ríu rít lương thưởng, đì đùng vui vui.
Những đứa con của nông dân bây giờ làm công nhân như Tèo rất nhiều, những chuyến xe 54 đậu ngay xóm, sáng chở đi chiều tối chở về. Từng tốp, từng tốp đồng phục xanh giầy sandal. Thi thoảng có nghe chuyện cho vay trả góp ở công ty, có nghi số thuê để cải thiện thêm thu nhập. Vào mùa Euro hay World Cup, mấy ông công nhân mặt non choẹt ngồi ra kèo, nhắn tin nhoay nhoáy đặt cược.
Những đứa con của nông dân bây giờ làm công nhân như Tèo rất nhiều. Ảnh minh họa
Lập gia đình thì sẵn đất rẫy của bố mẹ, xin một khoảnh xây cái nhà tường, gom góp tiền mừng đám cưới mua tivi, xe gắn máy. Sau đó tiếp tục lao vào nhà xưởng, khu công nghiệp. Lương tháng nào xài tháng đó, con cái sinh ra để cho ông bà nội, ông bà ngoại chăm. Ông bà vừa chăm cháu vừa chăm rẫy, rẫy quanh năm ngày tháng không được mấy tiền, làm công nhân quanh năm ngày tháng cũng không được mấy tiền.
Cuộc đời cứ quẩn quanh chật hẹp vậy và những đứa trẻ cứ lớn lên.
Chẳng biết phải làm sao?
Ngô Nguyệt Hữu