1. Bà 75 tuổi. Tóc bạc phơ. Ở phòng bệnh lao xao nói về đám cháy chợ Đọ. Bà bảo:
- Tôi từng đến chợ Đọ rồi đấy! Nhưng giờ chả nhớ nó ở đâu.
- Bà ơi, thế nhà bà ở đâu?
- Tôi ở Lương Tài. Tôi lên Bắc Ninh ở với con trai 5 năm rồi. Nhưng tôi chưa cả đến đền Chúa Kho - bà chép miệng.
- Thế hôm nào bà bảo con bà đưa đi bà ạ.
- Tôi yếu lắm! Mang tiếng ở Bắc Ninh nhưng chẳng biết đâu cả. Có lần em nó đưa lên cái vườn hoa đẹp lắm, nhưng đi một tí tôi đòi về vì mỏi.
- Vâng, bà chữa tích cực lên. Khỏe rồi bà bảo con bà đưa bà lên đền Giếng bà nhé! Ở đấy có nhà hát Quan họ đẹp lắm.
- Tôi nhiều bệnh. Con tôi đã cho tôi đi Sài Gòn cấy tế bào gốc đấy. Nhưng tôi già quá, không đỡ mấy.
- Ôi con bà có hiếu quá! Bõ công đẻ bà nhỉ.
- Ừ, tôi tiếc tiền bảo mẹ già rồi chữa phí tiền. Em nó bảo mẹ sống thêm vài ngày con cũng vui.
- Cảm động quá! Cháu mừng cho bà! Cháu sẽ kể câu chuyện này với con cháu để nó học tập.
Mình lặng đi! Cảm động về sự tử tế của con trai bà. Và mình nghĩ về người con dâu bà dù bà chẳng kể nửa câu về cô ấy. Đằng sau một người con trai hiếu nghĩa luôn có sự đồng thuận của người con dâu tử tế. Mừng cho bà - người mẹ hạnh phúc.
2. Bà cũng 75 tuổi. Gày và nhanh nhẹn. Ngày nào điều trị lazer cùng bà mình cũng thấy bà mở nhạc tưng bừng. Hôm nay, bà loay hoay mãi không mở được. Bà lẩm bẩm:
- Sao thế nhỉ? Mở mãi không được.
- Bà để cháu giúp. Tôi với tay sang giường bà.
- Bà ơi, bà nghe nhạc thì mở trên YouTube dễ tìm hơn bà ạ.
- Tôi không biết tìm YouTube như thế nào.
- Đây bà nhé, để cháu cho nó hiện luôn trên màn hình chính nhé. Bà chỉ việc thế này thế này là tìm được.
- Thế cô làm gì?
- Cháu là giáo viên ạ.
- Cô dạy cấp 1 hay cấp 2?
- Cháu dạy cấp 3 ạ.
- Giỏi nhỉ. Cô ở đâu?
- Cháu sinh ra và lớn lên ở Bắc Ninh bà ạ.
- À, thế dạng tiểu thư rồi. Làm gì biết ruộng đồng nhỉ?
- Vâng, cháu được chiều từ bé. Chỉ đi học thôi bà ạ. Cháu chả biết làm việc nặng nên đã yếu càng yếu.
- Tôi thích nghe hát lắm. Mỗi bài hát đều gợi nhớ kỷ niệm. Xưa sinh viên cô học ngoại ngữ gì?
- Cháu học tiếng Nga ạ.
- Thế cô mở nhạc Nga đi. Tôi thích nghe lắm.
Mở cho bà nghe mấy bài Đôi bờ, Cây Thùy dương... Bà như sống lại ký ức xưa, kể thôi rồi kỷ niệm. Nghe bà lại nghĩ đến mình của 20 năm sau. Chắc nếu vào viện cũng thèm người nói chuyện, thèm kể chuyện ngày xưa (mà thường bọn con cháu chả thèm nghe nữa). Rồi bà thở dài: Nhưng tôi vất vả lắm!
Không muốn bà phải sống lại hồi ức khổ, mình lái câu chuyện:
- Bà ơi, bà nghe nhạc trẻ bao giờ không?
- Tôi không biết mở.
- Bà nghe thử nhé! Biết đâu bà thích.
Mình mở cho bà nghe bài Xin lỗi do Nguyên Hà hát. Bà nghe rất chú tâm rồi bảo: Cũng hay nhỉ. Nhẹ nhàng, êm ả.
- Vâng bà! Thi thoảng bà nghe nhạc trẻ bà nhé! Bà sẽ thấy trẻ ra đấy!
3. Chiều, mình chào mọi người về. Bà nhìn theo bâng khuâng: Cô giáo ra viện sớm thế!
- Vâng! Cháu chúc bà nhanh khỏe bà nhé!
Chào mọi người về, thấy nhơ nhớ! Phòng bệnh hình như là nơi người ta sống thật với nhau nhất. Ở nơi ấy, những người bệnh tựa vào nhau để vượt qua nỗi buồn bệnh tật.