Được tổ chức từ 28-30 tháng 8, hội nghị tập trung các chuyên gia từ 9 tổ chức Campuchia và 25 tổ chức quốc tế tại Phnom Penh để chia sẻ kinh nghiệm về việc quản lý tài liệu lưu trữ số hóa liên quan đến diệt chủng. Hội nghị cũng trao đổi về quá trình đưa Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng trở thành một điểm giáo dục hòa bình nhằm hỗ trợ các nỗ lực hòa giải.
Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng lần đầu tiên được mở cho du khách vào năm 1979 trên chính khoảng đất của trại giam, thẩm vấn và hành hình S-21 ở Phnom Penh, được điều hành bởi chế độ Khmer Đỏ.
Từ năm 1975-1979, hơn 18.000 tù nhân đã bị thẩm vấn, tra tấn và sát hại tại chỗ hoặc trong khu vực giết chóc của Choeung Ek.
Hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ Dự án Bảo tồn và Số hóa Lưu trữ Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng, do UNESCO hợp tác với MocFA với sự hỗ trợ của KOICA.
Kho lưu trữ của Bảo tàng đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới (Ký ức Thế giới - MoW) vào năm 2009. Đây là bộ sưu tập tài liệu toàn diện nhất về hệ thống nhà tù Khmer Đỏ.
Dự án tìm cách thúc đẩy hòa bình và đối thoại liên văn hóa, tạo điều kiện cho các nỗ lực hòa giải và mở rộng phạm vi giáo dục, bao gồm thông qua việc bảo tồn và số hóa các tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng.
Từ trước đến nay, UNESCO luôn cam kết tăng cường nhận thức về nạn diệt chủng, nguyên nhân, động lực và hậu quả của những tội ác đó và hỗ trợ khả năng chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử.