Kết hôn ở lứa tuổi trẻ em vẫn là một thực trạng khó giải quyết, tồn tại ở cả người Kinh và đặc biệt phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Có tới 40/53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên; có 6 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 50 - 60%, đặc biệt là ở các cộng đồng người Mông, Xinh Mun, La Ha, Gia Rai, Raglay và Bru - Vân Kiều.
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2011 đến 2014, toàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn có 1.207 cặp nam nữ vị thành niên tảo hôn, 86 cặp hôn nhân cận huyết thống; bình quân hằng năm có từ 250 đến 400 cặp tảo hôn, hơn 20 cặp kết hôn cận huyết thống.
Khoa học đã chứng minh, hôn nhân cận huyết thống là nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm giống nòi, trẻ dễ mắc bệnh di truyền hay bị dị tật, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Khi kết hôn sớm, sinh con sớm cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bà mẹ trẻ em, làm giảm chất lượng dân số… Trong khi đó, việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh chưa được nhận thức và quan tâm đúng mức.
Đây là nguyên nhân để Nghị quyết số 21-NQ/TW đưa ra mục tiêu tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.
Theo Suckhoedoisong.vn