Th.BS Trần Đắc Đại - Trưởng khoa Tim trẻ em, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện E: Có thể điều trị tim bẩm sinh ngay trong bào thai
Theo BS Trần Đắc Đại, trước đây khái niệm tim bẩm sinh còn mờ nhạt, mọi người cho rằng bệnh tim là chết, thực tế 80% có thể chữa được. Đơn cử, các bác sĩ Bệnh viện E vừa cứu sống thành công một cháu bé bị mắc bệnh đảo gốc động mạch là bệnh nặng nhất trong các loại dị tật tim bẩm sinh. Bệnh này chiếm khoảng 5-7% số trẻ bị dị tật tim và khoảng 20-30/100.000 trẻ sinh ra. Tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được can thiệp phẫu thuật sớm. Cháu bé được cứu sống thành công là nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bác sĩ sản khoa và bác sĩ nội nhi tim mạch ở Bệnh viện E. Sản phụ được tư vấn trong thời kỳ mang thai và được chuẩn bị kỹ lưỡng, phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ sản khoa và nội tim nhi khi sản phụ chuyển dạ. Sau khi cháu sinh được bác sĩ nội tim nhi hồi sức ngay và chăm sóc đặc biệt duy trì sự sống đến ngày trẻ được phẫu thuật thành công.
BS Đại kiểm tra tim cho trẻ sơ sinh |
BS Đại khuyến cáo, bà bầu nên kiểm tra sức khỏe thai nhi định kỳ để phát hiện sớm dị tật trước sinh. Qua đó giúp các bé sớm tiếp cận với chăm sóc y tế ngay sau sinh và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. cần phải chú ý đến tim thai xem có gì bất thường (nếu cần thiết phải có một đợt kiểm tra tim thai bởi các bác sĩ tim mạch nhi khi thai được 18-22 tuần tuổi).
Khi thai nhi có biểu hiện mắc bệnh, sản phụ nên chọn cơ sở y tế có đủ điều kiện bác sĩ nội tim nhi phối hợp với bác sĩ sản khoa - bác sĩ phẫu thuật tim bẩm sinh thì hy vọng cứu sống trẻ là rất lớn. Nếu được phát hiện và can thiệp sớm, 98% bệnh nhân tim bẩm sinh có thể chữa được và trở về cuộc sống như người bình thường. Trên thực tế, hàng trăm sản phụ đã được chẩn đoán, sàng lọc tim bẩm sinh ngay trong bào thai từ rất sớm. Có hàng chục trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh đã được sinh tại Bệnh viện E và được cấp cứu, can thiệp, phẫu thuật thành công ngay từ những ngày đầu sau sinh tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E.
PGS. TS Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức: Bệnh nhi sau phẫu thuật tim không cần quá kiêng khem
BS Nguyễn Hứu Ước cho biết, với những đứa trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, phẫu thuật xong mới chỉ là thành công một nửa vì sau phẫu thuật còn rất nhiều vấn đề biến chứng cần theo dõi. Đối với những trẻ bị tim bẩm sinh phức tạp, vấn đề chăm sóc sức khỏe sau hậu phẫu càng nan giải hơn vì “sảy một li đi một dặm”, lơ là các biến chứng có thể dẫn đến bệnh nặng hơn. Sau phẫu thuật, trái tim em đã khỏe hơn nhưng không thể hoàn toàn lành lặn như người bình thường.
PGS. TS Nguyễn Hữu Ước |
Biến chứng thường gặp sau phẫu thuật:
Theo BS Ước, sau phẫu thuật, bệnh nhi tim bẩm sinh thường gặp những vấn đề: suy tim, rối loạn, tăng áp lực động mạch phổi, nhiễm trùng... Với thời tiết đầu đông như hiện nay, nhiệt độ giảm sâu về đêm, sáng nắng chiều mưa, trẻ tim bẩm sinh sau phẫu thuật rất dễ bị viêm phổi, viêm phế quản… Có những nhiễm trùng nguy hiểm với trẻ như bệnh răng miệng, nhiễm trùng phổi, nếu không điều trị dứt điểm sẽ gây nhiễm trùng máu.
“Về mặt lâm sàng, có những dấu hiệu của rối loạn, biến chứng sau phẫu thuật mà bác sĩ có thể nhận biết được bằng mắt thường, nhưng với cha mẹ thì không đơn giản. Nhiều dấu hiệu “ẩn"”, kín đáo rất khó phát hiện. Chẳng hạn trẻ khó thở, hay vã mồ hôi, chơi một lúc là thở dốc, tiểu ít, mặt hơi phù... Chỉ đến khi nặng rồi, các biến chứng nhìn rõ như bụng đầy nước, chân phù, không tiểu được, phải thở bằng máy... thì cha mẹ mới nhận ra. Đa số bố mẹ bận rộn làm việc, thường xuyên ra khỏi nhà, giao trẻ cho ông bà, người giúp việc... không quan sát, phát hiện kịp thời các dấu hiệu biến chứng của con sau phẫu thuật.
Trong các biến chứng sau phẫu thuật, phổ biến nhất là viêm phổi, các bệnh lý về hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng như ho, sốt... Trẻ bình thường khi bị các triệu chứng viêm phổi vẫn dễ điều trị và dễ khỏe lại hơn các bé bệnh tim. Trẻ bị tim chuyển biến nặng rất nhanh, nhiễm trùng máu rất nhanh... Bố mẹ cần lưu ý, sau khi xuất viện, xuất hiện các triệu chứng bệnh về hô hấp, phổi, răng… phải ra bác sĩ ngay, dùng thuốc sớm để triệt tiêu nguy cơ. Tất nhiên không phải “hơi tí” là đưa con đến bệnh viện. Cho con khám định kỳ theo lời khuyên của bác sĩ sau 1 tuần, 3 tháng, 6 tháng hoặc lâu hơn tùy ca bệnh.
Sai lầm của cha mẹ:
BS Ước khuyến cáo: Cha mẹ thường hay mắc lỗi trong việc giáo dục trẻ xuất vienj về nhà. Sau khi trải qua phẫu thuật, các cháu được trải qua các ngày tháng được gia đình, bác sĩ, điều dưỡng nâng niu, chăm sóc nên sau phẫu thuật thường rối loạn tâm lý, có biểu hiện quấy khóc, lười ăn... Tâm lý cha mẹ thường chiều con, con thích ăn gì cho ăn nấy, cho con chơi đùa không quản lý, hay thấy con ngồi một chỗ, lười vận động thì không biết cách động viên con hòa nhập với các bạn…
Các gia đình hãy cứ để con được sống một cuộc sống bình thường, chỉ lưu ý để giữ gìn cho con hơn một chút để tránh ảnh hưởng xấu đến tim con, đừng tước đi quyền lợi được sống đúng với lứa tuổi của con. Trừ những đứa trẻ bệnh tim nặng, phức tạp, có khuyến cáo cụ thể của bác sĩ thì mới hạn chế cho con chạy nhảy, hoặc cha mẹ xin phép nhà trường cho con miễn môn thể dục.
Dinh dưỡng cho trẻ sau phẫu thuật:
Trẻ phẫu thuật xong không cần kiêng gì cả. Chỉ không nên ăn những gì gây rối loạn cho trẻ, chẳng hạn loại thực phẩm ấy nhiều người nói là bổ, nhưng trẻ cứ động ăn vào bị tiêu chảy thì thôi. Trẻ ăn vào đầy bụng, lâu tiêu cũng không nên tiếp tục cho con ăn, thức ăn lạ trẻ chưa ăn bao giờ cũng nên hạn chế...
“Hệ thống y khoa giờ đã rất phát triển, với trẻ quá khó ăn thì gia đình có thể xin tư vấn của các bác sĩ dinh dưỡng. Cha mẹ cần lưu ý cho con ăn đủ số lượng và chất lượng. Một số thuốc sau khi mổ gây lợi tiểu, gây rối loạn điện giải... cha mẹ phải cho con ăn những thức ăn bổ sung chứa nhiều vitamin K để bù điện giải, hay cho con uống nhiều nước... “ – PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nhấn mạnh.
Ngoài bổ sung cho con đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng chính: Tinh bột, dầu mỡ, thịt, rau, BS Ước nói thêm, sau phẫu thuật, vận động nhẹ nhàng và phù hợp rất tốt cho sức khỏe của trẻ, không nên cấm trẻ chơi đùa, cho trẻ chơi nhưng không được gắng sức. Tùy bệnh mà khả năng vận động sau phẫu thuật khác nhau: bệnh nhẹ có thể sinh hoạt bình thường ngay, trẻ trải qua quá trình mổ phức tạp thì phải chờ liền xương. Ví dụ xương ức sau 1 tháng dính xương, 3 tháng xương vững, 6 tháng trở lại bình thường... Tốt nhất nên chờ sau 6 tháng vận động lại bình thường.
Lưu ý về răng miệng cho trẻ:
Bệnh tai mũi họng nói chung và ăng miệng nói riêng đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh. Đây chính là con đuờng chủ yếu gây ra nhiễm trùng trong tim, một dạng nhiễm trùng rất nguy hiểm với sức khoẻ của trẻ. Vì thế, các gia đình nên hướng dẫn con vệ sinh răng miệng cẩn thận và lưu ý theo dõi răng của con, kịp thời phát hiện bệnh và điều trị dứt điểm.
Cha mẹ cần dạy con chải răng thật kỹ, cho con ăn ít đường, không nhai hay cắn thức ăn rồi đút cho con, với trẻ dưới 6 tháng tuổi có răng, cho con uống nước ngay sau khu bú hay ợ; vệ sinh răng lợi cho con bằng vải ướt; đưa con đi khám răng định kỳ…