Vừa buồn cười, vừa thương mẹ. Những năm cũ thời lang bạt bỏ đi biền biệt, có lần đường cùng thảm hại nợ đầm đìa chiều muộn mò đến cơ quan bà, mẹ ơi con đánh bạc thua... Bà nhìn thằng con bụi đời gầy rộc, buồn buồn bảo: Nợ bạn nào thì mẹ cho mang trả cho bạn rồi ở đây chốc về nhà với mẹ.
“Tiền trả bạn” theo cách hiểu của mẹ đến bây giờ đi làm gần 20 năm, tôi cũng chưa một lần nào để dành được con số tiệm cận quả nợ đậy chưa phải lần cuối ấy. Và hôm nay, cụ bà hưu trí hay đọc báo an ninh vẫn còn nguyên lo lắng đề phòng con trai gần 40 tuổi có thể vẫn ngây thơ và bị cậu đưa hàng lấy mất tiền.
Có lần xem VTV nói về Start-up, bà hỏi nghĩa tiếng Anh tát ắp là gì con. Thằng con cười cười bảo là giống mẹ ý, con phá tanh bành cả nhà xong mẹ lại làm lại từ đầu, mẹ là nhà khởi nghiệp oách nhất mà con biết, và cơ bản hình như là lần nào cũng thành công.
Sự ám ảnh, xấu hổ và sợ hãi về thằng con quậy phá chắc vẫn lờ mờ...
Có lần tai nạn xe máy, nặng, lúc cơ thể bay lên không trung tốc độ cao, thật kỳ lạ trong cái khoảng tích tắc trước khi đập mặt xuống đường ấy, một bộ phim ký ức cuộc đời hiện trước mắt, rõ nét từng khuôn hình, mẹ bế, mẹ ngủ dưới đất trong bệnh viện, mẹ đón về mẫu giáo trên xe đạp, mẹ lau nước mắt, mẹ đợi đêm đầu ngõ, mẹ rang cơm, mẹ đưa tiền trả nợ...
Lần khác, đi công tác một trại giam ở miền Trung, gió Lào nóng khét da mặt, ngồi chơi ở một phân trại lẻ, tôi gặp một bác gái rất phúc hậu, sạch sẽ, gọn gàng, gánh nước vào can nhựa gửi ở cổng bảo vệ. Bác ngồi nghỉ, anh quản giáo mới kể chuyện con trai bác ấy cũng người Hà Nội, đánh nhau thời trẻ trâu quá tay thế là đi tù. Thằng con da mẫn cảm, bị dị ứng nước giếng nên mẹ cũng thuê nhà gần trại chăm con, hàng ngày đi xin nước máy gánh gần 8 km vào cho con tắm sau giờ lao động. Con đi trại lẻ nào mẹ theo phân trại đó, bà sống loanh quanh bằng lương hưu và phụ việc nông cùng người bản địa đã hơn 7 năm.
Câu chuyện này làm tôi ám ảnh mãi, không biết có phải bởi những gánh nước ấy hay vì sự hy sinh của bác, anh con đi tù về năm 2012, được giảm án gần 4 năm. Bây giờ cuộc sống tốt, ổn định, vợ con xinh, buôn bán rất thành đạt và trên người không có một vết xăm nhỏ...
Mấy lần tôi bảo, em viết chuyện bác lên báo nhé, anh đều chối đây đẩy bảo thôi thôi, nhắc lại nhỡ bà biết lại buồn...
Mỗi nhà mỗi hoàn cảnh, bàn tay mẹ “xoa lên đầu lũ con” nặng mềm khác nhau, cơ bản, các mẹ chúng ta vĩ đại, không bút nào tả được. Nhỉ?