Không phải ai cũng may mắn thuộc về một cơ quan tổ chức nào đó, đã có chiến lược hoạt động, có kế hoạch và chỉ tiêu cho năm mới từ lâu. Ra Giêng là thời điểm mà nhiều tiểu thương, lao động di cư hay nông dân đứng trước các lựa chọn sống còn.
Tôi nhớ hình ảnh cậu bán hoa trẻ tuổi chiều 30 Tết, nói như khóc khi mời tôi mua giúp một bình hoa lan. Giá khi ấy rẻ hơn cả ngày thường. Cậu nói, đây là lần đầu chúng em đi buôn, và chắc chắn mất Tết bởi lỗ lớn.
Cũng vào lúc đó, ở các chợ bán sỉ hoa như Đầm Sen, Hồ Thị Kỷ tại thành phố Hồ Chí Minh, hàng chục chiếc xe tải chở hoa từ Đà Lạt xuống cũng đang xếp hàng để đổ đi. Chủ các vườn hoa cho biết, họ "nghe đồn" nhu cầu hoa ngày Tết tăng cao và “được giá” nên gom chuyển xuống, nhưng sự thực không như vậy. Nhiều người có kinh nghiệm buôn hoa tại chợ ... thì khẳng định, chưa năm nào cung cầu lại chênh lệch như năm nay
Mạng xã hội thì lan truyền cảnh người buôn cây cảnh đang phá nát những chậu cây đẹp đẽ nhưng bị ế và nhất quyết không bán với giá rẻ mạt. Tất cả tạo thành bức tranh hỗn loạn và dư thừa hoa cây cảnh ngày giáp Tết Mậu Tuất này.
Năm 1972, hai nhà khoa học người Mỹ gốc Do Thái là Amos Tversky và Daniel Kahneman đã bắt đầu công trình nghiên cứu về điểm mù tâm lí và thành kiến trong nhận thức. Kết quả cho thấy đa số chúng ta thường ra quyết định phi lý dựa trên cảm giác cá nhân và giải quyết vấn đề bằng chủ nghĩa kinh nghiệm, và trong một thế giới biến đổi nhanh chóng như ngày nay, nhiều lĩnh vực, chủ nghĩa kinh nghiệm lại khiến chúng ta thất bại.
Thiệt hại của các tiểu thương bán hoa ngày 30 Tết chỉ là một ví dụ nhỏ về các lựa chọn dựa trên cảm giác cá nhân. Ra Giêng, như một tập quán, hàng vạn lao động di cư khắp mọi miền sẽ lựa chọn lại nghề nghiệp: các gia đình đối mặt với cảnh cô giúp việc không quay trở lại; các nhà máy chật vật tuyển mới công nhân vì một lực lượng lớn không lên làm việc; nhiều người bán hàng rong – hay các lao động phổ thông có thu nhập bấp bênh khác – ngồi nơi làng quê và đắn đo về nơi mình sẽ đi tiếp theo. Nông dân và tiểu thương buôn nông sản cũng có thể quyết định trong tích tắc lột xác cánh đồng của họ, chạy theo một loại hoa màu hoàn toàn mới, vì “thấy nói” có lời hơn.
Có rất nhiều lý do cho các quyết định kiểu này, nhưng có một lý do chung: sự thiếu dữ kiện để đưa ra quyết định. Và có một hệ quả chung, là sự bấp bênh trong cuộc đời của rất nhiều người.
Năm 2017 vừa qua, Thủ tướng đã phát động mạnh mẽ các cơ quan chính phủ và mọi thành phần của nền kinh tế bám sát cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên thế giới.
Định nghĩa cách mạng công nghiệp 4.0 thì rộng lớn, nhưng có một giá trị cốt lõi, là việc phân tích dữ liệu. Công tác dự báo thị trường căn cứ vào phân tích hành vi khách hàng được thu thập trên mạng xã hội và điều tra xã hội học bằng công nghệ, là điều có thể làm được bằng nhiều công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo ngày nay.
Peter Drucker, người được coi là cha đẻ của ngành Quản trị kinh doanh hiện đại, đã từng nói: "Nếu bạn muốn làm gì, hãy đo lường nó. Nếu bạn không đo lường được, thì quên nó đi". Sẽ không còn cảnh cậu bán hoa khóc mời người mua, không còn những cảnh hàng vạn bông hoa đẹp đẽ bị vùi vào thùng rác, bớt đi được nhiều giọt nước mắt của nông dân và sự bơ vơ của các lao động di cư, nếu cung cầu được dự báo và thông tin chính xác hơn.
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0, hay định nghĩa là gì, thì cũng xuất phát từ phục vụ nhu cầu cuộc sống của nhân dân. Cho đến lúc này, nó vẫn đang hiện diện ở các hội thảo chuyên đề và mang dáng dấp một cuộc chơi của các ông lớn công nghệ.
Giữa cuộc đời của một tiểu thương, một công nhân và một nông dân với cái gọi là “Cách mạng 4.0” có vẻ như rất xa xôi. Nhưng nếu nó không thể tác động được đến cuộc đời những người đó thì cách gọi “cách mạng” là hoàn toàn vô nghĩa. Trên thực tế, với hạ tầng viễn thông không thua kém thế giới như hiện nay, khoảng cách giữa nông dân và công nghệ có thể rất gần, nếu chính phủ quyết định hành động.
Ra Giêng là thời điểm nhiều người đưa ra quyết định của năm mới. Một trong những quyết định đó, có thể là việc biến những lời hô hào thành hành động thực tiễn.