Tổng kết những thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra
Mưa bão số 3 gây ra thiệt hại nặng nề cho tỉnh Yên Bái. |
Tính đến 13h chiều qua (ngày 22/7), mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra ở các tỉnh miền Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ đã làm 19 người chết, 11 người mất tích, 17 người bị thương, khoảng 15.000 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng, trong đó trên 5.500 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp.
Bên cạnh đó, mưa lũ cũng đã khiến cho hơn 130.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; 1.313 con gia súc và 27.649 con gia cầm bị chết và cuốn trôi; diện tích thủy sản bị ảnh hưởng: 5.415 ha.
Ngoài ra, theo báo cáo nhanh từ các địa phương, đến nay, mưa lũ đã làm ngập lụt, sạt lở gây ách tắc giao thông tại nhiều tuyến đường như: Quốc Lộ 6 (Sơn La), Quốc lộ 32, Quốc lộ 70B (Phú Thọ); tỉnh lộ 151, 161 (Lào Cai); tỉnh lộ 163, 166, 172, 174 (Yên Bái); Quốc lộ 217B, tỉnh lộ 519B (Thanh Hóa); một số tuyến đường liên huyện, liên xã khác của tỉnh Nghệ An.
‘Phanh phui’ vụ gian lận thi cử tại Sơn La
Ngày 23/7, tổ công tác của Bộ GD-ĐT và đại diện chính quyền tỉnh Sơn La đã gặp gỡ báo chí để trao đổi một số thông tin về kết quả xác minh bất thường điểm thi THPT quốc gia 2018 ở tỉnh này.
Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục An ninh Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La đang thu thập chứng cứ và đấu tranh với những đối tượng liên quan để làm rõ hành vi vi phạm.
Họp báo công bố sai phạm trong vụ điểm thi cao bất thường tại Sơn La. |
Theo tổ công tác của Bộ GD&ĐT, xác minh ban đầu thấy những người liên quan vi phạm quy chế thi là:
Ông Trần xuân Yến - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, Ủy viên Ban chỉ đạo thi, Phó chủ tịch hội đồng thi, Phó trưởng ban thường trực Ban chấm thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La, Ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm.
Bà Cầm Thị Bun Sọn, Phó trưởng phòng chính trị tư tưởng, Ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiêm.
Ông Lò Văn Huynh - Phó trưởng phòng Khảo thí Kiểm định Chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La.
Kết quả chấm thẩm định cho thấy 12 bài thi có điểm thấp hơn so với lần đầu từ 1 điểm trở lên, trong đó có một bài thấp hơn 4,5 điểm so với lần chấm trước.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cũng đã điều tra, phân tích và nhận thấy ảnh bài thi trắc nghiệm gốc đã bị xóa.
Còn ảnh bài thi trắc nghiệm hiện được lưu tại Sở GD-ĐT Sơn La và ảnh trong đĩa dữ liệu mà Bộ GD-ĐT giữ (do Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La gửi trước khi chính thức cho máy chấm thi) hoàn toàn giống nhau.
Một công đoạn bắt buộc các ban chấm thi phải thực hiện là chụp ảnh, sau đó mới cho máy chấm thi. Hình ảnh này được quét vào và in ra đĩa CD để gửi về Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên, trước khi tiến hành quét, phiếu trả lời trắc nghiệm của TS đã bị thay thế. Đây là lý do khiến việc chấm thẩm định bài thi trắc nghiệm của tỉnh Sơn La là vô nghĩa.
Hiện nay, các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La đã chủ trì phối hợp với tổ công tác của Bộ GD-ĐT để kiểm tra, xác minh, làm rõ các sai phạm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lên tiếng về những vụ 'bê bối' trong giáo dục xảy ra tại kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. |
Bàn về trách nhiệm của những người liên quan trong vụ việc gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La – Trả lời báo chí ông, Phùng Xuân Nhạ - Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT cho biết:
"Những người thuộc diện bị truy tố thì Bộ Công an sẽ xử lý, còn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và phạm vi ngành thì tôi đề nghị địa phương kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ sai phạm, họ không đủ tư cách trong nghề giáo viên”.
Sau tiêu cực, nên bỏ hay giữ kỳ thi THPT quốc gia?
Trước hàng loạt vụ tiêu cực thi cử đã và đang bị phát hiện, nhiều người đặt ra câu hỏi có nên tiếp tục duy trì kỳ thi THPT quốc gia hay không?
Về vấn đề này, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học quốc gia TPHCM, người nằm trong Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia suốt nhiều năm qua cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi cách nhìn về việc thi cử. Theo ông Nghĩa, nếu dùng một kỳ thi tầm quốc gia để xét tốt nghiệp thì quá tốn kém vì hiện nay rất ít thí sinh không đậu tốt nghiệp THPT.
Giải pháp và hướng đi cho kỳ thi THPT quốc gia. |
Với kinh nghiệm hơn 15 năm trong lĩnh vực tuyển sinh, ông Nguyễn Quốc Cường cũng cho rằng việc duy trì mục đích xét tốt nghiệp của kỳ thi THPT quốc gia là tốn kém và không cần thiết. Thay vào đó hãy trao giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT và giao quyền tự chủ tuyển sinh về cho các trường. Bởi thực tế cho thấy dù khẳng định kỳ thi “hiệu quả, an toàn, nghiêm túc” thì tỷ lệ tốt nghiệp THPT của các địa phương vẫn xấp xỉ 100%.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng vẫn có thể tiếp tục duy trì kỳ thi THPT quốc gia nhưng hãy giao quyền coi thi và chấm thi về cho các trường đại học để đảm bảo sự minh bạch, nghiêm túc. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần áp dụng thêm các biện pháp công nghệ để bảo vệ bài thi vì hiện tại vẫn còn nhiều kẽ hở dễ dẫn đến tiêu cực đối với các bài thi trắc nghiệm. Phải tìm mọi cách để niêm phong các bài thi tô bằng bút chì này để tránh trường hợp sửa đáp án, điều chỉnh điểm thi như đã diễn ra.
Khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối tượng tra tấn dã man người làm ở Gia Lai
Bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Thị Hà. |
Vào khoảng 22h tối ngày 24/7, đại diện Công an TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị này đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, gia lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1979, tạm trú tổ 3, phường Thống Nhất, TP. Pleiku, Gia Lai) về tội “Cố ý gây thương tích”.
Được biết, sáng cùng ngày, CA TP.Pleiku đã trực tiếp đưa Y Nhiêu (sinh năm 1995, trú thôn Pêng Siêl, Đăk Pét, Đăk Glei, Kon Tum) vào bệnh viện Đa khoa Gia Lai giám định thương tích. Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Thị Hà được đưa ra sau khi có kết quả giám định thương tật đối với chị Y Nhiêu.
Mặc dù chưa công bố kết quả giám định tỷ lệ thương tật, song theo Công an TP. Pleiku, đã có đủ cơ sở để khởi tố vụ án và bắt tạm giam 4 tháng đối với đối tượng Nguyễn Thị Hà. Các bước điều tra đã được Công an TP. Pleiku thực hiện một cách cẩn thận, chính xác và đầy đủ, đảm bảo các thủ tục tố tụng cần thiết để ra quyết định khởi tố.
Chị Y Nhiêu bị chủ nhà hành hạ dã man như 'thời trung cổ'. |
Nguyên nhân vỡ đập thủy điện tại Lào khiến hàng trăm người chết và mất tích
Một ngày trước khi con đập phụ của đập Xe-Pian vỡ, Công ty PNPC - đơn vị thi công dự án đã phát hiện có vết nứt và đưa ra cảnh báo nước trong đập Xe-Pian có khả năng tràn vì mưa lớn.
Trong thông báo, ông Lee Kan Yeol, người đứng đầu phụ trách công tác tái định cư xây dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, nhân sự Công ty Kỹ thuật và Xây dựng SK cảnh báo “đập yên ngựa D” không an toàn và trong tình trạng rất nguy hiểm” và yêu cầu chính quyền địa phương sơ tán 12 ngôi làng phòng trường hợp con đập bị vỡ.
Vỡ đập thủy điện tại Lào khiến hàng trăm người chết và mất tích. |
Sự cố vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy ở tỉnh Attapeu, đông nam Lào tối 23/7 khiến hàng trăm người mất tích và thiệt mạng. Hơn 6.600 người dân rơi vào tình cảnh màn trời chiếu đất chỉ trong một đêm.
"Vụ tai nạn xảy ra tại con đập ở phía đông nam tỉnh Attapeu đêm 23/7, khiến 5 tỷ m3 nước thoát ra ngoài, làm "nhiều người thiệt mạng và hàng trăm người mất tích", hãng thông tấn nhà nước Lào (LNA) cho hay.
Giới chức địa phương mới đây đã triển khai thuyền tới hỗ trợ sơ tán người dân ở huyện Sanamxay trong khi mực nước tiếp tục dâng cao.