Đây là hoạt động thầm lặng xuất phát từ những trái tim giàu lòng trắc ẩn của cán bộ, nhân viên công ty Phú Long, các tình nguyện viên, cũng như các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Sovico.
Chuyện từ bếp ăn cho người yếm thế
Sài Gòn những ngày tháng 4 vô cùng oi bức nhưng không khí tại bếp ăn từ thiện Phú Long tại đường Nguyễn Hữu Thọ, TP Hồ Chí Minh vẫn rất khẩn trương, người nào việc nấy tất bật hoàn thành các công đoạn từng khu từ nấu cơm, nấu canh, cho cơm canh vô hộp, xếp vào giỏ,… nhằm kịp giao cơm cho bà con. Tất cả đều giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, găng tay thường xuyên rửa tay sát khuẩn theo đúng quy định trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo lệnh của Chính phủ.
Mọi TNV đều phải khử khuẩn, đo nhiệt độ trước khi vào bếp. |
Tại bếp ăn, tất cả đều giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, găng tay thường xuyên rửa tay sát khuẩn theo đúng quy định. |
“Bếp trưởng” từ thiện, Đại đức Thích Minh Phú, chia sẻ, bếp ăn từ thiện Phú Long kết hợp với Hội từ thiện Tường Nguyên thiền tự hoạt động mỗi cuối tuần đã hơn 8 năm nay dành cho những người nghèo, người yếm thế trong xã hội. Mỗi cuối tuần, bếp ăn nấu khoảng 2,000 phần và đem đến những khu lao động nghèo, bệnh viện để phân phát cho những hoàn cảnh khó khăn.
Khi dịch bệnh Covid -19 hoành hành, lệnh cách ly xã hội trên toàn quốc được thực hiện, nhiều người nghèo trở nên điêu đứng vì không có việc làm, không đảm bảo đủ cơm ăn hàng ngày.
Chứng kiến những mảnh đời cơ cực, những người lượm ve chai, bán vé số đắp đổi bữa cơm qua ngày, bếp ăn từ thiện Phú Long đã khẩn trương mở rộng thời gian nấu ăn và số lượng phần cơm, tham gia chương trình suất ăn từ thiện cho người nghèo của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh.
“Bếp trưởng” từ thiện, Đại đức Thích Minh Phú tham gia công đoạn nấu ăn. |
Từ ngày1/4, bếp ăn từ thiện Phú Long ngày nào cũng đỏ lửa từ sáng sớm để kịp những suất cơm trưa nóng hổi. Những ngày đầu, 2.000 phần ăn trưa được phát thông qua UBMTTQ, Hội chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên và các Tình nguyện viên của các phường thuộc Quận 4, Quận 7, Nhà Bè, Tân Phú, Tân Bình, Bình Thạnh. Các phần cơm được phát cho đúng đối tượng: những người bán vé số, nhặt ve chai, những hoàn cảnh lang thang, nghèo khó; những bệnh nhân và thân nhân các bệnh viện Ung Bướu, Chấn Thương Chỉnh hình…
Chỉ sau vài ba ngày phát cơm thiện nguyện, bếp ăn từ thiện Phú Long liên tục nhận được đề nghị tăng thêm và số lượng phần ăn hiện đã lên tới hơn 3000 suất mỗi ngày mà vẫn chưa đủ để phát.
“Chúng tôi phải tăng cường nguyên liệu, tăng cường nhân lực và tăng cường cả tinh thần khẩn trương. Trưa nào cũng liên tục bổ sung cơm, huy động nấu thêm canh và rau củ cũng như đồ kho đồ xào”, chị Thanh, một tình nguyện viên của chương trình chia sẻ. “Ai cũng tất bật lo toan sợ không đủ, không kịp dù trong lòng phấn khởi hân hoan vì cơm ngon miệng thế nào thì mới được xin thêm nhiều đến vậy”, chị Thanh nói.
Từ ngày 1/4, bếp ăn từ thiện Phú Long ngày nào cũng đỏ lửa từ sáng sớm để kịp những suất cơm trưa nóng hổi. |
Xác nhận điều này, Đại đức Thích Minh Phú cho biết, sau 12 ngày phát cơm từ thiện, hiện bếp ăn từ thiện Phú Long đang nhận được đề nghị từ các phường, quận khác trên địa bàn thành phố gửi tới đăng ký xin thêm suất ăn miễn phí cho người nghèo.
"Bếp ăn từ thiện Phú Long sẽ cố gắng hết sức đáp ứng nhu cầu đó. Lãnh đạo Phú Long mới thông tin gia hạn thời gian hoạt động của bếp ăn sẽ liên tục tới ngày 30/4 và dự kiến các suất ăn lên đến 90.000 phần, thời gian và số lượng tăng lên đáng kể so với kế hoạch ban đầu. Ngoài ra còn tăng cường kinh phí để bữa ăn thêm chất lượng. Mỗi phần ăn miễn phí sẽ thay đổi món từng ngày và có thêm 1 hộp sữa tươi 180ml hoặc trứng gà hay trái cây (táo, nho) để giúp bà con nghèo được tăng cường sức khoẻ trong mùa dịch”, thầy Minh Phú cảm kích chia sẻ..
Tới những giá trị tình người được lan toả trong cộng đồng
Từ đầu “chiến dịch” mở rộng bếp ăn thiện nguyện Phú Long, “tiếp sức các đối tượng dễ tổn thương nhất” tới nay, chị Trần Thị Nhung, một tình nguyện viên chưa có một ngày ngơi nghỉ.
“Chúng tôi ở bếp ăn ai cũng tự ý thức bản thân mình thật sự an toàn mới dám tới phụ bếp. Chúng tôi muốn góp phần san sẻ với xã hội thông qua những phần cơm nhỏ. Tiền, thực phẩm là của cán bộ, nhân viên công ty Phú Long và các mạnh thường quân đóng góp. Chúng tôi vui vì được làm công quả góp sức chống dịch”, chị Nhung nói. Chị cũng hồn hậu kể: Nhiều hôm có người đi xe máy tay ga tới xin cơm, họ giải thích: tôi không xin cho tôi, cơm nấu ngon, tôi xin về cho bà cụ vẫn ăn cơm từ thiện ở bếp Phú Long, cụ không có xe, giờ lại không được đi bộ lang thang ra đường. Hay có anh mạnh thường quân đi phát cơm cùng, sau khi ăn ké phần cơm ở bếp thấy ngon về vận động bạn bè phát tâm đóng góp mấy nghìn suất cơm.
TNV Phú Long tham gia nấu ăn, phụ bếp bằng trái tim giàu lòng trắc ẩn. |
Điều chị Nhung chia sẻ giản dị nhưng rất ý nghĩa, nó thật đúng với tinh thần của lãnh đạo tập đoàn Sovico vẫn tâm niệm và thực hiện trong chuỗi doanh nghiệp của tâp đoàn, trong đó có Phú Long- nơi khởi xướng bếp ăn từ thiện. Đó là niềm tin vào những điều thiện lành, tốt đẹp sẽ giúp cuộc sống cân bằng và trở nên ý nghĩa hơn. Đó là niềm tin “mình kinh doanh lương thiện, đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng, vì sự phát triển của con người, cho đi không mong nhận lại. Tính lương thiện sẽ hướng mình làm điều đúng đắn, có ích cho xã hội”.
Người dân đứng xếp hàng, rửa tay sát khuẩn trước khi nhận cơm. |
Những ngày này, tới bếp ăn từ thiện Phú Long, rất dễ dàng bắt gặp những nhân viên cũng như lãnh đạo Phú Long có mặt tại bếp. Họ không tới giám sát, họ tự nguyện đến như một tình nguyện viện, ngoài giờ làm việc online, họ tới tham gia nấu ăn, phụ bếp bằng trái tim giàu lòng trắc ẩn. Cái tâm và thiện lương đó được đánh thức bởi “nữ tướng” của họ, từ triết lý kinh doanh tới những hoạt động từ thiện xã hội được triển khai thầm lặng trong suốt nhiều năm hay những triết lý truyền cảm hứng “Làm từ thiện hãy xuất phát từ trái tim nhân hậu, không so đo toan tính, chỉ cho đi và không mong nhận lại điều gì.”
…Và bằng những trái tim giàu lòng trắc ẩn đó, những phần cơm miễn phí vẫn đang được chuyển tới những người yếm thế nhất trong xã hội, họ không bị bỏ lại phía sau, ngay cả khi dịch bệnh hoành hành. Điều thiện, cái đẹp được lan toả trong cộng đồng xã hội, chính những liều thuốc tinh thần quý giá, giúp dịch bệnh sớm được đẩy lùi.