Nơi đâu có người Việt, nơi đó có phở...

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngày xa Việt Nam, cuốn sách duy nhất mà tôi mang theo bên mình là “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng. Với tôi, cuốn sách này là một món ăn tinh thần mỗi khi nhớ về quê hương, nhớ về những món ăn đã thấm đẫm vào vị giác của mình.
Nơi đâu có người Việt, nơi đó có phở...

Tôi thích cách Vũ Bằng miêu tả tỉ mỉ từng thức quà dân gian của Hà Thành bằng trọn vẹn nỗi khát khao, nhung nhớ của một người xa quê. Và dĩ nhiên, nhắc về Hà Nội, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới phở.

Ngày nay, không khó khăn gì để người Việt khắp năm châu thưởng thức được phở. Bởi văn hóa, ẩm thực Việt Nam đã vươn xa ra thế giới. Phở đã “xâm lăng” và len lỏi vào cả những đại lộ và ngõ nhỏ. Nơi đâu có người Việt, ở đó khắc có phở.

Với người Việt xa xứ, phở không chỉ là một món ăn truyền thống, mà còn trở thành kế sinh nhai nơi đất khách quê người. Người Việt mang phở đi “chinh chiến” khắp nơi, họ đem hồn cốt quê hương vào trong phở để chinh phục vị giác của những thực khách bản địa.

Tình yêu với phở ngày càng lớn hơn khi tôi cảm nhận rõ thân phận của một người con xa xứ như tác giả của “Miếng ngon Hà Nội”.

Nơi tôi đang sống là Budapest - thủ đô của Hungary, quốc gia Trung Âu không tiếp giáp với biển. Người ta thường ví Budapest giống như một viên ngọc sáng của châu Âu với dòng Danube xanh vắt ngang, chia thành phố thành hai nửa Buda và Pest. Với sự cổ kính của các công trình kiến trúc, cũng như bề dày lịch sử, nơi đây được coi là một trong những thành phố cổ xưa và lâu đời bậc nhất châu Âu.

Mang khí hậu ôn đới đặc trưng của lục địa, bốn mùa trong năm cũng được phân chia rõ rệt. Nhưng mùa đông buồn tẻ, đi kèm với thời tiết lạnh lẽo và u ám lại là mùa dài nhất trong năm. Có lẽ đó là một trong những khó khăn đầu tiên mà những ai sang đây cũng phải trải qua và học cách thích nghi.

Mùa đông khắc nghiệt là một chuyện, khi mới chân ướt chân ráo ở nơi xứ người, tôi phải tự học cách làm quen với văn hóa, ẩm thực và phong tục của nước bạn.

Nhưng rất may Hungary là một đất nước văn minh, cởi mở, con người thân thiện và tốt bụng. Họ cũng rất yêu quý những con người Việt Nam, trong mắt họ người Việt là những công dân chăm chỉ, chịu khó, có ý chí vươn lên.

Vậy nên cộng đồng người Việt tại Hungary cũng rất phát triển, là một trong những cộng đồng người Việt lớn ở châu Âu.

Ở Budapest, không khó để tôi tìm được một quán phở đậm vị Việt tại chợ “Tứ hổ”, nơi tập trung nhiều sạp thực phẩm và nhà hàng của người Việt.

Có không ít người nước ngoài khi vào quán ăn Việt đều gọi món phở, có người vẫn còn vụng về trong cách cầm đũa, thậm chí có người còn dùng cả dĩa để ăn phở. Nhưng dù ăn bằng cách nào, phở vẫn luôn làm thỏa mãn cái dạ dày của các thực khách Hungary.

Vậy phở nấu cho “tây” liệu có khác gì phở nấu cho “ta”? Để hợp với khẩu vị của họ, ở nhiều nơi nước phở sẽ chỉ dùng xương lợn hoặc gà để ninh vì người phương Tây không thích mùi nồng của xương bò. Gia vị cũng sẽ được nêm nếm đậm đà hơn bởi đa số người Hungary quen ăn mặn.

Nhiều người Việt lần đầu sang nước ngoài đi du lịch, khi được thưởng thức phở- ẩm thực quê nhà ở nước bạn hẳn sẽ thấy lạ lẫm và ngạc nhiên với những thay đổi của món phở nơi đây. Để tìm được một hàng phở có vị đúng như ta vẫn thường được ăn ở trong nước, thì hầu như rất hiếm. Nhưng cũng đừng vội thất vọng vì sao phở ở nước ngoài không ngon như phở ở Việt Nam, chúng ta cần nhìn vào thực tế rằng món Tây, món Á khi du nhập vào Việt Nam cũng phải biến đổi để hợp với khẩu vị người Việt.

Nơi đâu có người Việt, nơi đó có phở... ảnh 1

Người viết nấu một nồi phở gà dịp cuối tuần.

Càng đi xa, càng cảm thấy không đâu có đồ ăn ngon như ở Việt Nam. Do đó, chỉ cần được ăn món Việt cũng là một niềm hạnh phúc khi xa nhà, những hương vị thân thuộc khiến ta cảm nhận được những gốc rễ đã ăn sâu vào con người, vào tâm trí.

Mỗi lần ăn phở nơi xứ lạnh, tôi nhớ về bố tôi, về những bát phở ngày thơ bé.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Nam Định. Những gì tôi có thể nhớ được về phở Nam Định là những sáng cuối tuần, hai chị em tôi được bố dẫn đi ăn phở, hàng phở to ở đầu con phố Hàng Đồng.

Ngày đấy không hẳn là nghèo, nhưng cuộc sống cũng còn khó khăn và thiếu thốn đủ điều, vậy nên cũng chẳng phải cuối tuần nào cũng được đi ăn phở, họa hoằn lắm phải giả ốm mới được nếm vị nước phở. Thích nhất là lúc chấm miếng quẩy vào bát nước phở nóng, cắn một miếng vừa giòn lại vừa mềm, chỉ vậy thôi mà tôi cứ nhớ mãi. Nhưng nhớ nhất là cảm giác hạnh phúc của một đứa trẻ, thòm thèm một bát phở nóng, được bố dẫn đi ăn sáng mùa đông.

Còn bây giờ, khi nghĩ về phở, tôi lại nghĩ đến cậu con trai bé bỏng sắp tròn 4 tuổi. Con trai tôi xa Việt Nam khi chưa từng được thưởng thức một bát phở đúng chất, nhưng con cũng rất yêu phở, mỗi khi đến quán ăn Việt luôn dặn mẹ gọi phở.

Bát phở trẻ con không hành, thịt gà trắng đã được ninh mềm vẫn đủ khiến con ngon miệng. Không hiểu tình yêu với phở đó xuất phát vì con trai biết mình là người Việt Nam, hay vì phở đã đánh thức vị giác nơi đầu lưỡi mà chỉ có người Việt mới cảm nhận được.

Đã từng có một người bạn nước ngoài hỏi tôi:” Người Việt các bạn có phải ai cũng biết nấu phở không?”. “Ồ phở không phải là một món ăn dễ nấu, nhất là nước dùng. Hơn nữa, ở Việt Nam chỉ cần bước chân ra khỏi nhà sẽ dễ dàng bắt gặp một hàng phở, không cần phải lỉnh kỉnh nấu nướng”, tôi đáp. Quả thực, tôi cũng chưa từng nghĩ mình sẽ nấu phở, cho đến ngày ra nước ngoài sinh sống.

Khi rời xa gia đình, cuộc sống sẽ khiến bạn biết cách tự lập. Khi xa quê hương, nỗi nhớ đồ ăn Việt cồn cào sẽ khiến bạn trở thành những đầu bếp dù không tài ba, nhưng cũng đủ biết nấu để nguôi đi cơn thèm. Tôi thèm một bát phở nóng, nghi ngút khói, mùi nước dùng thơm ngào ngạt, những cọng hành xanh tô điểm trên nền bánh phở trắng, xen kẹt vài lát ớt đỏ là những miếng thịt bò thái lát mỏng dính chút gân, miếng thịt gà da giòn vàng ươm,... vào những buổi sáng cuối tuần cả gia đình quây quần.

Vậy nên tôi cũng tập tọe lên mạng tìm công thức nấu phở. Nhưng lấy đâu ra gà ta thịt chắc da giòn, hành lá cọng nhỏ, bánh phở tươi, lá chanh?

Ở Việt Nam thì chỉ cần chạy ra chợ nhoáng cái là có đủ, nhưng ở nước ngoài, muốn mua phải đi ra những khu chợ người Việt rất xa và không phải lúc nào cũng sẵn có. Nấu phở quả là không dễ, nhưng vẫn muốn ăn phở thì thôi đành, không có gà ta thì mình ăn tạm gà tây, hành lá thay bằng hành baro to, ninh nước xương lợn cho dễ mua thay vì xương ống bò, phở tươi thì thay bằng phở khô, mùi tây không thơm và hợp vị như mùi ta nhưng có còn hơn không…

Nơi đâu có người Việt, nơi đó có phở... ảnh 2

Các nguyên liệu để chế biến phở tại Hungary không khó kiếm.

Tuy không tròn vị bằng bát phở ở quê nhà nhưng nếu gia giảm thật khéo, ninh nước thật kỹ thì cũng được năm, sáu phần giống. Cuối cùng cũng được một bát phở để đỡ nhớ mùi vị Việt Nam.

Cuối tuần có nhiều thời gian rảnh thì bày biện tự mình nấu phở, nhưng trong tuần mà thèm ăn phở thì tìm đến ngay các quán ăn Việt để thưởng thức, lâu lâu lại rất vui vì khám phá ra một nhà hàng Việt mới, gọi ngay một bát phở để xem đã tìm thấy được hàng phở có vị ngon như phở Việt Nam mà mình vẫn luôn nhung nhớ không? Nhưng quan trọng hơn nữa khi đến quán ăn Việt, tôi lại được nghe và nói tiếng Việt. Dù là giọng Bắc, giọng Trung hay giọng Nam cũng đều thật thân thương, được gặp những người đồng hương, cùng chia sẻ với nhau dăm ba chuyện phiếm, để cảm thấy dù có ở xứ người thì ta vẫn không hề lạc lõng hay cô đơn.

Những bát phở ở nơi phương xa không chỉ làm ấm lòng những người con tha phương, mà còn là cầu nối giữa những người bản địa với Việt Nam, là biểu tượng của sự hòa nhập nơi người Việt định cư.

Phở đã không còn chỉ là một món ăn ngon mà còn là một biểu tượng văn hóa của Việt Nam. Người nước ngoài ăn phở không chỉ dừng lại việc ăn một món lạ miệng, mà thưởng thức để cảm nhận về một đất nước, về con người, về những tinh hoa mà bao thế hệ người Việt đã chắt chiu gửi gắm vào phở.

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?