Trong quá trình theo dõi "đường đi nước bước" đàn voi này, các nhà chức trách Trung Quốc đã phải huy động hàng trăm sĩ quan, hơn 60 xe cấp cứu, một đội máy bay không người lái, chưa kể nhân lực các hãng truyền thông đưa tin liên tục về sự việc.
Khi đàn voi đến gần thành phố Côn Minh, các phóng viên đã ghi lại được cảnh giới chức địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng ứng phó với sự cố trong một phòng chỉ huy khẩn cấp, họ nhìn vào bản đồ vệ tinh trong với ánh mắt đầy lo lắng.
Còn trên "mặt trận" truyền thông, tờ Nhật báo Nhân dân và cả Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc liên tục đã đăng tải những tin tức, hình ảnh, cảnh quay về đàn voi này. Trong khoảng thời gian này, người dân Trung Quốc liên tục được cung cấp hình ảnh về đàn voi rừng.
Người dùng mạng xã hội cũng đăng tải rất nhiều các đoạn phim về đàn voi: cảnh chúng ăn trái cây ven đường hay lúc chúng băng qua đường cao tốc nhiều làn. Trong các video được đăng tải trên nền tảng Douyin, đã có không ít tiếng reo hò: "Đàn voi đang đến!".
Các chuyên gia động vật của Trung Quốc nhận định rằng đàn voi đi lạc này đang cố gắng tìm kiếm một nơi định cư, tuy nhiên con đầu đàn có vẻ không đủ kinh nghiệm và dẫn cả đàn đi sai hướng và ngày càng cách xa rừng.
Đài truyền hình CCTV liên tục cập nhật đường đi của đàn voi. |
Trong khi đó, một chuyên gia của Viện Khoa học Trung Quốc lại có quan điểm khác, cho rằng "cơ chế hoạt động có phần bất thường của mặt trời có thể là nguyên nhân đánh thức bản năng hoang dã của loài voi”.
Ở Trung Quốc, nhiều người coi việc theo dõi hành trình của đàn voi như một cách để thư giãn sau một ngày làm việc. Chính đàn voi này đã tạo nguồn năng lượng mới cho giới trẻ nước này.
"Tôi không muốn làm việc. Tôi chỉ muốn dành thời gian xem các video về những con voi ấy", một người dùng đăng tải dòng trạng thái trên mạng xã hội Weibo.
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc thậm chí còn đăng tải những dòng bình luận, ca ngợi hành trình đầy tự do của đàn voi này.
“Chúng đã di chuyển từ Vân Nam theo đường cao tốc lên phía bắc mà không rõ đích đến. Nó như là một bộ phim về chuyến phiêu lưu của chúng vậy”, một người nhận xét trên Douban.
Trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước, kỹ sư cấp cao tại khu bảo tồn Shen Qingzhong đã có một góc nhìn khác về sự việc.
Ông đề cập đến việc con người và voi cần phải “chung sống hài hòa” và tránh xảy ra “sự xâm chiếm không gian sống”.
Vị chuyên gia này đã đề xuất chia sẻ những hình ảnh, đoạn phim khi đàn voi di chuyển qua Thâm Quyến hoặc Thành Đô, chúng lấy những thứ chúng cần dù khiến người dân địa phương bàng hoàng, sợ hãi nhưng vẫn khiến họ cảm thấy vô cùng hào hứng trước những cảnh tượng ấy.