Ấn Độ là quê hương của quần thể voi châu Á lớn nhất thế giới, loài vật này hiện được xếp vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng. Môi trường sống trong rừng của voi đang suy giảm do hoạt động khai thác nông nghiệp và sự gia tăng các khu dân cư.
"Một trong những thách thức lớn nhất ở Ấn Độ đó là chúng tôi có chưa đầy 5% đất dành cho động vật hoang dã và có hàng triệu người sống liền kề với các khu bảo tồn", bà Krithi Karanth - chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Động vật Hoang dã, chia sẻ.
Quốc gia Nam Á này hiện có hơn 100 công viên quốc gia và khoảng 30 khu bảo tồn voi, nhưng trong số 30.000 cá thể voi của Ấn Độ, vẫn còn nhiều đàn sống bên ngoài các khu bảo tồn và ngày càng đụng độ với con người nhiều hơn.
Cao khoảng 3 m và nặng tới 5 tấn, một con voi "ngốn" khoảng 150kg thức ăn mỗi ngày, chủ yếu là cỏ, lá và vỏ cây. Nhưng các loại cây giàu dinh dưỡng hơn như mía, lúa và chuối có thể đặc biệt hấp dẫn đối với loài vật này.
"Những người nông dân cố gắng bảo vệ mùa màng có thể bị voi vô tình giết chết khi họ cố gắng đuổi chúng đi", bà Karanth nói. "Chúng tôi cũng đã ghi nhận rất nhiều trường hợp tử vong do đụng độ với voi vào ban đêm".
Một đàn voi hoang dã gồm 46 con đi dạo qua Vườn trà Gangaram, cách thành phố Siliguri (bang Tây Bengal), Ấn Độ khoảng 40 km vào tháng 11/2017. |
Theo chuyên gia Sandeep Kumar Tiwari từ Tổ chức Wildlife Trust của Ấn Độ khoảng 500.000 gia đình tại Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột với voi mỗi năm, chủ yếu là do các loài động vật này phá hoại mùa màng của họ.
Ông Tiwari cho biết có khoảng 80 đến 100 con voi đã bị giết bởi con người, phần lớn là các vụ đầu độc bởi nông dân hoặc tai nạn giao thông.
"Tìm cách để người và voi cùng chung sống một cách hòa bình sẽ đòi hỏi nỗ lực phối hợp từ chính phủ, các nhà bảo tồn và công chúng để giải quyết vấn đề này cả trong ngắn hạn và dài hạn", ông Tiwari chỉ ra.
Giải pháp hiệu quả
Người nông dân đôi khi sử dụng ánh sáng và tiếng ồn để xua đuổi voi, nhưng những chiến thuật này có thể trở nên kém hiệu quả hơn khi voi đã quen với chúng.
Trồng các loại cây mà voi không thích ăn, chẳng hạn như ớt, chanh và gừng, đào rãnh và thiết lập hệ thống báo động để cảnh báo có voi ở gần là những giải pháp hiệu quả hơn. Các cộng đồng cũng có thể được đào tạo để hướng dẫn voi quay trở lại rừng và tránh xa cây trồng.
Một cách tiếp cận khác là giúp người dân ở các cộng đồng nông thôn đối phó với tác động mà voi có thể gây ra đối với sinh kế của họ. Theo chuyên gia Karanth, chính phủ Ấn Độ sẽ bồi thường cho các gia đình bị thiệt hại do động vật hoang dã gây ra nhưng việc nhận được tiền có thể là một quá trình tốn thời gian và quan liêu.
Theo ông Tiwari, một trong những cách hiệu quả nhất để giảm xung đột là khôi phục và bảo vệ các khu vực rừng hoặc các "hành lang" di cư cổ đại mà voi đi qua. Những dải rừng này liên kết môi trường sống tự nhiên của voi, và việc bảo tồn chúng có nghĩa là loài vật này có ít lý do hơn để đi lạc vào đất nông nghiệp.
Các nhà chức trách Ấn Độ đang xây dựng nhiều phương án để bảo vệ hành lang di cư của loài voi. |
Tổ chức Wildlife Trust của Ấn Độ, cùng với Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi khí hậu, và các đối tác khác, đã xác định 101 hành lang di cư và đang làm việc với chính quyền tiểu bang cùng quốc gia lân cận để bảo vệ những tuyến đường này. Việc xây dựng các tuyến đường hầm để voi băng qua đường ray hoặc cao tốc cũng là một giải pháp đảm bảo an toàn cho cả người và voi.
Ở một đất nước nơi voi được coi là một con vật linh thiêng, cả hai chuyên gia Tiwari và Karanth đều nói rằng người nông dân Ấn Độ vẫn còn quan niệm khoan dung cho loài vật khổng lồ này.
“Có một mối quan hệ sâu sắc về tôn giáo, văn hóa đối với loài vật này. Tôi hy vọng rằng mọi người sẽ làm nhiều hơn cho voi vì mối quan hệ này", bà Karanth nói.