Tại cuộc họp tìm hướng tháo gỡ cho nông sản Việt xuất sang Trung Quốc ngày 13/9, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang nước láng giềng có dấu hiệu giảm từ cuối năm 2018 và tiếp diễn trong 8 tháng năm nay.
Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu nông thuỷ sản sang Trung Quốc đạt hơn 3,8 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm nay, giảm 9,2% so với cùng kỳ. Trong số này gạo giảm sâu nhất, 67,5%, đạt hơn 159,4 triệu USD; rau quả đạt kim ngạch 1,6 tỷ USD, giảm hơn 8%; sắn giảm gần 10% so với cùng kỳ khi chỉ đạt trên 466 triệu USD...
Một trong những nguyên nhân là hàng nông sản Việt sang Trung Quốc sụt giảm, ùn ứ và "tắc" ở cửa khẩu do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ Trung. Ngoài ra, nước này cũng thay đổi chính sách thương mại và đưa ra loạt hàng rào kỹ thuật về kiểm soát chất lượng, kiểm dịch an toàn thực phẩm... với nông sản nhập khẩu. Chẳng hạn, Trung Quốc đưa ra yêu cầu quả chuối xuất sang nước này phải có hộp đóng gói đầy đủ, in nhãn bằng tiếng Trung; hay với dưa hấu, phía bạn yêu cầu phải dán mã truy xuất nguồn gốc... Hay họ áp hạn ngạch thuế quan và chỉ định cửa khẩu nhập với một số hàng nông sản, chủ yếu là trái cây qua các cửa khẩu nhất định như Quảng Tây, Vân Nam...
Thực tế, những quy định này đã được phía Trung Quốc thông báo từ giữa năm 2018, nhưng không nhiều doanh nghiệp nắm bắt.
"Đây là xu thế tất yếu và phù hợp với thông lệ quốc tế. Không riêng Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác cũng đưa ra quy định kiểm soát chặt hơn chất lượng hàng nhập khẩu", ông Hải nói.
Điều đáng lo ngại hơn lại nằm ở phía nội lực sản xuất và cập nhật xu hướng sản xuất hiện đại của nền nông nghiệp trong nước. "Một số địa phương và doanh nghiệp chưa nhận thức được, vẫn giữ phương thức kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến tình trạng ùn ứ, ảnh hưởng đến chất lượng và bị ép giá", ông Hải nói.
Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Công Thương nhận xét, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc hiện "thiếu chuyên nghiệp và phụ thuộc nhiều vào tiểu ngạch". Doanh nghiệp sản xuất cũng thiếu thông tin, giữ tập quán kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro, không ổn định về thị trường, dẫn đến tồn đọng, ùn ứ trong nước và ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả xuất khẩu.
Mực xà của Việt Nam xuất sang Trung Quốc nhưng bị ùn ứ ở cảng. Ảnh: Đắc Thành. |
Hiện mới có 9 loại trái cây tươi của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, chuối, dưa hấu... Ông Lê Thanh Hoà – Phó cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết, cơ bản lượng xuất khẩu các loại quả này sang Trung Quốc vẫn có tăng trưởng, như chuối tăng gần 300%, thanh long hơn 55%... so với cùng kỳ. Nhưng một số loại trái cây vốn có lượng xuất khẩu lớn sang Trung Quốc lại chưa được cấp phép xuất khẩu chính ngạch.
"Tập quán làm ăn nhỏ lẻ chưa chuyển sang chuyên nghiệp đã "ăn sâu bám rễ", ảnh hưởng tới xuất khẩu khi các nước thay đổi chính sách. Nếu không thay đổi cách làm thì xuất khẩu sang thị trường này khó cải thiện", ông Tuấn Anh nói.
Là người trực tiếp tư vấn chính sách cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc, bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho rằng cần xem xét xây dựng quy hoạch sản xuất từng loại nông sản cho thị trường xuất khẩu trên cơ sở nghiên cứu kỹ quy mô thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, xu thế thị trường thế giới...
"Doanh nghiệp cần bỏ tâm lý coi Trung Quốc là thị trường dễ tính, chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch những mặt hàng trái cây có thế mạnh, nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm", bà lưu ý.
Đồng tình, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói "không còn cách nào khác là phải thích nghi". Chuyện ùn, ứ, ế là do nền sản xuất hàng hoá chưa hiện đại, nông dân vẫn quen sản xuất, bán tươi là chính, trong khi nền sản xuất thế giới đã yêu cầu cao hơn. Bài học vải thiều của tỉnh Bắc Giang trong 2-3 năm gần đây là ví dụ. Mùa vụ 2019 sản lượng vải thiều của tỉnh này thực tế chỉ bằng 2/3 mùa vụ 2018, nhưng nhờ tổ chức sản xuất, kết nối bài bản với đối tác Trung Quốc nên giá trị xuất khẩu tăng 20-30%.
Theo ông Cường, Trung Quốc là thị trường tiềm năng, có dung lượng khổng lồ. Nông sản Việt Nam lại mang tính bổ trợ cho nông sản Trung Quốc. Do vậy, thời gian tới phải đẩy mạnh tháo gỡ các nút thắt, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
"Cứ bảo các bạn thay đổi phương thức nên khó khăn. Nhưng nếu làm tốt thì tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì. Ba 'nhà' gồm Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân đều phải đồng hành, đồng bộ từ sản xuất, chế biến tới tổ chức thị trường, thì tự khắc sản xuất sẽ hiện đại, hiệu quả", ông Cường nhấn mạnh.