Doanh nghiệp đổ xô nuôi gia cầm: Gà ta có 'đọ' được gà ngoại siêu rẻ?

Dịch tả lợn châu Phi khiến ngành chăn nuôi lợn thiệt hại nặng nề, với gần 3 triệu con đã bị tiêu hủy khiến nhiều doanh nghiệp (DN), chủ trang trại đang chuyển hướng đầu tư sang chăn nuôi gia cầm để tạo nguồn thịt thay thế. Tuy nhiên, việc này cần có kiểm soát, bởi hiện tại thịt gia cầm nhập khẩu (NK) vào Việt Nam giá rất rẻ.
Thịt gà Mỹ NK bán ở thị trường Việt Nam có giá chưa đầy 20 ngàn đồng/kg
Thịt gà Mỹ NK bán ở thị trường Việt Nam có giá chưa đầy 20 ngàn đồng/kg

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, thời gian gần đây, chăn nuôi gia cầm ở nước ta đang có dấu hiệu phát triển quá “nóng”. Đặc biệt, sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện càng khiến hướng đầu tư này thêm ồ ạt. Hàng loạt DN lớn cũng bắt đầu “nhảy” vào chăn nuôi gia cầm quy mô lớn. 

Những năm gần đây, sản lượng thịt gà luôn tăng trưởng ở mức 6 - 7%, còn trứng tăng từ 8 - 9%. "Nếu không kiểm soát, cân đối ở mức hợp lý thì sẽ tới lúc lại khủng hoảng thừa đối với chăn nuôi gia cầm, cả thịt và trứng", ông Sơn lo ngại. 

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng đàn gia cầm của cả nước đã tăng tới 7,5% và sản lượng trứng gia cầm đạt gần 7 tỷ quả, tăng 11,4%. Nhiều nơi chăn nuôi heo bị dịch bệnh nên các chủ trại đang ồ ạt chuyển sang chăn nuôi gia cầm. Nhanh nhạy chuyển dịch mặt hàng có mặt lợi là sớm đáp ứng nguồn thịt thay thế, nhưng quá ồ ạt và tự phát sẽ gây hậu quả khi cung vượt cầu.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng, “tỷ lệ vàng” ở nhiều quốc gia là heo chiếm khoảng 40%, đàn gia cầm khoảng 40%, còn lại các sản phẩm khác chiếm khoảng 20%. Nhưng ở Việt Nam hiện nay heo lại chiếm tới 70% cơ cấu sản lượng thịt, trong khi gia cầm chỉ có khoảng 20%, trâu bò khoảng 7%, còn lại là các loại thịt cá khác. 

Chính vì vậy, chủ trương của Bộ là nâng tỷ lệ gia cầm và đại  gia súc trong cơ cấu các loại thịt, nhưng cũng chỉ tăng thêm khoảng 7% với gia cầm và thêm 5% với bò thịt. Ông Dương cũng thừa nhận rằng, nếu tăng “nóng” thịt gia cầm thì lại gây nhiều rủi ro cho chính người chăn nuôi. 

Thịt ngoại rẻ ngỡ ngàng 

Trong khi đàn gia cầm trong nước đang đứng trước nguy cơ phát triển ồ ạt, gây khủng hoảng thừa dẫn tới thua lỗ kéo dài, thì hiện nay, “rủi ro kép” lại đang khiến các nhà đầu tư lẫn chủ trại phải đối mặt khi giá thịt gia cầm nhập vào Việt Nam rẻ đến ngỡ ngàng. Điển hình là thịt gà Mỹ. Theo khảo sát, giá bán loại này chỉ từ 18 – 20 ngàn đồng/kg.

Báo cáo từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, các  DN đã NK 62.400 tấn thịt gà các loại từ Mỹ về Việt Nam, với giá trị NK là 48,6 triệu USD. Tính trung bình, giá thịt gà Mỹ về Việt Nam chỉ dưới 20 ngàn đồng/kg. Dự báo, những tháng cuối năm, lượng hàng NK có thể gia tăng nếu các loại nông sản ở Mỹ còn khó khăn về đầu ra. 

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, mức giá dưới 20 ngàn đồng/kg là sự thật vì chi phí sản xuất gia cầm tại Mỹ rất rẻ, giá thành của 1kg thịt gà tại Mỹ chỉ khoảng 15 – 16 ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó, người chăn nuôi tại Mỹ chỉ cần bán riêng phần ức gà đã có lời. Các phần còn lại (đùi, cổ, cánh) thị trường Mỹ không ưa chuộng nên được bán giá rẻ cho thị trường tại châu Á, trong đó có Việt Nam. 

Cũng theo vị này, với lượng NK thịt gà như hiện nay thì vẫn chưa ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi gia cầm trong nước bởi thói quen tiêu dùng. Tuy nhiên, dự báo nếu các DN tiếp tục NK thịt gà từ Mỹ, chắc chắn gia cầm nội sẽ bị tổn thương do sức ép cạnh tranh rất lớn về giá. Chưa nói, giá thành thức ăn chăn nuôi tại Mỹ lại thấp nên mức thịt thành phẩm xuất sang Việt Nam luôn thấp hơn nhiều lần so với thịt gia cầm nội địa.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đầu tư phát triển chăn nuôi hiện nay ở nước ta vẫn còn rất nhiều dư địa, nên là xu thế tất yếu của người dân và DN, nhưng phải hướng tới thị trường xuất khẩu (XK) để bền vững hơn. 

Tuy nhiên, kim ngạch XK từ chăn nuôi chưa đáng kể. Dù Việt Nam đã có sản phẩm gia cầm XK sang Nhật Bản nhưng đầu tư vào cơ sở giết mổ và chế biến gia cầm hiện đại còn rất nhỏ bé, không tương xứng. Hiện cả nước mới chỉ có 4 - 5 DN có đầu tư bài bản cho khâu giết mổ gia cầm với quy mô công nghiệp. 

Ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng, để tránh rủi ro, tăng sức cạnh tranh, giải pháp quan trọng của ngành chăn nuôi vẫn là phải tìm mọi cách giảm các khoản chi phí, giá thành, đẩy mạnh thị trường XK; đầu tư cho giết mổ, chế biến công nghiệp hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tuân thủ đúng quy hoạch, tăng trưởng có kiểm soát… thì mới không bị thiệt hại.

Theo PLVN
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.