Ám ảnh thủa ấu thơ
Bà Ngụy Thị Khanh, sinh ra trong một gia đình nông thôn tại Bắc Am, Bắc Giang, một ngôi làng ở miền Bắc Việt Nam. Mái ấm gia đình nằm ngay gần một nhà máy nhiệt điện than quanh năm bốc khói đen và tỏa khói mù mịt. Quãng tuổi thơ hồn nhiên của cô bé Khanh mù mịt trong khói bụi và những trăn trở khôn nguôi về cái chết của nhiều người hàng xóm. Nhiều người quanh khu bà ở mắc bệnh ung thư, nhiều người bị bệnh lao phổi, tiếng ho sặc sụa ngày đêm… Cô bé Khanh ngày nhỏ bị ám ảnh bởi bóng đen ô nhiễm môi trường.
Hiện tôi và GreenID đang triển khai 3 chương trình khác nhau. Ngoài hoạt động thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững, chúng tôi còn tập trung vào hai chường trình là Nước và Không khí sạch.
Lớn lên, bà theo học lịch sử, tiếng Pháp và ngoại giao và từng dự định trở thành một nhà ngoại giao. Nhưng ám ảnh thuở bé vẫn bám theo, thôi thúc bà phải làm gì đó liên quan đến môi trường. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà Khanh quyết định chọn làm công việc về phát triển cộng đồng và bảo tồn tài nguyên nước cho một tổ chức phi lợi nhuận nhỏ của Việt Nam.
Năm 2011, bà mạnh dạn đứng ra thành lập GreenID với mong muốn thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, quản lý tốt hơn tài nguyên nước, không khí và phát triển xanh. Bà đồng thời là thành viên sáng lập Liên minh Năng lượng bền vững Việt Na - một mạng lưới gồm 11 tổ chức Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực môi trường và xã hội cùng hợp tác về các vấn đề năng lượng khu vực. Bà Khanh chủ yếu tập trung làm việc với các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách về năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng nhằm giảm sự lệ thuộc vào các dạng nhiên liệu hóa thạch và điện than.
Hai năm sau đó, bà Ngụy Thị Khanh hợp tác cùng các chuyên gia năng lượng và đã cho ra đời một nghiên cứu về cơ hội giảm tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng cơ cấu nguồn cung năng lượng theo hướng ủng hộ sự phát triển của các nguồn năng lượng bền vững. Nghiên cứu đã chỉ rõ sự đắt đỏ và nguy hại của nhiệt điện than khi nó được chọn là một nguồn phát điện chủ yếu và đề xuất các giải pháp thay thế.
Bà Ngụy Thị Khanh và các hoạt động xã hội của mình. |
Cùng thời điểm đó, những vụ việc về môi trường liên quan đến năng lượng than ở Việt Nam đã nêu bật lên những hiểm họa của nhiệt điện than và thúc đẩy dư luận thảo luận nhiều hơn về tương lai năng lượng Việt Nam. Bà đã tổ chức các hoạt động đào tạo và truyền thông cho nhiều cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các vấn đề môi trường liên quan đến than.
Đồng thời, bà Khanh nỗ lực làm việc với báo chí để đăng tải các bài báo dựa trên những bằng chứng thực tế về nhiệt điện than, tác động của nó và tham dự nhiều cuộc thảo luận về ô nhiễm không khí. Bà tham gia các cuộc hội thảo một cách không mệt mỏi và có trách nhiệm.
Thông tin rộng rãi trên báo chí và những cuộc tranh luận công khai về năng lượng than đã cho phép bà Khanh và GreenID hợp tác với các cơ quan chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng và chỉnh sửa các chính sách về phát triển năng lượng. Tháng 1/2016, chính phủ tuyên bố sẽ xem lại kế hoạch phát triển toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than mới và khẳng định Việt Nam sẽ thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế nhằm giảm khí nhà kính.
Giải thưởng môi trường thế giới
Nghiên cứu và sự hợp tác của bà Khanh về một kế hoạch năng lượng quốc gia bền vững hơn về mặt môi trường đã tích cực đóng góp cho Quy hoạch điện 7 điều chỉnh được chính phủ Việt Nam công bố tháng 3/2016. Quy hoạch này giảm đáng kể số nhà máy nhiệt điện than so với kế hoạch trước đây đồng thời tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối lên 21% trong kế hoạch nguồn điện tổng thể đến năm 2030. Kết quả điều chỉnh này đã cho thấy những kiến nghị đề xuất mà bà Khanh và các chuyên gia đưa ra đã được lắng nghe.
Với những hoạt động đó, bà Khanh đã góp phần giúp định hướng Việt Nam theo con đường độc lập về năng lượng, giúp loại bỏ được 115 triệu tấn khí thải carbon dioxide từ Việt Nam mỗi năm. Bà cam kết hợp tác với các đối tác và chính phủ nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang các giải pháp năng lượng tái tạo và bền vững.
Theo bà Khanh, “để bảo vệ sức khỏe của người dân ở thủ đô và các khu vực xung quanh các nhà máy nhiệt điện, chúng tôi kiến nghị cần thiết phải rà soát đánh giá thực tế thực thi các giải pháp kỹ thuật về bảo vệ môi trường để đảm bảo tính tuân thủ của các nhà máy. Song song với đó, Việt Nam cần nâng cấp các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và nhất là giới hạn cho phép phát thải từ các nhà máy nhiệt điện than chí ít theo tiêu chuẩn của các nước đang cung cấp công nghệ cho Việt Nam trong lĩnh vực này như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời các dữ liệu quan trắc định kỳ của các nhà máy cần phải công khai để chính quyền và người dân địa phương nắm được để theo dõi, giám sát”.
Những nỗ lực của bà đã được cả quốc tế và trong nước ghi nhận. Năm 2018, Giải thưởng Môi trường Goldman vinh danh 7 Anh hùng môi trường đến từ Colombia, Pháp, Việt Nam, Philippines, Nam Phi và Hoa Kỳ. Bà Ngụy Thị Khanh là một trong 7 người được ghi trao tặng vì những thành tựu quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt tham gia thúc đẩy các dự án năng lượng dài hạn bền vững và giảm sự lệ thuộc nguồn than tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Quỹ Môi trường Goldman, bà Ngụy Thị Khanh và các cộng sự đã sử dụng những nghiên cứu khoa học và thúc đẩy các cơ quan nhà nước tham gia vào nhiều dự án năng lượng dài hạn, bền vững và giảm sự lệ thuộc nguồn than tại Việt Nam. Những nỗ lực của bà đã giúp loại bỏ được 115 triệu tấn khí thải carbon dioxide từ Việt Nam mỗi năm.
Mới đây nhất, vào tháng 3/2019, bà Khanh được Tổ chức Apolitical bình chọn là 1 trong 100 người có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới trong lĩnh vực chính sách khí hậu năm 2019. Danh sách 100 người ảnh hưởng đến chính sách khí hậu năm 2019 này được lựa chọn từ các đề cử của hàng trăm cơ quan nhà nước cũng như các chuyên gia uy tín từ UNDP, Harvard, Oxford, Bloomberg Philanthropies, Mạng lưới Hành động Khí Hậu (CAN) và nhiều tổ chức khác. Trong danh sách này, có những người là chính trị gia cấp cao, là ngôi sao đang nổi tạo được dấu ấn trong cộng đồng địa phương và là động lực cho những thay đổi bên cạnh nỗ lực của chính phủ.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, “hiện tôi và GreenID đang triển khai 3 chương trình khác nhau. Ngoài hoạt động thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững, chúng tôi còn tập trung vào hai chường trình là Nước và Không khí sạch. Đây là chương trình nghiên cứu, giám sát và truyền thông để thúc đẩy các sáng kiến, hành động bảo vệ nguồn tài nguyên nước và không khí trong lành. Song song với đó, chúng tôi còn phát triển dự án Tăng trưởng xanh. Chương trình sẽ triển khai các dự án về lập kế hoạch năng lượng địa phương và thúc đẩy sử dụng các giải pháp năng lượng xanh và nước sạch, quản lý rác thải ở các cộng đồng tại An Giang, Cà Mau, Bắc Giang, Đắk Lắk nhằm giúp các cộng đồng tích cực tham gia vào thực hiện các chủ trương chính sách về phát triển xanh, bền vững của Nhà nước”.