Học sinh giỏi cũng tự từ vì áp lực học tập
Như tin tức đã đưa, vụ việc một nữ sinh lớp 11 ở Bình Dương vừa nhảy cầu tự tử do học kém khiến dư luận sửng sốt. Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng tìm thấy trong cặp sách có 5 lá thư tuyệt mệnh Tr. viết gửi cho gia đình. Trong thư có đoạn: "Năm nay con được học sinh trung bình, con phụ lòng bố mẹ rồi, tương lai sau này của con cũng không còn nữa, con xin lỗi, con xin lỗi bố mẹ. Không, không, con không thể chịu nổi nữa rồi. Con mệt, con nản… Hết rồi, tất cả kết thúc rồi".
Ở một bức thư khác Tr. viết: "Con luôn suy nghĩ rằng phải đậu trường công an hay y cho bố mẹ vui lòng, nhưng con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả. Con không thể hoàn thành nó được. Con xin lỗi…”.
Nơi nữ sinh Tr. nhảy cầu tự tử. Ảnh: báo Bình Dương
Câu chuyện đau lòng này càng khiến một số phụ huynh hoang mang khi những vụ việc đau lòng với hành động dại dột của con trẻ xuất phát từ áp lực học tập ngày càng tăng; trong đó, có cả nạn nhân là những học sinh giỏi.
Thực tế, trước đó đã xảy ra nhiều vụ việc đau lòng tương tự.
Ngày 16/10, một nam sinh Trần Hoàng H., học sinh lớp 11D1 trường THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn) đang đi xe đạp lên trên cầu thì bất ngờ bỏ lại xe đạp điện cùng đôi dép, trèo qua lan can nhảy xuống dòng nước chảy xiết của sông Kì Cùng khiến nhiều người không kịp can ngăn. Hành động dại dột này đã cướp đi tính mạng của em. Theo thông tin từ gia đình, nhà trường, H. là học sinh ngoan, hiền. Nguyên nhân dẫn tới hành động trên của H. được xác định là do bị điểm kém.
Cũng vì điểm kém, T.T.L. - nữ sinh lớp 8 (14 tuổi, ngụ tại Củ Chi, TP.HCM) đã uống cùng lúc 20 viên Panadol tự vẫn sau khi biết kết quả thi học kỳ I không được tốt như mong đợi. Sự việc xảy ra vào cuối tháng 1/2013. Theo đó, khoảng 1 giờ sau khi uống, nữ sinh bắt đầu bị chóng mặt, buồn nôn, co giật, được người nhà phát hiện và chuyển đến bệnh viện địa phương. Sau hơn một ngày điều trị và chăm sóc tích cực, sức khỏe của L. đã dần bình phục.
Người lớn phải làm gì?
Lý giải hành động dại dột của một số học sinh nói trên ở góc độ phân tích tâm lý, TS Vũ Thu Hương, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, các em ở độ tuổi teen (học sinh THCS và THPT) thường có những biến đổi bất thường trong quá trình phát triển tâm sinh lý. Theo đó, Trong nhiều trường hợp, sự ép buộc học tập, sự so sánh với người khác, những lời lẽ xúc phạm, những hành vi xâm phạm quyền riêng tư của cha mẹ đã làm các em cảm thấy mất niềm tin vào chính mình, vào cuộc sống, cảm giác cô đơn, không có ai chia sẻ và giúp đỡ sẽ khiến cho tuổi teen có những hành động dại dột.
Trong khi đó, một bộ phận giới trẻ Việt ngày nay có mục tiêu phấn đấu rất ngắn hạn nhưng lại yêu cầu vô cùng cao song khát vọng sống, đích sống của cả cuộc đời lại không có. Do đó, ở lứa tuổi học sinh, ngoài mục tiêu làm cha mẹ vui lòng, các em có quá ít những mối quan tâm và hướng phấn đấu. Vì thế, khi mục tiêu mà gia đình yêu cầu không đạt được, các em cảm thấy như cuộc đời của mình đã hỏng hẳn rồi, hoàn toàn không có mục tiêu gì khác để sống.
Cũng theo bà Hương, mặc dù rất đau lòng nhưng cũng phải thừa nhận một phần lớn trách nhiệm của vụ việc này đến từ gia đình.
"Thành tích học tập chỉ là nội dung của một tờ giấy, nó không bao giờ thể hiện toàn bộ năng lực cũng như đạo đức của một con người. Khi cha mẹ quá kì vọng vào con cái sẽ tạo ra vô vàn nhiều áp lực cho các cháu. Trong thời điểm tâm sinh lý còn nhiều bất ổn, những áp lực này sẽ khiến các cháu cảm thấy cuộc sống bế tắc, mệt mỏi. Để thoát ra khỏi cảm giác khó chịu này, các cháu đã chọn con đường chấm dứt cuộc sống", bà Hương phân tích.
Trước câu hỏi "người lớn nên làm gì để hạn chế những sự việc đau lòng do áp lực học tập", bà Hương cho rằng, về phía nhà trường nên có những buổi tư vấn tâm lý tuổi teen, giúp các giải tỏa những khúc mắc buồn chán của tuổi dậy thì. Ngoài ra, nhà trường cũng nên hướng dẫn các em đi tìm các mục tiêu sống của cá nhân, giúp các em tự chọn hướng đi đúng đắn cho cuộc đời mình.
"Điều đó sẽ giúp các em bớt đi cảm giác vô dụng mỗi khi gặp thất bại trong cuộc sống. Những mục tiêu đó không phải là học tập mà có thể là sự cống hiến, tham gia các hoạt động xã hội hữu ích, hoặc theo đuổi đam mê", bà Hương nói.
Về phía gia đình, bà Hương cho rằng, việc thực sự tránh xa áp lực thành tích, buông bỏ những khao khát, kì vọng vào con trẻ là điều bắt buộc những người cha, người mẹ phải làm.
"Thành công của mỗi con người phụ thuộc vào sự đóng góp của người ấy cho xã hội chứ không phải là vài dòng chữ thể hiện trên tờ giấy hoặc một vị trí trong sân trường đại học. Hơn nữa, cuộc sống của con trẻ cũng cần được làm phong phú bởi các hoạt động xã hội, hoạt động thể thao, văn nghệ. Cha mẹ rất cần quan tâm và tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động này", bà Hương nhắn nhủ tới các phụ huynh.
Hà An