Xuất thân là dân lập trình web và từng đi làm tại vài công ty, nhưng anh Nguyễn Thanh Tú quyết định từ bỏ công việc vào năm 2011 vì mong muốn có cơ hội phát triển các ý tưởng cá nhân. Sau hơn một năm tự mày mò, tựa game đầu tay Shark Journey (Cá mập phiêu lưu ký) của anh phát hành hơn 3 tháng qua đã thu hút được hơn 10.000 lượt tải trên App Store và gần 5.000 lượt tải trên Google Play Store. Game này được nhiều người chơi tại Anh, Mỹ, Thái Lan, Indonesia và một vài nước Trung Đông đón nhận khá tốt.
Shark Journey kể về một chú cá mập bị lạc đi tìm bầy. Người chơi phải điều khiển chú cá thông qua giao diện Joystick ở góc màn hình để tìm chìa khóa về nhà. Trong quá trình đó, chú cá phải ăn các sinh vật nhỏ để tồn tại và tránh bị các loài lớn hơn ăn thịt. Anh Tú kể, do những ngày thất nghiệp, công việc chính là chăm con cho vợ đi làm nên anh hay dẫn bé đến hồ cá koi. Tuy nhiên, bé lại gọi cá koi là “shark”, tức cá mập, nên anh quyết định phát triển game này. Lúc đó, anh phải tự làm mọi thứ từ lập trình, đồ họa, đến âm thanh, phát hành và quảng cáo cho game… Ngoài những khó khăn về kỹ thuật vì là một tay mơ thì anh Tú cho hay, thử thách lớn nhất là ý tưởng của mình không được hưởng ứng. Lúc ấy, mọi chi tiêu trong gia đình, từ chăm con đến quan hệ với gia đình nội ngoại đều phụ thuộc vào thu nhập của vợ.
“Khi phát triển game này thì không có người ủng hộ. Bà xã không muốn tôi làm game vì xuất thân của mình là lập trình web nên thường cãi nhau. Có khi vợ không cho tiền ăn sáng và ăn trưa để mình tự suy nghĩ về chuyện khởi nghiệp”, anh Tú kể lại.
Tuy nhiên, vì không thể từ bỏ được đam mê, anh Tú tranh thủ mỗi ngày 2 đến 3 tiếng khi con ngủ để ngồi lập trình. Đến khi game phát hành, thời gian đầu tăng trưởng người dùng rất tốt nhưng sau đó thì tuột dốc không phanh. Anh bắt đầu theo dõi từng phản hồi, chăm chút lại đồ họa, bổ sung ngôn ngữ, điều chỉnh độ khó và bố trí lại các vị trí quảng cáo… nhằm thu hút thêm người chơi. Cùng với đó, anh nhận làm các công việc thời vụ như đi lắp cửa nhôm kính để kiếm tiền quảng cáo cho game.
Đến nay, tuy là một game nhỏ, cách chơi đơn giản và cũng không đình đám nhưng sản phẩm đã mang lại cho anh Tú thu nhập ổn định. Anh cho hay, doanh thu một ngày của game đủ để trang trải mọi chi phí cho con trong cả tháng, từ tiền sữa đến khám chữa bệnh, học phí và cả nhu cầu khác của cả nhà. Dù không tiết lộ con số cụ thể, nhưng theo dõi trên hệ thống SensorTower thì tháng 8/2016, "chú cá mập đi lạc" kiếm được gần 5.000 đôla doanh thu. “Bây giờ thì vợ ủng hộ mình hai tay luôn”, anh Tú hào hứng chia sẻ về tình hình hiện tại.
Song song đó, anh còn mang Shark Journey gửi đến chương trình FbStart và vừa nhận được gói hỗ trợ 40.000 đôla, tức gần 1 tỷ đồng để khởi nghiệp. Gói hỗ trợ bao gồm các công cụ và dịch vụ từ Facebook và đối tác như Amazon, UserTesting, App Annie, MailChimp… Game của anh được chương trình đánh giá cao về độ ấn tượng và tiềm năng phát triển trong tương lai. Hiện tại, nhà lập trình sinh năm 1982 đang lên kế hoạch để sử dụng các khoản tài trợ. Anh cũng đã có được một nhà đầu tư cá nhân ở Nauy và bắt đầu tìm kiếm cộng sự để hình thành một studio nhỏ với 4-5 người.