Ngày 9-1, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng cùng 21 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) bước sang ngày làm việc thứ 2.
Trong buổi sáng, tòa dành nhiều thời gian cho phần xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng và bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Trong quá trình xét hỏi, tòa thường xuyên mời các bị cáo khác lên để đối chất.
Vào phòng xử án từ phòng cách ly, đứng trước bục khai báo, ông Đinh La Thăng trình bày làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên của PVN từ tháng 2.2006 đến năm 2007 với nhiệm vụ chỉ đạo các thành viên phê duyệt đường lối chiến lược; thực hiện đường lối của Đảng, thực hiện các Nghị quyết quyết định của HĐQT…
Theo ông Thăng, Chính phủ đã cho phép PVN đầu tư phát triển dịch vụ, cho chỉ định đơn vị thành viên thực hiện các hạng mục của tập đoàn. PVN đã xây dựng các công ty con chuyên ngành, trong đó có PVC với mục tiêu phát triển thành công ty xây lắp mạnh của Tập đoàn.
Việc chỉ định PVC là tổng thầu dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 xuất phát từ chủ trương trong chiến lược phát triển PVN đến năm 2025 trở thành tập đoàn đa ngành, "nâng doanh thu dịch vụ trong tổng doanh thu, ưu tiên người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, phát huy nguồn lực đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế...".
Lý giải về việc chọn PVC làm tổng thầu, ông Thăng cho hay vì tình hình lúc đó rất cấp bách.
Khi được tòa hỏi về việc "Trước khi chọn PVC làm tổng thầu có kiểm tra năng lực tài chính không?”; lúc này ông Thăng nhẹ nhàng nói việc chọn căn cứ vào năng lực cũng như căn cứ vào thực tiễn. Lý do thứ 2 chọn PVC làm tổng thầu vì năm 2010 có lãi 1.000 tỉ đồng đồng thời PVN cũng bán 40% cổ phần của PVC, thu được 2.500 tỉ đồng. Trước đó, PVC và Lilama từng liên doanh trong một số dự án, thực hiện triển khai tốt, tiết kiệm được khoản tiền lớn vì hoàn thành trước tiến độ…
“Tại thời điểm đó, bị cáo có kiểm tra báo cáo tài chính của PVC để xem đơn vị này có đủ năng lực hay không?” tòa nêu câu hỏi.
Ông Thăng khai, HĐTV làm việc có bộ máy giúp việc, các phòng ban đều có báo cáo PVC đủ năng lực thực hiện. Căn cứ vào báo cáo của chủ đầu tư, HĐTV đã xem xét, giao cho giám đốc trực tiếp chỉ đạo.
Tòa hỏi, ngày 24.2 bị cáo mới phê duyệt thiết kế điều chỉnh đầu tư, làm sao sau 4 ngày có thể khởi công xây dựng được khi hồ sơ còn thiếu? Lúc này ông Thăng đáp: “Đối với tập đoàn, không phải chỉ thực hiện Thái Bình 2 mà thực hiện hàng trăm dự án, công trình. Do đó để đảm bảo tiến độ, tập đoàn luôn luôn chỉ đạo đồng bộ các công việc”.
Trước câu hỏi về việc tạm ứng tiền cho PVC, ông Thăng cho rằng đó là việc của chủ đầu tư, không cần chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hội đồng thành viên. "Có việc chỉ đạo ứng tiền không?", tòa hỏi, ông Thăng trả lời: "Không". Ông Thăng khẳng định: Khi chủ đầu tư ứng tiền cho nhà thầu thì đã yêu cầu rõ sử dụng tiền cho Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, không được sử dụng sai mục đích. Ông Thăng sau đó nhận có chỉ đạo cho ứng 10%, bởi lúc đó chưa biết về hợp đồng 33.
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh (cựu kế toán trưởng PVN) được gọi lên đối chất. Ông Quỳnh khai hợp đồng 33 có một số khiếm khuyết và ông chỉ báo cáo với cấp trên là Nguyễn Xuân Sơn. Việc chi tiền cũng chịu sự chỉ đạo trực tiếp của ông Sơn.
Tòa tiếp tục hỏi ông Quỳnh về việc có khi nào bị cáo nhận được bút phê của ông Thăng về việc chi 1.000 tỉ không? Ông Quỳnh nói có nhận công văn của ông Thực, Khánh, Sơn. Công văn ký ngày 30.5.2011.
Tại tòa, khi được mời đối chất liên quan đến hợp đồng số 33 và tòa có hỏi vì sao chưa đủ điều kiện tạm ứng mà bị cáo cùng bị cáo Thăng lại có bút phê về việc này? Ông Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng giám đốc PVC) đã phủ nhận có bút phê. Tuy nhiên, vị thẩm phán ngay sau đó giơ công văn và đọc bút phê của ông Thăng với nội dung "chuyển anh Khánh - Phó Tổng Giám đốc xử lý, cho PVC tạm ứng 1.000 tỉ đồng".
"Đến giờ bị cáo nhận thức quá trình chỉ đạo có sai phạm không?”, tòa hỏi. Bị cáo Thăng đáp: Suốt quá trình điều tra, bị cáo cũng nhận trách nhiệm trước cơ quan điều tra, trách nhiệm người đứng đầu. Đến nay sau 10 năm vụ án được phá, nhìn lại vụ án trong bối cảnh 10 năm về trước, bị cáo có nóng vội, có lúc quá quyết liệt dẫn đến nhiều lúc quyết định sai.
Theo Lao động