Trong cuộc gặp các cựu chiến binh ở thành phố St. Petersburg hồi cuối tuần vừa qua, một cựu binh đề nghị ông Putin “giải quyết các vấn đề liên quan đến hiến pháp” để quyền lực của tổng thống không thể bị giới hạn bởi nhiệm kỳ.
Đáp lại, nhà lãnh đạo Nga cho rằng: “Về vấn đề giới hạn nhiệm kỳ tổng thống, tôi hiểu rằng mọi người đang lo ngại về ổn định xã hội, ổn định đất nước và ổn định ngoại giao. Tuy nhiên, sẽ rất “đáng lo ngại” khi trở lại tập quán của những năm 1980 ở Liên Xô, khi các nhà lãnh đạo nắm quyền đến cuối đời mà không chuẩn bị để chuyển giao quyền lực thích hợp”.
Tuyên bố của ông Putin được đưa ra chỉ ít ngày sau khi ông công bố kế hoạch triển khai những cải cách mới dự kiến sẽ giảm bớt quyền lực của tổng thống từ nhiệm kỳ tới. Theo kế hoạch cải tổ này, quyền lực được phân bổ theo hướng quốc hội và thủ tướng Nga được trao quyền lớn hơn.
Ngoài ra, ông Putin còn đề nghị bỏ điều khoản cho phép một người được bầu lại làm Tổng thống sau khi đã phục vụ 2 nhiệm kỳ.
Người đứng đầu điện Kremlin nói rằng ý nghĩa của việc sửa đổi tài liệu này là nâng cao vai trò xã hội dân sự và các đảng chính trị.
Ngay sau đó, toàn bộ chính phủ Nga, dẫn đầu là thủ tướng đương nhiệm (cũng là cựu tổng thống Nga), ông Dmitry Medvedev, tuyên bố từ chức
Giới phân tích coi thay đổi này là sự chuẩn bị của ông Putin cho tương lai chính trị khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ tư năm 2024. Mặc dù ông Putin chưa cho biết ông dự định làm gì nhưng hiến pháp Nga cấm tổng thống giữ chức hơn hai nhiệm kỳ liên tiếp, vì vậy, ông không thể ngay lập tức tái tranh cử.
Tuy nhiên, theo các phát biểu mới nhất của ông Putin, có vẻ ông sẽ rời khỏi chức vụ tổng thống vào năm 2024, theo như quy định của hiến pháp hiện hành.
Nhiều nhà phân tích cho rằng ông Putin vẫn sẽ nắm quyền kiểm soát và chỉ đạo chính sách trong một vai trò khác. Ông có thể duy trì là người đứng đầu Hội đồng Nhà nước hoặc quay lại vị trí thủ tướng.