Thảo luận ở tổ chiều 25/5, đề cập tới nạn khai thác cát lậu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận xét, cuộc chiến chống khai thác cát bừa bãi và xuất khẩu ồ ạt đã diễn ra mười mấy năm qua, nhưng vấn nạn này chưa được ngăn chặn.
"Báo chí thông tin Việt Nam xuất khẩu sang Singapore 67 triệu m3, chưa kể khai thác cát lậu phục vụ thị trường trong nước. Đến bây giờ sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long, ở Bắc Ninh, Đồng Tháp, Đồng Nai… nhưng chưa có giải pháp rõ ràng", ông Nghĩa nói và đề nghị, Chính phủ kiểm điểm 10 năm qua ai ra chủ trương nêu trên, chủ trương đó đúng hay sai, hay chủ trương đúng mà cấp thực hiện làm sai.
"Hàng trăm triệu tấn cát, trong đó có 67 triệu m3 cát sang Singapore, lợi nhuận vào túi của ai? Người dân ở các địa phương khai thác được bao nhiêu? Tư nhân được bao nhiêu? Tư nhân đó là ai? Cái giá khai thác cát ở khắp các con sông là gì?", ông Trương Trọng Nghĩa nêu hàng loạt câu hỏi.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền đặt vấn đề về trách nhiệm của chính quyền địa phương và Bộ Giao thông vận tải - cơ quan quản lý nhà nước, khi đã cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác, nạo vét dòng chảy lòng sông, song thực tế doanh nghiệp lợi dụng "hút cát khắp nơi, thu siêu lợi nhuận".
Ông Xuyền nhận xét, quá trình xử lý nạn khai thác cát lậu vừa qua thấy rõ sự lúng túng, tắc trách và có phần chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm của các cấp quản lý; tới khi Chính phủ vào cuộc thì hậu quả đã quá nặng nề.
Trước đó, trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trình bày trước Quốc hội ngày 22/5, ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã nêu thực tế nạn cát tặc vẫn đang diễn ra với mức độ tinh vi, thách thức chính quyền, dư luận.
“Cử tri và nhân dân yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh", ông Nhân nói.
Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về khai thác cát trên phạm vi cả nước; kiên quyết xử lý các vi phạm và báo cáo kết quả tại kỳ họp Quốc hội cuối năm.