Phải cung ứng đủ than để phát điện, bảo đảm sản xuất và sinh hoạt

Tại Hội nghị về công tác cung ứng than cho sản xuất điện vừa diễn ra váo ngày 12/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trong mọi điều kiện phải cung ứng đủ than cho sản xuất điện, bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. 
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham dự có lãnh đạo Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ban lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc.

Không để thiếu điện cho phát triển

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của EVN, TKV trong việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động tìm phương án hợp tác dài hạn, bảo đảm thực hiện mục tiêu cao nhất là cung cấp đủ điện cho đời sống người dân và phát triển sản xuất.

Theo Phó Thủ tướng, điện có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa cung cấp đầu vào, vừa quyết định hoạt động của các cơ sở sản xuất và đáp ứng nhu cầu đời sống của người dân.

Nhiều năm qua, do quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu điện cho sản xuất ngày càng cao. Hiện Việt Nam có khoảng 45.000 MW nguồn điện, trong khi đó đến 2025, nhu cầu sẽ gấp đôi hiện nay, năm 2030 nhu cầu là khoảng 130.000 MW.

Tại Việt Nam, nguồn điện chính gồm thuỷ điện và nhiệt điện, trong khi đó nguồn thuỷ điện chỉ có thể đáp ứng được hơn 30% nhu cầu và cơ bản đã khai thác hết.

Do vậy, nhu cầu nhiệt điện, mà chủ yếu là nhiệt điện chạy than là rất lớn để đáp ứng phục vụ nền kinh tế.

“Trong ngắn hạn và trung hạn, chưa có nguồn điện nào có thể thay thế hiệu quả cho nhiệt điện than. Do đó phải phát triển nhiệt điện, nhưng với các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường”, Phó Thủ tướng nói.

Trong những năm qua, ngành điện đã nỗ lực hết sức mình để cung ứng đủ điện cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nguy cơ thiếu điện là rất cao trong thời gian tới nếu không quyết liệt tập trung phát triển nguồn điện, tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn điện, bảo đảm đầu vào cho sản xuất điện (nước, than, dầu, khí).

“Nếu không giải quyết tốt được việc cung ứng than, thì tình trạng thiếu điện sẽ diễn ra ngay trong năm 2018 và những năm tiếp theo”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh yêu cầu: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bằng mọi giá phải đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống của người dân”.

Theo Phó Thủ tướng, sự kiện TKV và EVN chủ động ký kết các hợp đồng cung ứng than dài hạn cho sản xuất điện khẳng định thông điệp không thiếu than cho sản xuất điện, không thiếu điện cho phát triển kinh tế.

“Sự kiện hôm nay là bước khởi đầu quan trọng trong việc ý thức cung ứng đủ các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện, khẳng định không để thiếu điện cho phát triển sản xuất và đáp ứng nhu cầu của người dân”, Phó Thủ tướng kết luận.

Phải cung ứng đủ than để phát điện, bảo đảm sản xuất và sinh hoạt ảnh 1

Các bên ký hợp đồng cung cấp than dài hạn cho sản xuất điện tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cần những giải pháp dài hạn

Để đáp ứng đủ than cho các đơn vị sản xuất, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương phê duyệt biểu đồ cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện than; xây dựng kế hoạch tổng thể về nhu cầu sử dụng than các loại, gồm than sản xuất trong nước, than nhập khẩu, bảo đảm đáp ứng nhiên liệu cho các cơ sở sản xuất, đặc biệt là đáp ứng đủ than cho các nhà máy nhiệt điện.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, EVN nghiên cứu các giải pháp sử dụng than trộn cho sản xuất điện, trên cơ sở tính toán phối trộn than trong nước và nhập khẩu bảo đảm chất lượng nhiên liệu, các yếu tố về môi trường để khắc phục việc thiếu than Antraxite của các nhà máy điện.

Yêu cầu TKV, Tổng công ty Đông Bắc cùng EVN và các hộ tiêu thụ than khác khẩn trương thỏa thuận ký hợp đồng mua bán than năm 2019 và kế hoạch mua bán than dài hạn, trung hạn và thực hiện nghiêm theo hợp đồng để đáp ứng đủ than cho sản xuất.

Về giá bán than sản xuất trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về giá; Bộ Tài chính chủ động làm việc và hướng dẫn các đơn vị sản xuất than trong nước xác định giá than theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm sản xuất kinh doanh than có hiệu quả.

Đối với than nhập khẩu, Phó Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than chịu trách nhiệm thu xếp nguồn than để cung cấp cho nhà máy theo quy định.

Tại Hội nghị, các bên đã ký hợp đồng cung cấp than dài hạn cho sản xuất điện tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình giữa TKV và EVN. Đây là Hợp đồng đầu tiên giữa các bên nhằm cung ứng đủ điện cho tất cả các nhà máy nhiệt điện.

Phải cung ứng đủ than để phát điện, bảo đảm sản xuất và sinh hoạt ảnh 2

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo số liệu của EVN, dự kiến nhu cầu điện trong tháng 12/2018 là 18,89 tỷ kWh. Trong đó, hệ thống phải huy động tối đa các nhà máy nhiệt điện than với tổng sản lượng là 10,478 tỷ kWh, cao hơn so với kế hoạch 519 triệu kWh.

Dự kiến tổng sản lượng điện của hệ thống năm 2019 là 232,5 tỷ kWh, trong đó các nhà máy nhiệt điện than là 116,23 tỷ kWh (chiếm 50%), cao hơn năm 2018 khoảng 26 tỷ kWh tương đương với 13 triệu tấn than.

Trong bối cảnh này, EVN và TKV, Tổng công ty Đông Bắc đã chủ động phối hợp để cung ứng than cho sản xuất điện.

Đến thời điểm hiện tại, TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã cung cấp được tổng cộng 20,46 triệu tấn, bằng 89% khối lượng theo hợp đồng, trong đó TKV cấp 16,22 triệu tấn, đạt 88% khối lượng hợp đồng. Tổng công ty Đông Bắc cấp 4,24 triệu tấn, đạt 93% khối lượng hợp đồng.

Theo Chính phủ
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc.
Đường sắt Việt Nam tiếp tục xảy ra sự cố tàu hoả trật bánh
(Ngày Nay) - Ngày 1/11/2024, trên tuyến đường sắt vào ga Hải Vân Nam (TP. Đà Nẵng) tiếp tục xảy ra vụ trật bánh tàu khiến 3 toa hàng lật, gây ách tắc đoạn tuyến qua đèo Hải Vân. Trước đó, đường sắt Việt Nam đã liên tiếp xảy ra nhiều sự cố tương tự, mà các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân cần xem xét về yếu tố chất lượng, niên hạn toa tàu, nhất là toa tàu hàng.