Một mẫu vật hóa thạch khủng long đã được tìm thấy ở tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc, vào năm 2017 và khiến các nhà khoa học bối rối trong việc phân loại, ông Min Wang - nhà cổ sinh vật học và là tác giả chính của nghiên cứu được công bố trong tuần này mô tả về loài khủng long mới, cho biết. Loài khủng long cánh dơi này có tên gọi gọi khoa học là Ambopteryx longibrachium.
"Nó chẳng khác gì một con chim. Không có gì cho thấy giống khủng long", ông Wang nói. "Nhưng các nghiên cứu sâu hơn cho thấy rằng trên thực tế, đây là một con khủng long therapod (khủng long chân thú) nhỏ bé với bàn chân trước và cánh có màng độc đáo".
Một mẫu vật khủng long có cánh. Ảnh: CNN |
Hóa thạch 163 triệu năm tuổi này là mẫu vật thứ hai cho thấy một con khủng long có đôi cánh giống dơi mặc dù đặc điểm này được chỉ nhìn thấy ở sóc bay, dơi và khủng long có cánh (pterosaurs).
Một loài khủng long khác có cánh giống dơi cũng được phát hiện tại Trung Quốc với tên gọi Yiqi, được phát hiện vào năm 2015 và khiến các nhà cổ sinh vật học tranh luận sôi nổi.
"Một số người không tin vào mẫu hóa thạch của loài Yiqi. Mô mềm không dễ dàng được bảo quản trong hồ sơ hóa thạch", ông Wang nói thêm.
Nhà cổ sinh vật học cho biết mô mềm đã được phát hiện trong hóa thạch của loài Ambopteryx, giúp cung cấp thêm bằng chứng cho thấy loài khủng long mới này có hình dáng giống loài dơi hiện đại.
Phác họa chi tiết về loài khủng long Ambopteryx. Ảnh: CNN |
Tuy nhiên, ông Wang nói rằng không chắc rằng con khủng long nhỏ bé, có chiều dài 32 cm và nặng khoảng 306 gram, có thể vỗ cánh bay tự do như các loài chim hay dơi hiện đại.
"Tôi cho rằng loài khủng long này chỉ có thể lượn trên không trung. Điều khiến chúng không thể đập cánh bay được là do không có xương ức", ông Wang chỉ ra.
Cả Yiqi và Ambopteryx đều thuộc về một chi khủng long nhỏ gọi là scansoriopterygids. Trung Quốc đã đi đầu trong nhiều khám phá về các loài khủng long mới nhất, đặc biệt là các hóa thạch lông vũ đã cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa khủng long và chim.
Nhiều khám phá ấn tượng nhất đã được thực hiện tại địa điểm hóa thạch nơi hóa thạch Ambopteryx được tìm thấy ở tỉnh Liêu Ninh.
Tại đây, 100 triệu năm trước, khủng long đã chết hàng loạt, sau một loạt các vụ phun trào núi lửa khổng lồ, để lại một kho tàng hóa thạch được bảo tồn với mức độ chi tiết chưa từng thấy.
Ông Wang nói rằng đôi cánh giống dơi có khả năng "là một thí nghiệm tiến hóa thất bại" để sau này các loài khủng long bay khác tiến hóa sang đôi cánh có lông vũ.
"Cho đến nay, tất cả các loài khủng long cánh dơi được biết đến có xuất xứ từ cuối kỷ Jura - cấu trúc cánh có màng độc đáo này đã không tồn tại trong kỷ Phấn trắng. Tôi hy vọng chúng ta có thể tìm thấy nhiều hơn những mẫu vật khủng long này để tìm hiểu về quá trình chuyển đổi thành chim của loài khủng long", ông Wang nói.