Lời rao bán son Louboutin nhái "loại 1" trên Facebook. Một thỏi Louboutin thật có giá khoảng hơn 2 triệu đồng. Ảnh: Internet.
“Con bé đó đi SH, xem hàng kỹ lắm, lại ra vẻ kênh kiệu biết tuốt với tao nữa, thật đáng đời”- Cô bạn tôi đã vui vẻ nói vậy sau khi thanh lý thành công một hộp phấn nước (dĩ nhiên) giả mạo.
Trước đó hai ngày, nó còn đang bận… rủa xả thân nhân ba đời chị gái bán hộp phấn nước có nhãn hiệu nổi tiếng– vốn được người quen đảm bảo 99% về độ uy tín – bằng đủ món chửi “đặc sản”. Trước đó một ngày nữa thì nó đang bận sung sướng cười vào mặt tôi vì “lỡ” mua hộp phấn giống y hệt với giá gấp đôi.
Thật không may, khi 1% rủi ro ít ỏi của phần uy tín lớn lao không rơi vào người mua trước hay người mua sau mà lại đáp trúng ví tiền của nó.
Tuy vậy, nó đã mau chóng lấy lại tinh thần sau cú sốc đầu đời, đăng tin thanh lý hộp phấn lên rất nhiều group bán hàng trên Facebook. Chẳng ngạc nhiên khi nó được cả tá người nhắn tin hỏi mua nhờ những lời lẽ mùi mẫn sặc mùi quảng cáo: “Phấn nước X đã quá nổi tiếng về độ che phủ, kiềm dầu”, “Hàng chính hãng 100% do người nhà xách tay từ Hàn Quốc về”, “Mình mới đánh thử một lần nhưng không hợp, muốn để lại cho bạn nào quan tâm với giá cực kỳ hạt rẻ”…
Sau đó, tôi không thấy cô gái “đi SH, lại ra vẻ kênh kiệu” ấy gọi điện đòi trả lại sản phẩm hay chửi mắng bạn tôi bán hàng nhái. Có lẽ do cô ấy không bị dị ứng với hộp phấn đó hoặc do cô ấy… không gọi nổi, vì bạn tôi dùng sim rác để bán hàng.
Thế giới của phụ nữ luôn là một thế giới đầy kỳ bí mà đàn ông không bao giờ hiểu được. Một phần của thế giới đó được tạo nên từ những vật dụng làm đẹp: son dưỡng, son màu, kem nền, phấn phủ, bút sáp kẻ mắt, eye liner, sơn móng tay…
Làm đẹp bằng mỹ phẩm là nhu cầu bản năng của phụ nữ. Song, các tín đồ mỹ phẩm, beauty blogger nổi tiếng luôn đau đáu một câu hỏi: Tại sao không ít chị em vẫn bất chấp tất cả sa chân vào vũng lầy mỹ phẩm trôi nổi, kém chất lượng?
Đã qua rồi cái thời kỳ phụ nữ Việt còn tin tưởng vào mỹ phẩm bày tràn lan ngoài chợ; trừ các thương hiệu nội địa đi cùng năm tháng như Thorakao, Lana… Ngày càng hiếm người ra chợ chọn đại mỹ phẩm để dưỡng da hay trang điểm nhân dịp lễ tết, cưới hỏi…
Hầu như ai cũng biết một thỏi son Tom Ford, Givenchy, YSL… không bao giờ có chuyện “giảm giá kịch sàn” xuống còn hơn trăm ngàn tiền Việt; một hộp phấn nước không thể có mùi hắc như phấn viết bảng…
Kịch liệt lên án lương tâm, trách nhiệm của người bán mỹ phẩm nhái, kém chất lượng là chuyện nên làm, nhưng song song đó, cần phải hỏi lại những người mua xem họ có hài lòng với mỹ phẩm giả hay không? Vì cảm giác rút một thỏi son hàng hiệu (phải soi kỹ mới biết là nhái) quẹt lên môi trước mặt bao người rõ ràng “phấn khích” hơn việc len lén mở nắp thỏi son phổ thông rẻ tiền.
“Thuận mua vừa bán thôi, với cái giá ấy thì đào đâu ra hàng xịn”- một người bán son xách tay online đã hững hờ nói như vậy đấy.
Đâu phải phụ nữ ngày nay xài mỹ phẩm giả đều vì thiếu hiểu biết. Muốn xài mỹ phẩm hàng hiệu, nổi tiếng nhưng lại tiếc tiền – tôi nghĩ mâu thuẫn này mới là nguyên nhân chính khiến phụ nữ hiện đại nhắm mắt đặt mua một món mỹ phẩm mà họ thừa biết là giả!
Diên Anh
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả