Chiều 21/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS). Cùng dự có đại diện một số bộ, ngành liên quan, đại diện Hội Điện ảnh Việt Nam, một số văn nghệ sĩ, chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam.
Phó thủ tướng cho thấy sự quan tâm sâu sát với vấn đề Hãng Phim truyện Việt Nam. Ảnh: Vietnamnet |
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Huỳnh Vĩnh Ái báo cáo lại toàn bộ quá trình tiến hành cổ phần hóa VFS được bắt đầu từ khi có các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương tái cơ cấu, sắp xếp lại các DN trực thuộc Bộ. Phương án cổ phần hóa được thực hiện công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định pháp luật và được 100% cán bộ, văn nghệ sĩ của VFS thống nhất.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ VHTTDL cho biết, trong quá trình cổ phần hóa, những vấn đề liên quan đến xác định giá trị DN đã nhận được nhiều ý kiến của các văn nghệ sĩ.
Đại diện các văn nghệ sĩ đều bày tỏ sự đồng tình với chủ trương cổ phần hóa VFS để tập trung vào sản xuất, nâng cao đời sống của nghệ sĩ, xứng đáng là hãng phim“đầu đàn" của điện ảnh Việt Nam nhưng nêu ra một số vấn đề trong quá trình cổ phần hóa và định hướng phát triển.
Theo những chia sẻ từ Hội Điện ảnh Việt Nam, những điểm khiến nghệ sĩ bức xúc trong thời gian vừa qua là từ khi cổ phần hoá hãng phim, các nghệ sĩ không được làm phim, bị buộc đi ở cổng sau của Hãng thay vì cổng chính.
Thêm vào đó nhiều phòng ban bị sáp nhập lại để lấy mặt bằng. Nhiều nghệ sĩ không được trả lương hoặc chỉ nhận mức lương bèo bọt. Tính minh bạch trong cổ phần hoá, thương hiệu của Hãng bị định giá 0 đồng, cổ phần của Nhà nước ít vô hình chung tiếng nói của nghệ sĩ sẽ bị thấp, gần như không có tiếng nói. Tổ giúp việc sau khi cổ phần để tư vấn về công việc phim ảnh lại không có nghệ sĩ tham gia.
Ông Nguyễn Thuỷ Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Vận tải thuỷ (chủ sở hữu mới của Hãng phim truyện Việt Nam) vẫn khẳng định việc sửa sang lại nhà xưởng tại số 4 Thụy Khuê là để phục vụ sản xuất phim, hoàn toàn không có chuyện cho thuê mặt bằng. Ông Thuỷ Nguyên cho rằng, vì là doanh nghiệp nên ông sẽ làm đúng như Luật Lao động.
Cuối buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận rằng, để giải toả những bức xúc trong thời gian vừa qua của dư luận và nghệ sĩ thì phải minh bạch. Phó Thủ tướng yêu cầu cho thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hoá.
Tổng hợp