Ngày 23/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Phó Thủ tướng cũng tham dự cuộc họp có chuyên gia, các nhà khoa học của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam.
Các chuyên gia, nhà khoa học của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, và các Toán học, Hội Sinh học, Hội Địa lý, Hội Sử học, Hội Vật lý, Hội hóa học… đã cùng nhau thảo luận cùng đóng góp những ý kiến cho Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết, các bước thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo Nghị quyết của Quốc hội đang được thực hiện khẩn trương.
Mặc dù tới nay kinh phí cho đề án còn chưa được cấp nhưng để đảm bảo tiến độ, Bộ GD-ĐT đã chủ động các hoạt động chuẩn bị.
Phó Thủ tướng đã được nghe những đóng góp nhiều ý kiến rất thẳng thắn, xây dựng về đổi mới GD-ĐT.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi cùng lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các chuyên gia, nhà khoa học.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng đổi mới giáo dục là việc rất hệ trọng, nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, chuyên gia, và đông đảo người dân cũng như toàn xã hội. Vì vậy việc xây dựng chương trình, biên soạn SGK mới cần phải tuân thủ theo đúng quy trình trước, sau rất bài bản, có thứ tự ưu tiên và cần được tuyên truyền giải thích, chuẩn bị kỹ lưỡng… tránh tạo cảm giác theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ” .
GS. Nguyễn Minh Thuyết góp ý: “Vấn đề chủ yếu là cách làm, bên cạnh đó việc lấy ý kiến phải có cơ chế chính thức làm việc chuyên môn với các hội khoa học.
Các ý kiến đều ghi nhận những nỗ lực của ngành GD-ĐT đã triển khai trong thời gian qua, đặc biệt trong điều kiện chưa được bố trí kinh phí thực hiện Đề án đổi mới chương trình, SGK.
Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến góp ý chân thành cần với Bộ là nên thể hiện dân chủ, cầu thị hơn nữa trong tiếp thu các ý kiến đóng góp, phản biện từ các nhà khoa học, chuyên gia.
Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục THPT cho biết: “Trước đây mỗi môn xây dựng chương trình riêng nên không tận dụng được kiến thức liên môn thì nay với việc xây dựng chương trình mới chúng ta sẽ tận dụng được ưu thế này. Trong quá trình giảng dạy tổ hợp thì từng môn vẫn do từng giáo viên giảng dạy, còn phần chuyên đề chung sẽ sử dụng kiến thức liên môn, được phân công cụ thể cho mỗi giáo viên”.
Khái niệm “tích hợp mức độ thấp” cũng được các chuyên gia và đại diện Bộ giáo dục làm rõ thực chất là tổ hợp nếu dịch đúng theo ngôn ngữ tiếng nước ngoài (tiếng anh là combination), phân biệt với “tích hợp” theo đúng nghĩa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Cần cải tiến cách lấy ý kiến, trong đó quan trọng là huy động các Hội khoa học, các chuyên gia tham gia nghiên cứu, góp ý, phản biện thông qua các cơ chế có tính gắn kết trách nhiệm với đảm bảo điều kiện thực hiện. Đặc biệt cần trao đổi, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để đi đến thống nhất giải pháp đúng đắn, có lợi nhất”.
Phó Thủ tướng cũng “đặt hàng” Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam góp ý, tham gia vào dự thảo Cơ cấu Hệ thống GDQG và Khung trình độ QG mà Bộ đang hoàn thiện để trình Thủ tướng ban hành.
Hải Anh (TH)