Cụ thể, bài viết được đăng tải trên tờ Nhật báo Quân Giải phóng Nhân dân hồi đầu tuần này khẳng định quân đội Trung Quốc sẽ tuân theo sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện các nhiệm vụ được giao, bất kể khó khăn và nguy hiểm đến mức nào.
Bài báo nhấn mạnh rằng Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cơ quan do ông Tập Cận Bình làm chủ tịch, có trách nhiệm chỉ đạo tổng thể và quân đội phải tuân theo quyết định của cơ quan này mọi lúc.
Thông điệp mạnh mẽ này được phát ra trong bối cảnh quân đội Trung Quốc vừa trải qua một đợt phô trương sức mạnh tại khu vực eo biển Đài Loan. Chính quyền Bắc Kinh coi hòn đảo này là một phần của đại lục và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để tái thống nhất lãnh thổ.
Chủ nhật tuần trước, Tổng thống Joe Biden một lần nữa cho biết quân đội Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu xảy ra chiến tranh. Quân đội Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh các cuộc tập trận quanh Đài Loan sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Bắc hồi tháng trước.
Bài báo mới được đăng tải cũng kêu gọi binh sĩ Trung Quốc chấp nhận bất cứ rủi ro và thách thức nào và nên kiên quyết làm những gì mà Đảng yêu cầu, cũng như kiên quyết từ chối làm những gì mà Đảng không cho phép.
Dựa trên nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội, tác giả bài viết nói rằng lịch sử cho thấy việc chủ tịch Quân ủy Trung ương nắm giữ quyền lực tối cao đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng chính trị.
Bài báo cũng chỉ ra những thách thức tư tưởng phức tạp cho quân đội tại thời điểm thay đổi sâu sắc trong cả môi trường bên trong và bên ngoài. Đã có những lời bàn tán về việc phi chính trị hóa quân đội Trung Quốc và thậm chí cố gắng tách quân đội khỏi sự kiểm soát của Đảng.
"Đảng lãnh đạo quân đội là một hệ thống không thể lay chuyển, đóng vai trò quan trọng và không thể thay thế trong việc đảm bảo sự quản lý lâu dài và ổn định chính trị của Đảng", tác giả nhấn mạnh.
Đáng chú ý, tác giả bài viết đã nêu tên một số tướng lĩnh hàng đầu bị kết án trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập vì cố gắng làm suy yếu quyền lực và thẩm quyền của chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Cụ thể, Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu, hai nhân vật từng đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, bị cho là đã làm suy yếu vai trò của Quân ủy trước khi tình thế được khôi phục sau chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
"Chủ tịch Quân ủy Trung ương - một cơ chế ở cấp bộ chỉ huy trung ương đem đến tiếng nói sau cuối của lãnh đạo về các vấn đề lớn bao gồm nhân sự, cơ quan của quân đội và tất cả các đơn vị làm việc khác - là hệ thống cơ bản để đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với quân đội" bài báo nhấn mạnh.
Bài viết dài 6.800 từ trên tờ Nhật báo Quân Giải phóng Nhân dân nhắc lại tầm quan trọng của hệ thống chủ tịch Quân ủy Trung ương gần 30 lần và kêu gọi lòng trung thành tuyệt đối đối với ông Tập.
Ông Ni Lexiong, giáo sư của Đại học Khoa học và Luật chính trị Thượng Hải, cho biết: không có mâu thuẫn giữa sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội Trung Quốc và hệ thống chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Một chuyên gia luật quân sự của Trung Quốc cho biết bài báo cũng là một thông điệp cho công chúng rằng hệ thống chủ tịch Quân ủy Trung ương nhằm mục đích ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực quân sự của các cá nhân.