Tính đến ngày 1/9, các bệnh viện tại Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai đã tiếp nhận trên 20 bệnh nhân có các dấu hiệu yếu cơ, khó thở, nói khó, mệt mỏi... do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn Pate Minh Chaynhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum type B của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới. Một sự cố nghiêm trọng liên quan đến an tòn thực phẩm mà mấy chục năm qua mới xảy ra.
Nhưng mọi việc vẫn có thể chưa dừng lại vì vẫn còn hàng ngàn khách hàng, hàng ngàn sản phẩm Pate Minh chay còn trong cộng đồng. Đáng lo ngại là sức khoẻ của gần chục nạn nhân vẫn đang trong tình trạng chưa ổn định và phục hồi rất chậm.
Được biết, vụ việc đã được chuyển sang cơ quan điều tra làm rõ… đồng thời, cơ quan chức năng cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính ban đầu với doanh nghiệp Lối Sống Mới … số tiền 17,5 triệu đồng.
Vấn đề không nằm ở số tiền phạt này chỉ như “gãi ngứa” mà nó còn là kết quả của đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra và phát hiện lỗi vi phạm của cơ sở này sau khi đã xảy ra sự cố. Tức là sai phạm phát hiện ra sau khi mọi chuyện đã rồi.
Vì thế, cả hai phương án trên không làm vơi đi nỗi lo ngại của người dân về việc đảm bảo an toàn thực phẩm.
Người dân lo ngại là chính đáng và xác đáng. Bởi, khi hành vi sai phạm chỉ biết phạt, phạt nhẹ hều. Và nhất là “hàng rào kỹ thuật” mà các nhà quản lý dựng lên cho công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm có thực là chất lượng, hiệu quả?. Có hay không việc “duy ý chí”, chủ quan … trong bối cảnh “vàng thau lẫn lộn”?
Khi mà tính tự giác, sự coi trọng đạo đức kinh doanh, tuân thủ pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp còn chưa chiếm tỷ lệ cao. Khi mà hạ tầng cơ sở, dây chuyền sản xuất, ý thức người lao động còn ở giai đoạn “đang phát triển”. Khi mà thương hiệu của doanh nghiệp, của sản phẩm doanh nghiệp, còn chưa tới mức sinh mệnh của nhà sản xuất vì… dẹp chỗ này, mọc chỗ kia thì việc “Trông chờ vào ý thức, tự giác của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng có thể xem là… tội ác”. Bởi, sản phẩm, thực phẩm không an toàn, kém chất lượng, hàng giả… không chỉ khiến cho nền kinh tế bị méo mó mà còn làm tổn hại tới sức khoẻ người dân.
Trước những bất cập, người tiêu dùng luôn thiệt thòi nhất... |
Tôi còn nhớ, đầu tháng 8, khi vụ Pate Minh Chay còn chưa bị phát hiện, thì một vụ việc ầm ĩ không kém đó là việc phương tiện truyền thông, mạng xã hội đăng tải thông tin của nhiều “lương y”, chuyên gia công bố về sản phẩm trà thảo mộc của công ty T.H.P có thể chữa cả Covid-19.
Khi dịch Covid-19 đang diễn biến phưc tạp. Thế giới ghi nhận hàng chục triệu người mắc, hàng trăm ngàn người tử vong. Cả thế giới đang dồn bao nhiêu trí và lực để tìm ra thuốc, vaccine điều trị mà chưa có kết quả. Tại Việt Nam đến nay đã có trên 1000 ca mắc và hơn 30 trường hợp tử vong. Mà một doanh nghiệp thực phẩm, cùng một số nhà mượn danh “khoa học” lại ngang nhiên tuyên truyền sản phẩm đồ uống có khả năng chữa, ngăn ngừa Covid-19 thì đúng là “coi trời bằng vung”.
Thế nhưng, đến nay thì kết quả là… “huề cả làng”. Không phạt, không nhắc đến, tất cả dường như rơi vào im lặng, sự im lặng rất đáng sợ. Đấy là doanh nghiệp ngàn tỷ mà còn vậy thì sao các doanh nghiệp khác không dám làm theo?.
Vậy mà, cơ quan làm luật, quản lý thực phẩm, mỹ phẩm lâu nay đã khoác lên khẩu hiệu “cởi trói” cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm, mỹ phẩm được chủ động tự đăng ký, kê khai, công bố chỉ tiêu, chất lượng… cho sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng theo kiểu “tự giác, tự chịu trách nhiệm”.
Theo đó, nếu là cơ sở sản xuất kinh doanh thì sau khi hoàn tất cơ sở hạ tầng, nhân sự và các điều kiện khác liên quan đến ngành nghề... thì sẽ được cơ quan chức năng thẩm định, đánh giá. Nếu đủ điều kiện thì cấp phép. Đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thì doanh nghiệp tự công bố, đánh giá chất lượng và chịu trách nhiệm với thông tin mà doanh nghiệp công bố. Sau đó, cơ quan quản lý sẽ hậu kiểm đánh giá cấp phép… đồng thời sẽ có quá trình hậu kiểm chất lượng (có hậu kiểm hay không, hậu kiểm thế nào thì bàn sau). Đơn giản như thế là các sản phẩm đã có thể… tới tay người tiêu dùng.
Thử tính, cả nước có tới hàng trăm ngàn cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cũng như hàng trăm ngàn sản phẩm khác nhau… vậy thì công tác hậu kiểm về điều kiện tiêu chí cơ sở cũng như các vấn đề về chất lượng sản phẩm mà doanh nghiệp công bố sẽ thế nào?. Cục An toàn Thự phẩm, Bộ Y Tế có thể cho người dân biết rằng mỗi năm hậu kiểm được bao nhiêu sản phẩm, bao nhiêu doanh nghiệp và tỷ lệ sai phạm ra sao cho người dân được rõ hay không?. Đấy là tôi chưa “mở rộng” vấn đề là thực chất của công tác kiểm tra, giám sát hậu kiểm ra sao, có sự “bôi trơn” như dư luận đồn thổi không?.
Vì vậy, nếu ai đó cho rằng, việc chuyển giao quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm cho doanh nghiệp để “chia lửa”, giải phóng áp lực công việc cho cơ quan quản lý là việc cần làm thì … tôi nghĩ đó là điều kiện cần, nhưng chưa kèm theo điều kiện… đủ. Chưa đủ vì còn một đối tượng cực kỳ quan trọng mà người ta chưa nhắc tới, đó là khách hàng, người tiêu dùng.
Dù biết rằng, khó có một mô hình nào để “hài hoà” quyền lợi và trách nhiệm của 3 bên: doanh nghiệp - nhà quản lý - người tiêu dùng. Nhưng, khó không có nghĩa là nhà quản lý cho phép mình chủ quan, duy ý chí, “nắm dao đằng lưỡi” trong việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay. Bởi với cách làm hiện nay của các cơ quan quản lý, trông chờ vào doanh nghiệp tự giác thì quá xa vời.