Với mục đích theo dõi và thông báo các chỉ số ô nhiễm môi trường tại một trong những cửa ngõ quan trọng của Thủ đô, trạm quan trắc không khí Nam Thăng Long đã được đầu tư tiền tỷ.
Ngừng hoạt động và bị xâm lấn
Trạm quan trắc này nằm trong khuôn viên của Trung tâm quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội (thuộc Sở TN&MT) tại số 36A đường Phạm Văn Đồng. Theo cán bộ ở đây, nó được đưa vào sử dụng từ năm 2002. Đến năm 2010, nhiều thiết bị bắt đầu hỏng hóc. Tấm bảng điện tử thông báo chỉ số môi trường không khí đã ngừng hoạt động từ lâu. “Đơn vị cũng đã mời chuyên gia nước ngoài về sửa chữa vài lần, nhưng cũng không thể hoạt động tốt. Hơn nữa vì công nghệ thay đổi, các nhà sản xuất không sản xuất thêm các thiết bị cũ nên đã không có để thay thế, sửa chữa”, vị cán bộ nói.
Năm 2012, Sở TN&MT Hà Nội lập “Đề án quy hoạch mạng lưới quan trắc cố định”. UBND thành phố Hà Nội cũng đã phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới quan trắc không khí đến năm 2020”. Song đến nay, đề án cũng chưa được triển khai mà một trong những lý do chính là thiếu kinh phí.
Cùng chung tình cảnh với trạm quan trắc Nam Thăng Long là nhiều trạm quan trắc khác. Trạm quan trắc phía Tây Nam đặt ở khu giảng đường 5 tầng của ĐH Khoa học Tự nhiên hay trạm quan trắc phía Nam được đặt trên nóc nhà của Viện Khoa học kỹ thuật môi trường cũng gần như đã bị “bỏ quên” từ lâu.
Tấm bảng điện tử- một dự án tiền tỷ hoành tráng để thông báo tình trạng tai nạn giao thông và môi trường không khí Hà Nội đặt tại ngã tư Kim Mã-Nguyễn Chí Thanh cũng đã ngừng hoạt động từ lâu. Vào thời điểm bảng điện tử này mới đi vào hoạt động, cơ quan chức năng Hà Nội kỳ vọng những thông tin hằng ngày trên bảng điện tử này sẽ cho biết tình hình môi trường không khí với các chỉ số ô nhiễm không khí - môi trường do các trạm quan trắc cung cấp.
Trạm quan trắc 556 Nguyễn Văn Cừ còn hoạt động nhưng bị xâm lấn. Ảnh: Như Ý. |
Một trong số các trạm quan trắc không khí hiếm hoi đang còn hoạt động được đặt tại số 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) lại rơi vào tình trạng bị xâm lấn, ảnh hưởng đến kết quả quan trắc. Đây là trạm do Tổng cục Môi trường (Bộ TN& MT) quản lý, nhưng mới đây đơn vị này đã phải làm văn bản “kêu cứu” với UBND thành phố Hà Nội khi nó đang bị xâm lấn. Cụ thể, Tổng cục Môi trường đề nghị Hà Nội thực hiện cắt tỉa cây và di dời trạm dừng chờ xe buýt để không làm ảnh hưởng và đảm bảo cho trạm quan trắc môi trường không khí tự động tại số 556 đường Nguyễn Văn Cừ hoạt động ổn định, cung cấp số liệu quan trắc chính xác, kịp thời.
Lắp nhiều trạm quan trắc mới
Theo thiết kế, các trạm quan trắc không khí này hoạt động hoàn toàn tự động 24/24 giờ. Hằng ngày, các trạm đo hướng gió, tốc độ gió, lượng mưa, bụi, ozon, chất lượng không khí… Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, số liệu quan trắc từ các trạm này chưa phát huy được mục đích đề ra ban đầu, lý do đơn giản là hệ thống hoạt động của các trạm thường xuyên gặp trục trặc. “Trước đây mỗi trạm quan trắc không khí này được đầu tư khoảng 3 tỷ đồng với các trang thiết bị nhập ngoại. Từ năm 2004-2005, một số trạm quan trắc này được giao cho Sở TN&MT Hà Nội quản lý”, vị cán bộ Sở TN&MT nói.
Sương mù bao phủ TPHCM ngày 12/10. Ảnh: VNN. |
Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho hay, thành phố Hà Nội hiện có 6 trạm quan trắc không khí cố định, trong đó có 4 trạm do Trung ương quản lý (2 trạm do Tổng cục Môi trường quản lý; 2 trạm do Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn và môi trường quốc gia quản lý). Còn 2 trạm do Sở TN&MT Hà Nội quản lý, nhưng đến nay chỉ còn 2 trạm quan trắc do Trung ương quản lý là còn hoạt động. Đó là trạm tại 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) và trạm tại số 8 Pháo Đài Láng (quận Đống Đa).
Vị này cho biết, Hà Nội cũng đã đầu tư xe quan trắc không khí lưu động và trạm quan trắc nước thải tự động tại các khu xử lý chất thải rắn tập trung của thành phố. Hiện đang tiến hành các thủ tục tiếp nhận 20 trạm quan trắc không khí tự động cố định do Pháp tài trợ gồm: 2 trạm quan trắc môi trường nền, 9 trạm quan trắc tại các điểm nút giao thông có mật độ giao thông lớn và 9 trạm đặt tại các khu đô thị tập trung đông dân cư…
“Lắp đặt hàng loạt trạm quan trắc không khí là để kiểm soát và có cảnh báo về tình trạng chất lượng không khí là trên địa bàn. Để đảm bảo hiệu quả quản lý, vận hành, khai thác số liệu quan trắc từ trạm quan trắc không khí tự động, Sở cũng nghiên cứu đề xuất theo hướng thuê máy chủ của tập đoàn viễn thông có uy tín, đủ năng lực để vận hành trung tâm điều hành và xây dựng bộ máy nhân sự thực hiện quản lý và xử lý số liệu quan trắc không khí”, lãnh đạo Sở TN&MT cho biết.
TPHCM cần khoảng 500 tỷ đồng để quan trắc môi trường
Sở TN&MT TPHCM mới đây đề xuất UBND TPHCM về việc đầu tư xây dựng dự án 27 trạm quan trắc tự động và 225 trạm bán tự động để ghi nhận chính xác số liệu ô nhiễm trên địa bàn thành phố. Dự án này dự kiến được xây dựng kéo dài đến năm 2020 với kinh phí khoảng 495 tỷ đồng.
Hệ thống các trạm này sẽ được dùng để quan trắc các dữ liệu ô nhiễm nguồn nước (kể cả nước ngầm) và không khí một cách chính xác nhằm giúp TPHCM đưa ra các giải pháp giảm tải ô nhiễm.
Ngoài dự án trên, năm 2016 – 2017, Chi cục Bảo vệ môi trường triển khai lập dự án đầu tư trung tâm quan trắc và phân tích môi trường với mức đầu tư 78 tỷ đồng.
Văn Minh
Không có tiền vận hành, đầu tư thành lãng phí
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, tình trạng chung của các trạm quan trắc không khí ở Việt Nam nhiều năm nay là đầu tư xong thiếu kinh phí vận hành nên hoạt động ngắc ngoải, cầm chừng. Số liệu quan trắc thu về bập bõm, gián đoạn, hiệu quả thấp.
TS Tùng cho biết ở Hà Nội từng được đầu tư một số trạm quan trắc môi trường không khí. Tuy nhiên, mấy năm nay, chỉ có trạm quan trắc không khí tự động của Tổng cục Môi trường ở 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên là hoạt động.
Ở TPHCM tình trạng còn thê thảm hơn. 9 trạm quan trắc không khí tự động của thành phố này không còn hoạt động nhiều năm nay do thiếu kinh phí vận hành. Các trạm quan trắc ở các địa phương khác như Đà Nẵng cũng trong tình trạng hoạt động cầm chừng.
Lý do các trạm quan trắc hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động, theo ông Tùng, là do chưa có cơ chế tài chính phù hợp với hoạt động quan trắc ở Việt Nam. Để duy trì hoạt động của trạm quan trắc không khí cần kinh phí khoảng một tỷ đồng một năm cho vận hành, duy tu, bảo trì, sửa chữa… Tuy nhiên, do cơ chế tài chính chưa phù hợp nên ít trạm quan trắc có kinh phí hoạt động thường xuyên, ổn định, ngay như trạm quan trắc Nguyễn Văn Cừ đang hoạt động cũng không được cấp kinh phí đầy đủ, phải cầm cự hoạt động.
TS Tùng cho rằng, việc thiết lập hệ thống quan trắc là vô cùng cần thiết và cấp bách trong bối cảnh ô nhiễm không khí hiện nay. Với Hà Nội, cần ít nhất 10 trạm quan trắc không khí tự động. Tuy nhiên, theo ông Tùng, một khi đã đầu tư, cần phải có cơ chế tài chính phù hợp, đảm bảo chi phí vận hành, duy tu, sửa chữa các trạm quan trắc thì mới đạt hiệu quả.
Nguyễn Hoài