Triển lãm “Quê hương” của NSND Trà Giang khai mạc vào lúc 17h30, ngày 20/10/2024 tại Maii Art Space (72/7 Trần Quốc Toản, P8, Q3, TP.HCM) kéo dài đến hết ngày 30/10/2024.
NSND Trà Giang |
Trong thời gian diễn ra triển lãm sẽ trình chiếu bộ phim tài liệu “Dòng sông ký ức” (đạo diễn Nguyễn Thước). “Dòng sông ký ức” là bộ phim tài liệu mới nhất về NSND Trà Giang vừa được trình chiếu tại Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 14 tại TP HCM vào 7/9 vừa qua.
NSND Trà Giang trở thành “người đàn bà vẽ” vào khoảng đầu năm 1999, từ một ngẫu duyên tình cờ. Nhưng vào cuối năm 1999, khi chồng bà – GS Nguyễn Bích Ngọc qua đời, thì hội họa gần như là một sự lựa chọn cho sự an trú tinh thần.
Từ một diễn viên tập vẽ và học vẽ đàng hoàng ở Hội Mỹ thuật TPHCM, NSND Trà Giang mượn sắc màu để nguôi ngoai nỗi lòng mình. Sau gần 30 năm tìm niềm vui trong hội họa, NSND Trà Giang dần thành một họa sĩ thực thụ. Từ đó đến nay, bà vẽ khá nhiều, tham gia nhiều triển lãm chung và riêng. Trong đó có những triển lãm cá nhân đầy ấn tượng, như: “Hè về” (2006), “Mùa Xuân” (2016,) “Đi qua miền Tây Bắc” (2018)…
Tác phẩm Bến đợi của NSND Trà Giang |
Triển lãm “Quê hương” lần này trưng bày 25 bức sơn dầu nhiều kích cỡ, được tuyển lựa từ những sáng tác mới nhất của NSND Trà Giang trong những năm gần đây. Vẫn là hoa và phong cảnh, nhưng không đơn thuần là cảnh trí, mà giăng mắc tâm trạng. Sắc màu không đơn thuần trên bề mặt mà chuyển động cùng sắc thái nội tâm. Và trên phong cảnh đó thấp thoáng phận người, những con người vô danh, nhỏ bé.
Tiến sĩ Mã Thanh Cao – nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, nhận xét: “NSND Trà Giang là người tự học hội họa, nhưng tâm hồn thánh thiện nhân hậu, hiện ra rõ trong từng bức tranh. Chọn đề tài phong cảnh, hoa lá, theo tôi là điều rất hợp với NSND Trà Giang, vì nó như liều thuốc, và giúp cô được thư giãn, được vui sống trong cuộc đời một cách đúng nghĩa. Từ triển lãm chung của nhóm “Hương cỏ” (khoảng thời gian từ 2001 – 2009) đến triển lãm cá nhân (từ 2016 đến nay) thì NSND Trà Giang “lên tay” rất nhiều. Theo tôi, điều đó cũng thật dễ hiểu vì NSND Trà Giang chịu khó nghiên cứu, đọc nhiều và xem nhiều, quan trọng hơn là đam mê rất lớn. Không phải họa sĩ tự học nào cũng có khả năng tự hoàn thiện như NSND Trà Giang. Vẽ phong cảnh, hoa lá, tưởng dễ nhưng thật ra không dễ vì nếu không có kỹ thuật cao thì không thể hiện được không khí hoa cỏ nhẹ nhàng. Muốn biểu đạt cái nhẹ nhàng thì hình họa chắc hơn, màu sắc phải chắc hơn”.
Tác phẩm Vũng Rô – Xanh của NSND Trà Giang |
Còn theo nhà văn Trần Nhã Thụy, người kết nối, tổ chức triển lãm “Quê hương”, thì: “Ở tuổi 82, NSND Trà Giang vẫn duy trì lối sống giản dị trong sinh hoạt hằng ngày, cũng như trong các mối quan hệ với đồng nghiệp và xã hội. Không sử dụng mạng xã hội, không giao dịch mua sắm chuyển khoản, bà ngại những cuộc trò chuyện phỏng vấn qua điện thoại… Sống có phần khép kín nhưng không khắt khe, trái lại nhẹ nhàng và vui vẻ. Ở tuổi 82, nhưng NSND Trà Giang vẫn duy trì sự thanh thoát và mẫn tiệp, bởi con người bà dường như không có quá nhiều tạp niệm và tham vọng, không bị cuốn vào những thứ “tham sân si”, không bị hào quang của quá khứ thành gánh nặng… NSND Trà Giang dành phần lớn thời gian để sống như một người bình thường và vẽ. Thoạt đầu, bà vẽ như là “thu hoạch” sau mỗi chuyến đi, nhưng dần dà về sau thì đó là những cảm nghiệm về không gian và sắc màu. Cũng khung cảnh đó, nhưng sắc màu nhuốm tâm trạng nhiều hơn bằng mắt nhìn. Kỹ thuật vẽ của NSND Trà Giang cũng “lên tay” rất nhiều. Đến bây giờ, theo cá nhân tôi, hoàn toàn có thể gọi NSND Trà Giang là họa sĩ”.
Tác phẩm Bến bình yên của NSND Trà Giang |
Tác phẩm Bình yên của NSND Trà Giang |
Trong dịp này, nghệ sĩ piano Bích Trà – con gái duy nhất của NSND Trà Giang cũng từ nước ngoài về tham dự khai mạc triển lãm của mẹ, phối hợp tham gia biểu diễn “Đêm nhạc Tchaikovsky & Beethoven”, do Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TPHCM tổ chức vào 20h các ngày 26 – 27/10 tại Nhà hát TPHCM.
NSND Trà Giang biểu tượng đẹp đẽ bậc nhất của điện ảnh Việt Nam
“Thực sự là từ thời thơ ấu, khi 10 tuổi, tôi đã đi theo đoàn phim của bố tôi - đạo diễn Hải Ninh với bộ phim “Vĩ tuyến ngày 17 ngày và đêm”. Đó không phải là một sự ưu ái, mà do đang mùa hè, nghỉ học, không có ai trông nom nên chúng tôi phải theo bố, vừa chơi vừa phụ việc lặt vặt. Hình ảnh một cô gái đẹp (NSND Trà Giang) mà không hiểu sao bị đánh đập tan nát, cứ gieo vào tôi một sự mơ hồ về con đường điện ảnh. Tiếc là, về sau này khi trở thành đạo diễn thì tôi không có một cơ hội nào để hợp tác với NSND Trà Giang. Nếu như NSND Trà Giang từng là diễn viên trong phim của bố tôi, mà lại xuất hiện trong phim của tôi nữa thì không gì tuyệt bằng.
Với tôi thì NSND Trà Giang vẫn mãi là biểu tượng về mọi mặt: tài năng, nhan sắc, nhân cách…; một biểu tượng đẹp đẽ bậc nhất của điện ảnh VN.
Về sự lựa chọn chọn hội họa của NSND Trà Giang, theo tôi là sự lựa chọn của số phận.
Thực sự là hồi nhỏ tôi cũng từng được bố cho học vẽ, cũng từng học vẽ thầy Phạm Viết Song (trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương), học đại học kiến trúc trước khi học đạo diễn, nên rất gần gũi với NSND Trà Giang trong câu chuyện hội họa.
Những bức tranh đầu tiên thì NSND Trà Giang tặng bố tôi, về sau thì tặng tôi và tôi cũng có mua và giới thiệu cho bạn bè mua nữa. Cứ mỗi dịp vào Sài Gòn thì tôi mặc định ghé chung cư Phạm Ngọc Thạch để gặp NSND Trà Giang. Tôi xem đây như một điểm “hành hương”, tìm về một nơi tĩnh lặng. Mỗi lần đến, NSND Trà Giang đều mang cho tôi vài lon bia, để tôi vừa uống bia, vừa trò chuyện, vừa xem tranh. Bà lão (cách tôi hay gọi NSND) cứ nhẹ nhàng nhấc từng bức tranh ra, cho tôi xem. Cứ thế, vừa xem tranh vừa trò chuyện.
Với tôi, đó mãi là những kỉ niệm đẹp, những khoảng lặng quý giá trong bề bộn cuộc sống”.
Đạo diễn – NSND Nguyễn Thanh Vân.