Trước thực trạng phụ nữ và trẻ em liên tiếp bị xâm hại tình dục và bạo lực gần đây, 18 mạng lưới và tổ chức quan tâm đến vấn đề này đã gửi một bức thư đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Đại biểu Quốc hội kiến nghị xem xét việc bổ sung các quy định pháp luật liên quan tới quấy rối tình dục và bạo lực nơi công cộng.
Đại diện cho các tổ chức này, bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên cho biết, bà rất lo lắng khi nhiều các vụ việc xâm hại tình dục và bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ gây tổn thương cho phụ nữ và trẻ em ngày càng lớn. Có thể kể đến một số trường hợp như một bảo vệ xâm hại 23 nữ sinh tiểu học ở trường dân tộc nội trú tại Lào Cai; Một thiếu úy công an Hải Dương đánh người yêu chấn thương sọ não; Một thầy giáo luồn tay qua nách học sinh nữ để hướng dẫn bài tập; Nghệ sĩ Minh Béo bị bắt ở nước ngoài với cáo buộc xâm hại tình dục trẻ em...
Nhiều vụ việc xâm hại trẻ em khiến bà Nguyễn Vân Anh lo lắng. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, nhiều vụ việc chưa được xử lý nghiêm minh, nhiều vụ hình sự nghiêm trọng lại được giải quyết bằng cách thương lượng dân sự.
Bà Vân Anh cho rằng, việc tuyên truyền về tính nghiêm trọng tới từng gia đình, nhà trường chưa đủ mà cần có một Hệ thống luật pháp vững chắc hơn bởi hiện tại, các Bộ luật còn nhiều kẽ hở như Bộ luật Lao động đề cập hành vi quấy rối tình dục nhưng không có định danh thế nào là quấy rối tình dục. Luật Phòng chống bạo lực gia đình đề cập đến bạo lực tình dục nhưng cũng không xác định rõ các hành vi cụ thể nào bị coi là bạo lực tình dục. Bộ luật Hình sự có tội danh dâm ô nhưng không thể xử lý các hành vi dâm ô vì thiếu các bằng chứng thực thể...
Bởi vậy, trong bức thư gửi Chủ tịch Quốc hội, bà Vân Anh có kiến nghị đảm bảo trẻ em từ bậc mẫu giáo tới THPT được giáo dục giới tính phù hợp với lứa tuổi để các em có thể tự bảo vệ mình trong các trường hợp bị quấy rối hay xâm hại. Đồng thời, tăng tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi.
Ngày 5/4, Quốc hội đã biểu quyết vấn đề này trong Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em (được đổi tên thành )Luật trẻ em. Kết quả lấy phiếu biểu quyết của các ĐBQH cho thấy: 340/397 ý kiến đồng ý phương án giữ nguyên tuổi trẻ em là dưới 16, trong khi chỉ 50/397 ý kiến đồng ý phương án nâng tuổi trẻ em lên dưới 18.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, quy định cơ bản này trong dự thảo luật đã vấp phải nhiều phản đối. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, quy định này là đi ngược lại với thế giới, lợi bất cập hại. Phát biểu tại hội trường Quốc hội chiều 23/3, ông Nghĩa nói: "Không cần thiết quay lùi bánh xe lịch sử lại 26 năm về trước để làm cái điều mà hồi đó không làm. Đất nước, con người Việt Nam phát triển, không có lý gì bắt thanh thiếu niên 16-18 tuổi quay trở về làm thân phận trẻ em”.
An Mai (t/h)