Để người lao động và doanh nghiệp nắm rõ những thay đổi này, ngày 22-12, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với nội dung “Năm 2018, đóng và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội như thế nào?”.
Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Mức đóng mới từ năm 2018 gồm các khoản lương, phụ cấp và các khoản bổ sung ổn định khác. Sự thay đổi này nhằm khắc phục tình trạng người lao động khi đi làm có thể có mức thu nhập tốt nhưng khi nghỉ hưu lại hưởng mức lương hưu thấp do mức đóng bảo hiểm xã hội thấp. Tuy nhiên, mức đóng sẽ không tính các khoản thu từ thưởng sáng kiến hay các khoản hỗ trợ đi lại, xăng xe, ăn trưa, điện thoại… Ông Lê Quân khẳng định, mức tăng sẽ không nhiều, thậm chí nhiều doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này.
Để chuẩn bị thực hiện quy định mới nói trên, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết thêm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động nhằm bảo đảm sự công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tới nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã phối hợp với Bưu điện để thực hiện trả sổ tận tay cho 68 triệu người lao động. Bảo hiểm xã hội Việt Nam phấn đấu hoàn thành trả sổ cho khoảng 14 triệu lao động còn lại trong những tháng tới.
Với cách tính lương hưu gây thiệt thòi cho lao động nữ, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, để điều chỉnh độ “sốc” giảm mức lương hưu, Bộ LĐ-TB&XH và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang được yêu cầu báo cáo về các đối tượng bị tác động để xem xét việc hỗ trợ; việc hỗ trợ không nên cào bằng, nên ưu tiên các đối tượng có lương hưu thấp. Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, những bất cập về lương hưu của lao động nữ chủ yếu do chưa giải quyết được bài toán chênh lệch tuổi nghỉ hưu. Bộ đang triển khai đề án đổi mới tổng thể về bảo hiểm xã hội gắn với tiền lương khối doanh nghiệp, đi liền với việc sửa Bộ luật Lao động.
Cũng từ năm 2018, việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội theo Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực. Ông Trần Đình Liệu cho biết, để thực hiện các quy định này, trước hết cần phân loại hành vi vi phạm, phân loại doanh nghiệp nợ do khó khăn, doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trục lợi, để từ đó có biện pháp xử lý thích hợp.
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, quy định về xử lý hình sự các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội chính là một thông điệp về tính tuân thủ pháp luật bảo hiểm xã hội đang rất thấp. Xử lý hình sự doanh nghiệp là việc không ai mong muốn, song là cần thiết để bảo đảm sự công bằng trước pháp luật cũng như tăng tính tuân thủ pháp luật. Vì vậy, để thực hiện tốt quy định, các cơ quan cần ngồi lại dưới sự chủ trì của tòa án để xây dựng quy trình, làm rõ khái niệm gian lận, chiếm dụng trong bảo hiểm xã hội, tránh xử lý oan cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm đồng tình, việc phân loại các đối tượng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội là rất cần thiết, không được tạo sức ép với họ. Trong tình cảnh khó khăn, bảo hiểm xã hội cần có cách thức cho doanh nghiệp lùi, hoãn nộp bảo hiểm xã hội có tính lãi, để cả chủ và người lao động đều được bảo đảm quyền lợi, sau cùng mới là giải pháp hình sự hóa...