Rà soát khách quan, minh bạch mức độ thiệt hại do bão số 3

(Ngày Nay) - Tại cuộc họp ngày 18/9 về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã đề nghị các tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát khách quan, minh bạch theo mức độ ảnh hưởng và phân loại đối tượng bị thiệt hại để có chương trình hỗ trợ phù hợp.
Rà soát khách quan, minh bạch mức độ thiệt hại do bão số 3

Bảo hiểm bồi thường cho khách hàng

Theo ông Đào Minh Tú, bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, sản xuất nông nghiệp, hạ tầng kinh tế xã hội, các ngành dịch vụ, du lịch, ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thống kê đến ngày 17/9, thiệt hại do bão số 3 gây ra ước tính trên 50.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8 - 7%.

Qua tổng hợp sơ bộ nhanh đến ngày 17/9 từ các TCTD và 26 chi nhánh NHNN tại các địa bàn bị ảnh hưởng, có khoảng 73.000 khách hàng bị ảnh hưởng, với dư nợ ước tính khoảng 94.000 tỷ đồng. Còn theo thống kê của 4 ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn Nhà nước là: BIDV, Vietcombank, Agribank và VietinBank, có khoảng 13.494 khách hàng bị ảnh hưởng, với số dư nợ khoảng 191.457 tỷ đồng. Dự kiến, số lượng khách hàng và dư nợ bị ảnh hưởng sẽ còn tăng trong những ngày tới do các TCTD và NHNN chi nhánh vẫn tiếp tục thống kê.

Với dư nợ bị ảnh hưởng lớn, Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh, đây là bài toán đặt ra đối với ngành Ngân hàng, nếu không có chính sách phù hợp, kịp thời, không chỉ khách hàng, mà ngành Ngân hàng cũng sẽ gặp khó khăn.

Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: Đến ngày 16/9, Agribank có trên 12.600 khách hàng vay bị thiệt hại do bão số 3, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng 25.000 tỷ đồng; dư nợ bị thiệt hại dự kiến trên 8.000 tỷ đồng, trong đó các lĩnh vực chủ yếu bị ảnh hưởng là thủy hải sản, trồng trọt, chăn nuôi... Agribank đã chỉ đạo toàn hệ thống, các chi nhánh tại các tỉnh bị ảnh hưởng do bão triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay theo mức độ thiệt hại, tiếp tục cho vay mới...

"Căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng, ngân hàng giảm lãi suất từ 0,5 - 2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9 - 31/12. Ngân hàng cũng lập Đoàn công tác nắm bắt thiệt hại của các khách hàng, đánh giá cụ thể thiệt hại, hỗ trợ thanh toán bảo hiểm và đề xuất phương án hỗ trợ kịp thời cho các chi nhánh khách hàng. Đến nay, Agribank phối hợp với Công ty bảo hiểm ABIC và các đơn vị bảo hiểm khác kịp thời xác định thiệt hại, bồi thường cho khách hàng khoảng 150 tỷ đồng”, ông Hoàng Minh Ngọc cho biết.

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, thống kê tại 39 chi nhánh Vietcombank, dư nợ bị ảnh hưởng do bão số 3 lên tới 105.000 tỷ đồng, chiếm 7% dư nợ, trong đó 12.900 tỷ đồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau khi rà soát, Vietcombank cũng đưa ra chính sách giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm đối với các khoản vay hiện hữu và vay mới của khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp do bão. Ước tính, có khoảng 130 khách hàng được hưởng hỗ trợ với số tiền 22.000 tỷ đồng.

Còn theo ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV, ngay sau khi có chỉ đạo của NHNN, BIDV đã rà soát, đánh giá hệ thống, đã cơ cấu nợ và miễn giảm lãi cho khách hàng theo đúng tinh thần chỉ đạo của NHNN. Ngân hàng có kế hoạch giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay mới, đặc biệt khoản vay ngắn hạn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh phát sinh từ ngày 6/9. Mức hỗ trợ lãi suất cho vay mới dự kiến khoảng 1%, khoản vay hiện hữu xem xét giảm lãi suất ở mức 0,5%...

Không lợi dụng chính sách, áp dụng đúng đối tượng

Để các TCTD mạnh dạn triển khai các giải pháp hỗ trợ, NHNN cũng đang xây dựng Thông tư hướng dẫn cơ chế giãn, hoãn các khoản nợ bị ảnh hưởng do cơ bão số 3 gây ra.

Trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Phó Thống đốc NHNN đề nghị các TCTD tiếp tục đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ khách hàng trên nhiều mặt, không chỉ bằng nguồn lực tài chính, nguồn vốn mà cần hỗ trợ tư vấn, động viên, không quay lưng với khách hàng trong thời điểm khó khăn; triển khai đồng bộ các giải pháp công khai, minh bạch, tuyệt đối không lợi dụng chính sách, áp dụng đúng đối tượng.

Các TCTD cũng cần xây dựng cơ chế thông tin báo cáo giám sát đầy đủ, kịp thời với cơ quan chức năng, NHNN, chính quyền địa phương; tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường truyền thông cơ chế, chính sách, kế hoạch thực hiện qua các phương tiện.

Ngoài ra, các TCTD chủ động rà soát theo mức độ ảnh hưởng và phân loại đối tượng bị thiệt hại để xây dựng chương trình hỗ trợ phù hợp với năng lực của mỗi TCTD với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tập trung vào chính sách giãn, hoãn thời hạn trả nợ; chính sách giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ do ảnh hưởng của bão lũ và cả các khoản vay mới.

Tại Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ mới đây, Chính phủ đã giao NHNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc phân loại tài sản có mức trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại; chỉ đạo các TCTD tính toán phương án hỗ trợ, cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp... đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão.

Thủ đô Hà Nội - Đầu tàu dẫn dắt, lan tỏa phát triển kinh tế
Thủ đô Hà Nội - Đầu tàu dẫn dắt, lan tỏa phát triển kinh tế
(Ngày Nay) - Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa và xã hội mà còn là động lực kinh tế quan trọng bậc nhất cho khu vực phía Bắc, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước. Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng hiện đại và phát triển, cùng với sự hội tụ của các nguồn lực kinh tế, Hà Nội đang đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Ảnh minh hoạ.
Đề xuất chuẩn hóa bữa ăn học đường
(Ngày Nay) - Cần tiến tới luật hóa dinh dưỡng học đường và đây sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý, nhà trường, doanh nghiệp chuẩn bị và tuân thủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, quy trình, chuyên môn phục vụ bữa ăn học đường.