Zhang bị mất thị lực khi mới 20 tuổi do một căn bệnh thoái hóa, bóng tối ập đến cũng là lúc ông phát hiện ra tình yêu với điện ảnh khi được tham gia câu lạc bộ "phim nói", nơi các tình nguyện viên tường thuật nội dung một bộ phim cho các khán giả khiếm thị.
“Sau khi tôi nghe một bộ phim lần đầu tiên vào năm 2014, cảm giác như một thế giới mới đã mở ra cho tôi", ông Zhang nói. "Tôi có thể hiểu bộ phim mặc dù tôi bị mù. Qua giọng đọc thuyết minh, tôi có thể tưởng tượng những cảnh khóc, cười của các nhân vật."
Ở tuổi 51, ông Zhang đều đặn mỗi cuối tuần lại đến một rạp phim ở Tiền Môn, trung tâm thành phố Bắc Kinh. Tại đây, các khán giả khiếm thị có thể thưởng thức trọn vẹn các bộ phim nhờ có sự giúp đỡ của một nhóm tình nguyện viên.
Phương pháp của họ hết sức đơn giản. Người kể chuyện mô tả những gì đang diễn ra trên màn hình, bao gồm nét mặt, cử chỉ diễn viên, bối cảnh và trang phục. Họ cũng không bỏ sót những thước phim đơn giản như lá rơi hoặc mưa tuyết để khán giả nắm được dòng thời gian của bộ phim đang trôi qua.
Qua lời thuyết minh, khán giả khiếm thị có thể tưởng tượng rõ các cảnh phim. Ảnh: AFP |
Tháng trước, nhóm đã chiếu bộ phim "A Street Cat Named Bob" - câu chuyện về chú mèo giúp một người đàn ông vô gia cư ở London cai nghiện ma túy và trở thành tác giả cuốn sách cùng tên.
Người kể chuyện Wang Weili mô tả những gì đang xảy ra trên màn hình:
"Có tuyết rơi trên London, một thành phố ở Anh. Nó hơi giống Bắc Kinh nhưng các tòa nhà không cao như vậy", Wang mô tả cặn kẽ. "Một người đàn ông với ống nhòm - hai hình trụ tròn dài dùng để nhìn những thứ ở xa - đang quan sát James khi anh ấy hát ở một góc phố với chú mèo Bob."
Khi người thuyết minh nói, không ai thì thầm hay mất trật tự, thay vào đó, khán giả honaf toàn chăm chú lắng nghe.
Wang Weili cho biết được truyền cảm hứng để giới thiệu phim cho khán giả khiếm thị sau khi thuật lại bộ phim "Kẻ hủy diệt" cho một người bạn.
"Tôi thấy mồ hôi đổ trên trán anh ấy khi tôi diễn tả các cảnh hành động. Anh ấy rất phấn khích", Wang nhớ lại. "Anh ấy liên tục bảo tôi kể tiếp câu chuyện."
Wang thuê một căn phòng nhỏ ở Bắc Kinh bằng tiền tiết kiệm của mình vào năm 2005 và bắt đầu sự nghiệp thuyết minh của mình bằng một chiếc TV nhỏ, một đầu DVD cũ và khoảng 20 chiếc ghế.
Người thuyết minh sẽ ngồi một góc tại rạp và mô tả cảnh phim cho khán giả. Ảnh: AFP |
"Rạp chiếu phim" rộng 20 m2 của Wang lúc nào cũng chật cứng khán giả.
Việc giải thích phim cho khán giả khiếm thị cũng là một thách thức, đặc biệt nếu cốt truyện có các yếu tố lịch sử hoặc tưởng tượng mà khán giả chưa từng gặp.
Chẳng hạn, trước khi chiếu "Công viên kỷ Jura", Wang cho khán giả cảm nhận một số mô hình khủng long.
"Tôi xem một bộ phim ít nhất 6 hoặc 7 lần, rồi viết kịch bản chi tiết cho riêng mình," Wang chia sẻ.
Dự án của Wang hiện đang hợp tác với các rạp chiếu phim lớn hơn để chiếu các suất chiếu cho khán giả khiếm thị. Đại dịch cũng đã thúc đẩy nhóm tình nguyện viên ra mắt dịch vụ phát trực tuyến với các đoạn tường thuật âm thanh được ghi lại.
Trong 15 năm qua, nhóm của Wang đã chiếu gần 1.000 bộ phim. Ảnh: AFP |
Trung Quốc có hơn 17 triệu người khiếm thị. Theo Hiệp hội Người mù Trung Quốc, 8 triệu người trong số họ hoàn toàn mất đi thị giác.
Trong thập kỷ qua, các thành phố tại Trung Quốc đã xây dựng thêm nhiều lối đi dành cho người khiếm thị, thêm dấu chữ nổi trên bảng thang máy và cho phép các ứng viên khiếm thị tham gia kỳ thi tuyển dụng các công việc nhà nước và các trường cao đẳng.
Dawning Leung, Người sáng lập Hiệp hội Mô tả Âm thanh tại Hong Kong, cho biết: “Nhưng cộng đồng người mù có ít cơ hội tham gia vào các hoạt động văn hóa. Họ không được tiếp cận các rạp chiếu phim, rạp hát hoặc triển lãm nghệ thuật."
"Ngay cả những đoạn mô tả bằng âm thanh tại các bảo tàng cũng được viết với góc nhìn của những người có thị giác. Họ cho bạn biết về lịch sử của một vật thể hoặc nơi tìm thấy nó nhưng hiếm khi mô tả nó trông như thế nào", cô nói.
Trong nhiều năm, các nhà hoạt động đã thúc đẩy dự luật bắt buộc mô tả âm thanh cho các bộ phim, chương trình truyền hình hoặc tác phẩm nghệ thuật ở Trung Quốc đại lục, giống như ở Hong Kong.
Các buổi chiếu phim miễn phí của Wang Weili mang đến cơ hội hiếm có cho những khán giả khiếm thị.
"Phim ảnh giúp cuộc sống của tôi phong phú hơn, chúng giúp tôi hiểu được những thách thức trong cuộc sống", ông Zhang Xinsheng chia sẻ.
Bộ phim yêu thích của ông bom tấn Bollywood "Dangal", kể về một người cha nghiêm khắc huấn luyện con gái mình vượt qua những điều cấm kỵ của xã hội và trở thành đô vật vô địch.
“Có lúc tôi nghĩ, cũng giống như các nhân vật chính trong phim đó, tôi có thể thay đổi số phận của mình bằng cách làm việc chăm chỉ", ông nói.