Sách giáo khoa ngày ấy - bây giờ!

(Ngày Nay) - Những ngày qua, khi mà sách giáo khoa lớp 1 trở thành trung tâm của những cuộc tranh luận, tranh cãi gay gắt, tôi lại thầm cảm ơn vì mình đã đi qua những tháng ngày đến trường ít sách vở mà nhiều cảm xúc.
Tác giả Bùi Kiều Trang
Tác giả Bùi Kiều Trang
Thời tôi học, nếu có khó khăn chỉ là chuyện kinh tế của gia đình đánh vật cùng miếng ăn cái mặc, hay cơ sở vật chất trường lớp phục vụ cho việc học còn quá sơ sài. Riêng về sách giáo khoa của chị em tôi là bộ sách cũ mà Má tôi xin được của một nhà hàng xóm, rồi chị gái để lại cho anh trai. Khi đến thời tôi, những quyển sách màu giấy đã chuyển sang vàng vàng ố ố, chữ in lẫn với nét mực viết tay nhoè nhoè của lần nghịch ngợm của “người đi trước” nhưng tôi vẫn còn nhớ như in nhiều bài học, nhiều câu thơ, và những hình ảnh giản đơn, trong trẻo ngày ấy.
“O tròn như quả trứng gà
Ô thì đội nón, Ơ thì thêm râu”
Hay:
“Sân nhà em sáng quá
Nhờ ánh trăng sáng ngời
Trăng tròn như cái đĩa
Lơ lửng mà không rơi…
Những câu thơ, những đoạn văn ngắn nhưng coi trọng cảm xúc, thuần Việt tự ngấm vào đầu bọn trẻ chúng tôi lúc nào chẳng biết.
Những trang sách giáo khoa ngày tôi học còn bồi đắp cảm xúc, nuôi dưỡng tầm hồn, khơi gợi trí tưởng tượng, chắp cánh ước mơ của bọn trẻ con chúng tôi... Mãi đến bây giờ, mỗi lần vô tình gặp lại cuốn sách cũ hay những bài học in trên đó, tôi thường nhớ về một buổi tối êm ả nào đó ngồi tập ghép vần, nghe anh tôi đọc mấy câu trong sách tập đọc “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ăn no cỏ, trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy, ai mà quản công…” Má tôi cặm cụi sàn gạo thi thoảng nhắc tôi vài từ tôi quên. Việc học thật nhẹ nhàng, phụ huynh không cần kèm cặp, giáo viên cũng không cần phải lao lực dạy thêm. Và cả người lớn lẫn trẻ con không ai phải sợ hãi.
Sách giáo khoa ngày ấy - bây giờ! ảnh 1

Việc học thật nhẹ nhàng, phụ huynh không cần kèm cặp, giáo viên cũng không cần phải lao lực dạy thêm. Ảnh: Tư liệu

Sau nhiều chục năm, đến thời đổi mới giáo dục, nhìn vào trang sách giáo khoa lớp 1 bây giờ đa phần là trích dẫn, phỏng theo ngụ ngôn nước ngoài, những cái phỏng theo vô cùng ngờ nghệch và phi lý. Có những câu chuyện người lớn đọc lên còn không hiểu nội dung, ý nghĩa là gì; có những câu thơ, đoạn văn trúc trắc, tối nghĩa, khó đọc, khó thuộc và khó nhớ. Những cuốn sách ấy dường như chỉ cố nhồi chữ cái vào đầu học sinh mà quên mất việc tạo cảm xúc, thậm chí còn gây nỗi sợ hãi, ác cảm cho những đứa trẻ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới.

Hàng loạt những câu chuyện liên quan đến việc phải học sách giáo khoa mới mà những ngày qua được phương tiện truyền thông ghi lại, là những buổi tối mẹ cùng con đánh vật, con chưa đọc được mẹ chưa đi ngủ; là những buổi cả cô và trò căng thẳng trên lớp đến mức giáo viên cũng phải than thở chương trình quá sức; là những tranh cãi gay gắt về phương pháp, là công cuộc đổ lỗi qua lại của những người lớn mà quên mất rằng trẻ em mới là trung tâm. Sự yếu kém của một nền giáo dục, trước hết xuất phát từ sự yếu kém trong biên soạn sách giáo khoa và xây dựng chương trình dạy học.
Tạm tin rằng chương trình học mới có thể dạy trẻ em biết đọc, biết viết nhanh hơn trước kia, nhưng cái giá phải trả thật đắt và cảm xúc được nhớ lại chắc hẳn chỉ là sợ hãi, căng thẳng, mệt mỏi thậm chí ghét bỏ việc học, ghét bỏ con chữ.

Không hề quá khi nói rằng những cuốn sách này đang dần cướp đi tuổi thơ của hàng chục triệu đứa trẻ, cướp đi thời gian, không gian vui chơi chỉ để phải chăm chăm vào việc phải làm sao đọc cho bằng được, học cho bằng kịp với nội dung trong sách viết ra. Sách giáo khoa mang tiếng là “cải cách” nhưng càng cải càng lùi, càng cải càng rối, càng cải thì những trang sách đầu tiên, những con chữ đầu đời của các em lại càng xuất hiện những câu chuyện tiêu cực, tối nghĩa thậm chí còn phản giáo dục.

Vậy cải cách mà làm gì để mọi thứ trở nên khó khăn hơn, đổi mới mà làm gì để càng thêm lãng phí?

Ai cũng biết nước ta còn nghèo, ngân sách còn eo hẹp, đời sống của phần lớn người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều năm nay lĩnh vực, giáo dục, đào tạo luôn được ưu tiên đầu tư nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước. Cụ thể là tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hàng năm của Việt Nam ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP. Đây là mức rất cao so với nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam rất nhiều.

Thế nhưng thực tại, ngành giáo dục đang lãng phí quá nhiều. Lãng phí về thời gian, lãng phí về chính sách, về ngân sách và tiền của nhân dân. Càng cải cách, lại càng rối rắm nặng nề và sai sót khá nhiều về cách thức và kiến thức. Nếu phải đính chính, nếu phải chỉnh sửa có lẽ phải xuất bản một cuốn sách khác chỉ để đính chính, chỉ để chỉnh sửa cuốn sách đang giảng dạy, đang lưu hành ấy. Giáo viên lại phải liên tục chạy theo chương trình sửa đổi. Mỗi lần sửa đổi là mỗi lần tập huấn. Tiền bạc, thời gian, sức lao động bị lãng phí không nhỏ. Việc xào xáo kiến thức đã ảnh hưởng xấu đến chất lượng giảng dạy, gây ức chế cho thầy, trò và cả xã hội.

Thế hệ chúng tôi đi qua thời tiểu học cũng đã gần 30 năm. Gần 30 năm qua, có quá nhiều thứ đổi mới và phát triển nên sẽ thật khập khiểng để so sánh bất kỳ điều gì với hiện tại, nhất là về việc học. Nhưng những ngày qua, khi mà sách giáo khoa lớp 1 trở thành trung tâm của những cuộc tranh luận, tranh cãi gay gắt, tôi lại thầm cảm ơn vì mình đã đi qua những tháng ngày đến trường ít sách vở mà nhiều cảm xúc.

Bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: baochinhphu.vn
Xuất bản bộ sách 14 tập về lịch sử quân sự Việt Nam
(Ngày Nay) - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa tổ chức xuất bản lần thứ ba bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam của Viện Lịch sử quân sự nhằm tiếp tục truyền bá tri thức lịch sử quân sự dân tộc tới các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Đây là một trong những hoạt động hướng tới các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 5/11/2024. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công
(Ngày Nay) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu - chi ngân sách nhà nước, cơ cấu ngân sách theo hướng bền vững, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.