Như một cuộc chiến
Năm học bắt đầu được 2 tuần thì nhiều phụ huynh, giáo viên đã than chương trình mới nặng hơn chương trình cũ.
Chị Nguyễn Minh Hà (TP Ninh Bình) cho biết: Em có con học bộ sách Cùng phát triển năng lực. Đến tuần thứ 4 của tháng 9, con phải học hết phụ âm. Mỗi ngày con phải học 2 phụ âm, đọc 1 dòng tiếng, 2 dòng từ, 2 dòng câu, 3 còng đoạn văn. Con em không học trước, mẹ cũng loay hoay để cùng với con học mỗi tối nhưng cũng cảm thấy kiến thức như này là quá sức với đứa trẻ mới làm quen với chữ cái, con số. Bản thân cô giáo bảo chương trình năm nay rất nặng, các con mệt, cô mệt, cả phụ huynh cũng mệt.
“Mới lớp 1 mà tôi cảm giác việc dạy học cho con như phát điên. Việc đi học lớp 1 chỉ cần đáp ứng việc biết mặt chữ, tính toán đơn giản. Còn cả một năm học phía trước cơ mà”, chị Nguyễn Minh Hà bức xúc.
Anh M.C (có con học trường Tiểu học N.T, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nói về buổi học giữa anh và con là như “đánh vật”. Anh nói rằng: “9 buổi con đã phải đọc được cả dòng chính tả, từ ghép. Chữ con thì xiên xẹo. Việc đánh vần bây giờ đã khác trước, tôi dạy con, con bảo bố dạy không đúng. Đến mức, tôi phải lên youtube, diễn đàn phụ huynh có con học lớp 1 chương trình mới để tìm video đánh vần theo chương trình mới”.
“Các con phải tập viết chữ, phải ghép vần và đọc luôn. Vì thế, việc dạy con học như là một cuộc chiến. Tối nào con cũng phải viết một trang giấy, không còn thời gian để chơi nữa”, anh M.C cho biết.
Cô M.T (giáo viên dạy lớp 1 ở một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Ở môn tiếng Việt, theo chương trình cũ thì các em được làm quen luôn với các nét móc trên, dưới, thẳng. Nhưng khi vào học các em đã viết luôn các chữ cái. Thời gian chỉ có 35 phút nên nhiều em không tiếp thu kịp. Trong khi, có buổi yêu cầu học 3 - 4 vần/tiết. Thời gian này giáo viên khá vất vả khi giảng bài.
Tại các diễn đàn dành cho học sinh Tiểu học, phụ huynh “kêu trời” về việc hướng dẫn con học tiếng Việt tại nhà.
Chưa đủ cơ sở để đánh giá?
Trả lời về vấn đề này, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tao cho biết: Chúng tôi chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ giáo viên về chương trình lớp 1 nặng, cụ thể là môn Tiếng Việt. Tôi cũng cho rằng chưa đủ cơ sở để đánh giá chương trình lớp 1 nặng hơn so với chương trình cũ.
TS Thái Văn Tài cho biết, ngay khi bước vào năm học mới, Bộ GD&ĐT có các đoàn kiểm tra đến các trường tiểu học ở 4 địa phương khu vực đô thị, vùng đồng bằng, Tây Nguyên. Những nơi chúng tôi đã đi kiểm tra, dự giờ không thấy phản ánh nào như vậy.
Theo phân tích, chương trình mới triển khai theo hướng tiếp cận khác trước đây, hiện ngành GD&ĐT các địa phương đều đang cố gắng thực hiện đúng tinh thần này. Vì thế phải qua một năm thực hiện mới có cơ sở thực tiễn đủ để đánh giá mức độ "nặng, nhẹ".
Lý giải về việc vì sao phụ huynh, học sinh, giáo viên có cảm giác chương trình tiếng Việt lớp 1 nặng so với chương trình lớp 1 cũ, TS Thái Văn Tài cho rằng, Chương trình tiếng Việt mới được thiết kế là 420 tiết/năm học, chương trình cũ là 350 tiết. Tuy nhiên, ở đây chỉ là tăng thời lượng chứ không tăng lượng kiến thức… Như vậy, Bộ đã đang tăng số tiết để học sinh có thể dễ dàng tiếp cận kiến thức hơn. Không thể nói là kiến thức đã tăng hơn so với trước đây.
Trả lời về vấn đề khối lượng kiến thức môn tiếng Việt lớp 1 trong thời gian đầu đang tăng hơn so với chương trình cũ trước đây khiến phụ huynh, học sinh cũng như giáo viên kêu nặng, ông Thái Văn Tài khẳng định: “Lượng kiến thức đã được tinh giản so với chương trình trước đây, số tiết của chương trình mới cũng tăng lên để đảm bảo việc tiếp thu kiến thức cho học sinh”.
“Việc đánh giá cần thận trọng, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, tránh vội vã chỉ qua một số hiện tượng sẽ gây thêm áp lực nặng nề cho những người đang thực hiện”, TS Thái Văn Tài nhận định.
Lý giải về việc vì sao phụ huynh, học sinh, giáo viên có cảm giác chương trình tiếng Việt lớp 1 nặng so với chương trình lớp 1 cũ, TS Thái Văn Tài cho rằng, do cách hiểu chưa chính xác. “Nếu phụ huynh nhìn vào và so sánh với chương trình cũ sẽ thấy chương trình mới tăng lên nhưng phần tăng thêm chỉ để dành cho giáo viên thực hiện các phương pháp dạy học, tổ chức luyện tập cho học sinh”, TS Thái Văn Tài nhấn mạnh.
Mặc dù, vấn đề chương trình lớp 1 nặng hơn được đặt ra với Bộ GD&ĐT, nhưng những lý giải như trên cho thấy, chương trình vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi đó, phụ huynh, học sinh vẫn tiếp tục “đánh vật” với chương trình mới mà ngành giáo dục vẫn chưa có giải pháp nào “đồng hành” cùng họ.