Theo Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên vừa được Công ty cổ phần Thuỷ hải sản Việt Nhật (mã CK: VNH) công bố, doanh nghiệp này thống nhất không thông qua báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 vì các số liệu thống kê về hoạt động kinh doanh đã bị làm giả, lập khống nhằm mục đích đối trừ nợ.
Báo cáo kiểm toán này được lập bởi Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam. Đại diện kiểm toán cho biết, báo cáo tài chính phản ánh trung thực và hợp lý các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính, lưu chuyển tiền tệ và kết quả sản xuất kinh doanh cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2016. Tuy nhiên, vấn đề cần nhấn mạnh là trong năm qua, công ty tiến hành thanh lý hầu như toàn bộ tài sản nhằm thanh toán các khoản nợ gốc, vay lãi tại ngân hàng làm gia tăng sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.
Sau khi báo cáo tài chính này được công bố, hàng loạt nhân sự chủ chốt trong ban lãnh đạo đã nộp đơn xin từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị vì lý do cá nhân, sức khoẻ… Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM cũng ra quyết định huỷ niêm yết toàn bộ cổ phiếu VNH do doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ liên tiếp trong 3 năm.
Sau đó không lâu, công ty chuyển qua niêm yết trên sàn UPCoM và tổ chức đại hội cổ đông bất thường nhằm bầu bổ sung nhân sự, lập phương án rà soát hoạt động kinh doanh.
Theo kết quả tra soát tài chính giai đoạn từ 2010 đến 2016 do Công ty TNHH Kiểm toán PKF Việt Nam thực hiện, ông Nguyễn Văn Nhựt - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty và vợ là ba Trần Thị Thuý đã lập giả các chứng từ, hợp đồng nhằm chiếm đoạt hơn 155 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2010, Công ty TNHH Đồ hộp Phú Nhật (nay đổi tên thành Công ty cổ phần Đồ hộp Tấn Phát) nhận ứng vốn 65 tỷ đồng, số tiền này được thể hiện trên sổ sách kế toán. Theo đó, Đồ hộp Tấn Phát lập giả 24 phiếu thu, mỗi phiếu trị giá 1 tỷ do ông Nguyễn Văn Triển (Giám đốc, đồng thời là con trai ông Nhựt) nộp tiền và bà Trần Thị Thuý là người đại diện ký nhận. Nhưng thực tế kiểm kê không có khoản tiền 24 tỷ đồng nhập vào quỹ công ty và số tiền 41 tỷ còn lại cũng không có tài liệu chứng minh hoàn trả như cam kết.
“Năm 2014, Đồ hộp Tấn Pháp lợi dụng hợp thức các chứng từ kế toán để khấu trừ nợ và chiếm đoạt 2 chiếc xe Inova 7 chỗ và Fortuner 8 chỗ. Từ 2013 đến năm 2016, hai bên tiếp tục lập giả các chứng từ để thể hiện Thuỷ sản Việt Nhật phải trả phí gia công, phí lưu kho ước tính 14 tỷ đồng”, văn bản mới công bố nêu rõ.
Kết quả tra soát cũng khẳng định vị nguyên Chủ tịch HĐQT công ty vi phạm Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty về việc thanh lý tàu đánh cá để trục lợi cá nhân hơn 1,8 tỷ đồng, tự ý định giá tài sản góp vốn gồm đất và nhà nhằm đoạt khoản tiền dư là 5,7 tỷ đồng so với giá trị thực tế.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2014, doanh nghiệp này đã nhập khống 319 tấn cá để rút số tiền 20,5 tỷ đồng, lập khống giá trị hàng tồn kho và báo lỗ 35 tỷ đồng… Mới đây, đại diện ban lãnh đạo công ty cho biết, khi xuất bán số lượng cá nguyên liệu tồn kho này, vì chất lượng giảm và hao hụt nhiều trong gia công nên gây thiệt hại gần 16,6 tỷ đồng. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến hoạt động kinh doanh trong năm qua kém khả quan.
“Đại hội đồng cổ đông thông qua việc uỷ quyền cho HĐQT kiến nghị Uỷ ban Chứng khoán nhà nước thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra các báo cáo tài chính từ năm 2010 đến năm 2016 để làm rõ hoạt động kinh doanh của HĐQT và Ban giám đốc cũ vì có dấu hiệu tham ô, chiếm đoạt tài sản để thu hồi tổng số tiền bị chiếm đoạt là 155 tỷ đồng và 2 chiếc ôtô của công ty”, ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch HĐQT mới được bổ nhiệm chia sẻ về phương án xử lý thất thoát.
Công ty cổ phần Thủy sản Việt Nhật thành lập năm 2002, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và mua bán thủy hải sản, thực phẩm chế biến. Sản phẩm của công ty tập trung vào các mặt hàng cua ghẹ, mực, tôm giá trị cao để xuất khẩu sang những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản… Công ty vừa thông qua tờ trình đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nhật, đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm nay lần lượt đạt 200 tỷ đồng và 60 tỷ đồng.