Sau ba ngọn núi

(Ngày Nay) - Đoàn trưởng quyết định chờ Vàng thêm một ngày nữa. Ba người trong đó có tôi phản đối kịch liệt, nhưng không ăn thua gì. Ngoài trời mưa đen kịt. Tiếng nước chảy, dồn về Nậm Mơ ầm ù như biển động.
Minh họa của Phạm Hà Hải
Minh họa của Phạm Hà Hải

Cái cầu treo duy nhất bắc qua suối, nối xe chúng tôi đến với mấy bản nào đấy bị cuốn phăng đi chẳng còn dấu tích. Mới chiều hôm kia thôi, khi tiễn Vàng đi về hướng núi, cô Loan còn nhí nhảnh nhảy lên mấy lần, giẫm chân rung cả ván gỗ. Vừa cười tít mắt vừa giơ tay vẫy, nhưng là để tình tứ với trời chiều Mù Cang Chải, hơn là để tiễn Vàng.

Vẫn là cô Loan ấy mà chiều nay, mắt chẳng thèm nhìn ai, hai tay xọc vào túi sau quần bò, nôn nóng đi tới đi lui trong phòng, giọng đầy khiêu khích, châm chọc: - Sao lại phải chờ? Bốn chúng ta mắc nợ gì cái anh chàng thiểu số đã đi nhờ xe lại còn trễ hẹn ấy? Theo tôi là ta cứ vù đi! Tôi còn bao nhiêu việc ở Thành phố Hồ Chí Minh - Ngừng một lúc, chờ tiếng sấm chớp qua, Loan nói to hơn - Các anh nữa, còn bao nhiêu là việc ở Hà Nội...

Ba chúng tôi và cậu lái xe không nhúc nhích. Mắt thẫn thờ nhìn ra ngoài sân. Mỗi người mơ hồ hiểu nỗi giận dữ của Loan theo một cách. Loan ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra, nhập với đoàn của Bộ tôi ở Hà Nội, lên Mù Cang Chải khảo sát về đồi trọc. Đấy là Loan xung phong đi. Khi đi còn cao hứng bảo: “Nghe cái tên lạ tai, cứ tưởng như lên thiên đường. Em liều một chuyến! Ở thành phố, tù túng quá. Suốt ngày chồng con, mệt không kịp thở!”. Tôi thì hiểu trưởng đoàn Dương. Một cán bộ cấp vụ, từng ở lính, rắn hơn thép. Đối với lão, đừng nói chuyện bàn cãi. Động vào lão chỉ có mệt. Nhưng cũng không sợ thiệt vì lão sống có tình. Mưa gió ngặt nghèo thế này, làm sao tôi dám công khai ủng hộ Loan, cho dù nàng mấy lần kín đáo mỉm cười với tôi để tìm đồng minh. Có lẽ bực dọc vì không được ai hưởng ứng. Loan quyết định châm chọc trưởng đoàn.

- Em hỏi anh Dương, thế nếu tay Vàng ấy bị vợ nó giữ ở nhà thì ta cũng phải chôn chân ở đây à? Sao anh quý tay công an ấy thế nhỉ? Nửa ngày đường ngồi xe với nhau, thế là tin! Lạ thật! Cứ như bị bỏ bùa! Mà có khi bị bùa thật cũng nên. Tay Vàng người Mông mà...

Loan đứng lại, cúi xuống bên cái dáng ngồi thu lu khắc khổ của Dương. Như thế là quá lắm. Tôi chờ, ít ra là một tiếng quát của Dương. Nhưng ngược lại, lão nói như một lời giãi bày:

- Nếu bỏ bùa thì nó bùa cô, chứ tôi như nắm xương khô, có lợi lộc gì?

Nói có trời mưa chứng giám, đó là câu nói văn vẻ nhất của Dương mà tôi được nghe suốt mười lăm năm làm cấp dưới của lão. Nếu quả, trước người đẹp, con người ta, tinh hoa có thể phát tiết bất ngờ thì lão Dương đúng là một điển hình hiếm thấy. Tôi chộp lấy cơ hội, định nịnh ngay lãnh đạo mình một câu thì bị ngay thằng Huỳnh, trưởng phòng tài vụ, cướp lời:

- Giá như hôm nọ đừng cho tay Vàng đi thì hay. Giờ này Hà Nội đang còn nắng đây. Báo cáo anh Dương, hôm nay đúng là cuối tháng, bọn em hẹn có mặt ở Nhật Tân. Ai ngờ còn ngồi trông mưa thế này, rồi chúng nói chửi em thối mồ. Mà anh cũng hữu khuynh lắm cơ. Cho đi nhờ đã quá lắm. Nó thủ thỉ với anh những gì mà lại hò hẹn cho hắn đi nhờ về? - Tôi cũng cảm thấy lão Dương tự nhiên hôm nay hữu khuynh thật, ở cơ quan, lão ăn to nói lớn, như một vị sư trưởng. Còn hôm nay khuôn mặt lão nhúm nhó, đau đớn như người bệnh dạ dày, đối đáp lấy lệ, hình như tai còn mải lựa lọc lấy một âm thanh nào đấy trong tiếng gió rít và mưa ầm ầm ngoài kia.

Sau ba ngọn núi ảnh 1

Minh hoạ của Đỗ Hữu Khôi

Lần này lên Yên Bái, chính lão Dương quyết định cho Vàng, Công an tỉnh Yên Bái đi nhờ xe. Gần ba trăm cây số, từ thị xã Nghĩa Lộ lên Mù Cang Chải, có ít đâu! Điều ngạc nhiên hơn là chính lão hẹn cho Vàng theo xe cùng quay về.

Nay quá hẹn hai ngày, thế mà lão vẫn điên khùng chờ đến ngày thứ ba, cả xe phải ngồi nhìn mưa lũ, ăn cơm nhờ ủy ban huyện. Ba chúng tôi với cậu lái xe là bốn, tự nhiên bẹp dí chịu phận hẩm hiu theo sự điên điên, đột biến của lão thủ trưởng cấp vụ. Trăm sự là tại cái tay đi nhờ xe. Mà có phải công cán gì cho cam. Hắn bảo là về thăm vợ bị ốm. Nghe nói, quê hắn cách thị trấn Nậm Mơ, nơi chúng tôi công tác hơn năm mươi cây số. Mà chỉ có một cách duy nhất là đi bộ.

Đầu têu chuyện cho đi nhờ xe bắt đầu từ tay trưởng phòng tài vụ. Từ Hà Nội lên thị xã Yên Bái, dọc đường bao nhiêu người vẫn xin đi, nhưng cả xe chẳng ai thèm nhìn. Lúc ấy chúng tôi đang mải vui, thi nhau kể chuyện tếu. Thế là cười như nắc nẻ. Đến thị xã Nghĩa Lộ thì... hết chuyện. Tôi đương ngủ gà ngủ vịt chợt giật mình nghe giọng tay trưởng phòng:

- Thưa các vị, xe chúng ta chuẩn bị vượt đèo Khau Phạ, bảo đảm là rất xóc, nguy hiểm. Xin đề nghị anh Dương, nếu có các cô gái dân tộc thiểu số xin đi nhờ, anh cho phép họ đi, vừa đầm xe, vừa luôn thể học thêm tiếng.

Cả xe cùng cười đồng ý. Riêng lão Dương vẫn lạnh tanh. Xe chuẩn bị lên đèo thì có người đàn ông giơ tay xin đi nhờ. Ai cũng phớt lờ kể cả cô Loan. Lái xe đã bấm còi chào thì đột ngột, lão Dương ra lệnh:

- Cho người ta đi!

Tiếng phanh ken két. Người đàn ông ăn mặc giống như chúng tôi từ đuôi xe chạy lên mừng rỡ:

- Em đón xe đã nửa ngày. Các bác cho em đi nhờ lên Mù Cang Chải.

Dĩ nhiên là thế. Chúng tôi dồn xếp cho khách vị trí sau cùng của chiếc Misubishi (chính tay Vàng đấy). Hắn mừng quá, mắt sáng lên. Xe chuyển bánh. Không ai nói một lời nào. Lên đỉnh đèo Khau Phạ, người lái xe thông báo: “Ta đang ở độ cao một nghìn bảy trăm mét”. Giữa trưa, nắng tràn ngập một màu trắng tinh khiết chứ không vàng đục như ở đồng bằng. Đi gần trăm cây số mà chẳng phải dùng còi, vì chẳng thấy xe mà cũng chẳng thấy người. Thật là may cho người khách đi nhờ. Chúng tôi bắt đầu rộ lên tranh luận về ý nghĩa của cái tên đèo khó hiểu này. Nhưng chẳng ai biết đích xác. Cô Loan quay lại hỏi người khách. Anh ta trả lời:

- Khau Phạ, theo tiếng của dân tộc Thái có nghĩa sừng trời. Còn theo tiếng của người Mông chúng tôi, có nghĩa là đỉnh mây mù...

Nghe giọng nói tiếng Kinh chưa thật nhuyễn lắm, cũng thấy hay hay. Tôi quay lại hỏi người khách với giọng kẻ cả của người chủ xe:

- Anh tên gì, người Mông hả?

- Vâng, người Mông, tên là Vàng!

- Anh làm ở đâu?

- Dạ. Tôi làm công an tỉnh.

Cả xe lặng phắc. Chỉ có tiếng máy xe vo vo leo dốc.

Cuối cùng lão Dương là người đầu tiên không chịu đựng được sự căng thẳng đó. Lão hỏi, nghe cũng bình thản, giọng đều đều:

- Xin lỗi, anh làm bộ phận nào?

Tiếng Vàng khẽ khàng:

- Dạ. Em ở bảo vệ chính trị.

Vàng chừng ngoài ba mươi, xưng em với lão Dương là phải đạo. Tôi thở phào nhẹ nhõm một cách vô cớ.

Lão Dương tiếp tục:

- Công an đi công tác mà không có xe hả?

- Dạ không - Tiếng Vàng vẫn lễ phép - Em về Hủa Xa thăm vợ em bị ốm.

Hình như lúc ấy cả xe mới thấy gần gũi hơn với Vàng, nên câu chuyện bắt đầu tự nhiên hơn. Vàng là người duy nhất của xã được về Hà Nội học ngành an ninh. Tiếng là công tác ở tỉnh, nhưng một năm, may lắm mới ghé thăm vợ con được một lần. Từ tỉnh lỵ về tới Hủa Xa cũng mất một ngày xe và một ngày đi bộ. Vàng nói một cách vui vẻ: “Em về Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh công tác còn dễ hơn về bản”.

Từ ngày đổi mới, người Mông ở Hủa Xa đã khá, nhiều nhà đủ ăn, nhiều nhà mua được ra-đi-ô. Một lần về thăm nhà, dân bản đến nói chuyện với Vàng về cái đài lạ mà họ từng nghe. Đài này phát vào các buổi tối bằng tiếng Mông vận động người Mông theo đạo. Có hôm, đài này phát giọng nói của mấy người bỏ bản đi theo Tây từ những năm bốn lăm, bốn sáu. Họ kể về bản, nhớ tên từng người, chính xác lắm. Mới đây những người cũ của bản còn gửi thư và quà về cho người mới. Thế mới biết, người Mông ta dù đi xa nhưng chẳng ai quên ngọn núi cả.

Chột dạ, Vàng bỏ phép, quay về báo cáo lãnh đạo công an tỉnh. Thì ra, đây là cái đài của một nước phương Tây mở ra để chống phá ta. Tỉnh giao cho Vàng trở về cùng vợ đến nhà thuyết phục già bản, vận động bà con không nghe, không làm theo đài lạ. Từ đó, dân bản nghe Vàng, nếu Vàng ở xa không về được thì nghe vợ Vàng...

Trên xe có một người địa phương, lại là công an mà cởi mở hay chuyện như thế, mấy người chúng tôi thấy vui nhộn hơn. Cô Loan có vẻ cảm tình với Vàng, bắt đầu hỏi về địa lý với giọng điệu khá nghiêm túc, ngay cả lão Dương có tiếng là khó tính mà cũng quay lại hỏi Vàng phân biệt như thế nào là Tây Bắc và Việt Bắc. Chẳng hiểu lão thử Vàng hay là không biết thật. Riêng tôi thì đúng là mù tịt về chuyện này. Tay Vàng thế mà hiểu biết ra phết. Hắn bảo, nước ta thường lấy sông làm chuẩn. Con sông Hồng chia đôi. Bên kia gọi là Việt Bắc, còn bên này, nơi xe chúng ta đang đi là Tây Bắc. Trong xe có ai nhắc đến bài thơ Việt Bắc. Thế là cao hứng. Vàng đọc luôn một loạt mấy bài thơ của Tố Hữu. Hắn thuộc lòng từ Việt Bắc, Bà Bủ, Bà má Hậu Giang cho đến bài Lên Tây Bắc, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên...

Trời vẫn mưa, đen kịt và tối dần. Bên ủy ban huyện cho người mang ni-lông gọi đoàn chúng tôi sang dự chiêu đãi. Bữa nay, họ hẹn cho ăn thú rừng. Lão Dương vẫn chưa nhúc nhích. Nếu lão mà cũng hồi tưởng như tôi thì chắc đang buồn lắm.

Chiều ấy, khi xuống xe, đứng trên cầu Nậm Mơ, Vàng chỉ vào dãy núi: “Nhà em phải đi qua ba ngọn núi này”. Cô Loan còn thân tình hỏi: “Sao không chuyển vợ con ra thị xã?”. Vàng không trả lời, chỉ cười. Duy nhất đoàn tôi có lão Dương là đi cùng Vàng một đoạn đường gần lên dốc núi. Tôi nhìn dáng Vàng đi lầm lũi, tự hỏi: “Không biết đằng sau ba ngọn núi kia có gì vui mà người ta ở đấy? Một người hiểu biết như Vàng, sao không chuyển vợ con hắn ra thị xã, lại chịu cuốc bộ năm mươi cây số đường núi? Rồi cái lão Dương khó hiểu kia nữa. Thân thiết gì mà tiễn với đưa? Hay lão tìm thấy ở Vàng hình bóng đời lính trước kia”.

Nhìn Dương chưa nhúc nhích, bốn đứa chúng tôi cũng ỉu xìu luôn. Thấy cáu bẳn cũng chẳng ăn thua gì, Loan ngồi thờ ra, buồn xa xăm. Tôi định đùa một câu cho không khí ồn ào trở lại nhưng không tìm được chuyện nào cho hợp cảnh. Tôi quyết định hỏi lão Dương:

- Vàng nó hẹn với anh thế nào?

Câu hỏi của tôi hình như có sức mạnh nhấc lão dậy. Lão nói:

- Nó được nghỉ ba ngày phép. Hẹn tôi ngày kia quay lại đi nhờ xe ta về tỉnh. Mưa gió thế này, biết đâu đang kẹt trên một ngọn núi nào đấy. Nếu tối nay nó có mặt, thì đi luôn. Được cả ta, được cả nó. Nếu không thì chờ nó đến trưa ngày mai. Các ông thừa biết, đường từ đây về thị xã, mưa bão thế này, chỉ có xe của ta mới đi nổi.

Thế nhưng... sáng hôm sau dưới sức ép tâm lý của cả đoàn, xe chúng tôi đội mưa về xuôi. Lão Dương lại “hâm” một lần nữa khi quyết định dừng xe trước cổng Công an tỉnh Yên Bái. Lão bảo phải gặp lãnh đạo để báo việc mưa lũ ở Mù Cang Chải, về cái cầu treo duy nhất nối thị trấn với các xã vùng cao bị cuốn trôi, về trường hợp tay Vàng đi nhờ xe và chậm phép. Nhìn lão đi vào cổng, cô Loan nháy mắt:

- Đúng là hâm! Hâm tỉ độ!

Khi ra, tôi thấy lão ghi ghi số điện thoại của ai đấy vào cuốn sổ tay. Chiều hôm đó, xe chúng tôi đã có mặt ở Hà Nội đang rực nắng. Khi chia tay hầu như chẳng ai nhắc gì đến chuyện tay Vàng. Mọi bụi bặm gió núi rừng sâu, đã nhanh chóng bị gột sạch.

*

Mười ngày sau. Một buổi tối, tôi đang chuẩn bị cơm nước thì lão Dương đột ngột phóng xe máy tới. Tôi thật cảm động vì lâu lắm mới thấy đồng chí vụ trưởng đến nhà. Vừa nhấp ngụm nước, lão bảo ngay:

- Đi với tớ đến thăm vợ chồng tay Vàng.

- Ở đâu? - Tôi choáng thật sự.

- Ở bệnh viện Bạch Mai. Thôi đi! - lão giục.

Nói rồi, lão ngồi thẫn thờ. Thì ra, hình ảnh tay Vàng vẫn ám ảnh lão. Lão kể, mới đây lão gọi điện lên Công an Yên Bái mới biết, tay Vàng đưa vợ xuống Hà Nội chữa bệnh. Vợ Vàng đau ruột thừa bị vỡ đang nhiễm trùng rất nặng. Điều lão Dương bị dày vò, chính là đúng buổi sáng lão quyết định xe chúng tôi về xuôi thì trưa hôm đó, vợ chồng Vàng về tới Nậm Mơ. Không có xe, điện thoại bị mất, hai vợ chồng phải chờ tiếp ba ngày nữa. Lão Dương bứt dứt:

- Giá như các cậu cứ nghe mình... chờ đến trưa hôm đó thì biết đâu, sớm cứu được vợ nó... Chúng nó xa xôi, khó đủ điều. Đâu được như mình!

Nói rồi lão Dương lại thừ ra. Tôi rót cho lão chén rượu thuốc. Thay quần áo xong, tôi ra bàn chờ để đèo lão đi. Dương vẫn cầm chén rượu còn quá nửa, cứ xoay xoay. Sao lão không uống nốt cho rồi, còn đi? Tôi buột miệng:

- Tại nó ngu! Cứ chuyển vợ con về thị xã làm gì ra nỗi thế?

Không ngờ lão Dương giận tím tái mặt mày. Dằn chén rượu rất mạnh xuống bàn, lão quát té tát vào mặt tôi:

- Chúng mày có ở lính ngày nào? Biết đếch gì! Kéo cả ra thành phố, lấy dân đâu mà giữ đất? Hả? Vợ con nó ở đấy để giữ thành phố này cho chúng mày đấy! Người vùng cao, người ta ít nói, làm sao chúng mày hiểu được họ, hiểu được thằng Vàng?

Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.