Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh), khác với bảo hiểm nhân thọ tư nhân, Nhà nước đang gánh phần nặng nhất trong hệ thống an sinh xã hội khi trực tiếp quản lý, vận hành bảo hiểm xã hội.
Để cùng chia sẻ gánh nặng với Nhà nước, đại biểu cho rằng cần có cơ chế, chính sách để huy động khối tư nhân vào lĩnh vực này. “Toàn bộ luật chỉ nói những điều về bảo hiểm do Nhà nước quản lý, từ bảo hiểm bắt buộc cho đến bảo hiểm tự nguyện do nhà nước quản lý, không có một dòng nào đề cập đến bảo hiểm tư nhân, trong khi bảo hiểm tư nhân cũng là một nguồn lực”, đại biểu chia sẻ.
Cho rằng việc rút bảo hiểm xã hội một lần là quyền lợi của người lao động cần phải được đảm bảo, tuy nhiên đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng luật hiện hành đang trao cho người lao động nhiều cơ chế quá thuận lợi để dễ dàng rút bảo hiểm một lần, điều này tạo ra nguy cơ đối với sự ổn định của quỹ bảo hiểm. Đại biểu đề nghị trong lần sửa luật lần này cần có những quy định chặt chẽ hơn với việc rút bảo hiểm xã hội một lần.
Có cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phân tích hai phương án về rút bảo hiểm xã hội một lần mà Chính phủ đưa ra để Quốc hội lựa chọn đều có ưu điểm, hạn chế, đòi hỏi cần phải có một phương án thứ ba mang tính trung dung, hài hòa hơn.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Nhà nước đã rất nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm số lượng người rút bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, con số này dường như vẫn chưa "hạ nhiệt". Theo báo cáo của cơ quan bảo hiểm xã hội, số lượng người rút bảo hiểm xã hội một lần với số người lần đầu tham gia bảo hiểm xã hội tương đương nhau.
Đại biểu nhấn mạnh, như vậy, mọi nỗ lực mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội dường như là chưa đạt được mục tiêu khi vẫn tiếp tục có rất nhiều người rút bảo hiểm xã hội một lần. Trước thực trạng đó, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này, một trong những trọng tâm thay đổi chính sách là việc siết chặt các quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần và trong dự thảo Luật đưa ra 2 phương án khác nhau.
Phương án thứ nhất, không cho rút một lần. Với phương án này, đại biểu Việt Nga cho rằng có một ưu điểm, đó là nhiều nước trên thế giới đã áp dụng để hạn chế tuyệt đối việc rút bảo hiểm một lần, đảm bảo an toàn cho quỹ bảo hiểm.
Tuy nhiên, đại biểu nhận định phương án này lại không chưa phù hợp với tình hình của Việt Nam. Bởi, thứ nhất là mạng lưới bao phủ bảo hiểm xã hội của Việt Nam còn khá mỏng và đang muốn mở rộng mạng lưới bao phủ bằng cách phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện với những đối tượng chưa có bảo hiểm xã hội.
“Nếu như mà chúng ta không cho người lao động được rút một lần bảo hiểm nữa thì sẽ tác động ngay lập tức đến việc phát triển số lượng người tham gia bảo hiểm. Người dân sẽ không tham gia bảo hiểm nữa và chúng ta không mở rộng được bảo hiểm xã hội”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.
Lý do thứ hai, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga là trong dự thảo luật đưa ra một phương án nữa là đồng ý cho rút bảo hiểm xã hội nhưng lần đầu tiên chỉ cho rút 50% số tiền đã đóng bảo hiểm xã hội, 50% còn lại, sau một thời gian nhất định mà người tham gia bảo hiểm xã hội vẫn tiếp tục muốn rút nữa thì sẽ phải theo lộ trình cụ thể.
Như vậy, dự thảo luật chỉ thay thế việc rút bảo hiểm xã hội một lần với một lần rút bằng nhiều lần. “Về bản chất thì nó không có gì thay đổi, cho nên theo tôi cả hai phương án này, chúng ta đều phải tính toán thêm để làm sao chúng ta quy định vừa chặt chẽ, vừa tăng được tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người dân”, đại biểu bày tỏ quan điểm.
Liên quan đến việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm được hưởng lương hưu, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga thể hiện sự tán thành với phương án hạ xuống còn 15 năm nhưng đề nghị đi kèm với đó là cần phải rà soát rất kỹ để có những chế định, điều kiện cụ thể để tránh việc trục lợi chính sách.
“Chúng ta phải tính đến phương án là có những chế tài như thế nào để tránh việc đóng hưởng bảo hiểm xã hội một lần xong rồi lại đóng tiếp, như thế là trục lợi chính sách”, đại biểu nhấn mạnh.
Có cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) cho rằng phải hết sức cân nhắc quy định này. Theo đại biểu, mỗi ngành nghề có những đặc thù khác nhau. Việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm sẽ phù hợp hơn với người lao động ở các ngành nghề mang tính đặc thù, nhưng nếu áp dụng đại trà cho mọi ngành nghề sẽ ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm.