Sở Xây dựng Hà Nội: Việc giải tỏa cây xanh mới chỉ là đề xuất

(Ngày Nay) - Ngày 6/6, liên quan đến việc Hà Nội có kế hoạch dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường Phạm Văn Đồng thuộc Vành đai 3 (đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long), ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, sẽ chỉ chặt hạ những cây có tuổi đời cao, dáng cây cong, vặn, không thể đánh bầu. 
Sở Xây dựng Hà Nội: Việc giải tỏa cây xanh mới chỉ là đề xuất

“Hiện nay chúng ta đã có công nghệ cao, số cây đánh chuyển của các dự án khác đưa về trồng tại địa điểm mới có tỷ lệ sống rất cao, trên 90%. Do đó, phương án tối ưu là đánh chuyển, giữ tối đa số cây trên tuyến đường và Thành phố yêu cầu số cây xanh trồng mới trên tuyến phải tương đương hệ thống cây xanh đã trồng trên đường Võ Chí Công, khoảng 1.547 cây tầng cao, 4.649 tầng cây bụi cùng tầng thảm cỏ, cây thảm lá màu,” ông Lê Văn Dục cho biết. 

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, theo quy định của pháp luật, việc cấp giấy phép dịch chuyển, giải tỏa cây xanh là một thủ tục hành chính được Ủy ban Nhân dân Thành phố phê duyệt. Quan điểm nhất quán của lãnh đạo Thành phố trong phương án quy hoạch đầu tư xây dựng là tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước. Trong trường hợp bắt buộc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án phải được tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu với ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di chuyển dù có thể phát sinh chi phí, trong điều kiện không thể dịch chuyển mới thực hiện giải pháp giải tỏa, chặt hạ. 

Theo ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, thực tế các dự án đầu tư xây dựng khi làm phương án giải phóng mặt bằng đều lấy ý kiến rộng rãi, đặc biệt là vấn đề môi trường, cây xanh. Xác định đây là vấn đề quan trọng và nhạy cảm, ngày 15/5, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các hiệp hội, sở, ngành liên quan về phương án đánh chuyển, cắt tỉa giải tỏa cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng. 

Từ những ý kiến cho rằng cần tiếp tục rà soát, đánh giá, phân tích phương án nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường cũng như tạo sự đồng thuận của người dân, Sở Xây dựng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội hoàn thiện hồ sơ phương án dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường Phạm Văn Đồng. 

“Như vậy, nhu cầu, số liệu dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường đến nay mới là theo phương án đề xuất của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư dự án đưa ra”, ông Võ Nguyên Phong khẳng định. 

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, thành phố Hà Nội đang tập trung vào việc trồng mới cây xanh, phấn đấu đến năm 2020 trồng mới 1 triệu cây xanh, đưa tỷ lệ cây xanh bình quân đầu người lên 10 m2. 

Thực tế, trong năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017, Thành phố đã trồng gần 300.000 cây, trong đó có trên 35.000 cây có đường kính lớn, thực hiện cắt tỉa để đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống mưa bão được trên 50.000 cây góp phần cải tạo cảnh quan cây xanh nói riêng và bộ mặt đô thị của thành phố nói chung.

Theo Vietnamplus
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.