Miền Tây trong cơn quay quắt

Miền Tây trong cơn quay quắt

Nắng từ cao xanh phả xuống, đất từ dưới sâu nứt nẻ lên, mặn từ biển vào, phù sa thôi không còn dạt dào nữa… Tất cả đang làm nên một miền Tây khô - hạn mặn - sụt lún - sạt lở. Trong cơn quay quắt ấy, đâu là lối đi cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long?
________________
Miền Tây trong cơn quay quắt ảnh 1

Đang buổi ban trưa, ông Lê Bình Tây (xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vác nắng đi dọc dòng kinh (kênh), dòng kinh khô cạn, chỗ nứt nẻ, chỗ cỏ lên đầy, bu lấy những chiếc xuồng, vỏ lãi; và cả những vạt sạt lở chạy dài, ăn sâu vào nhà dân… “Hồi năm 2016, khô hạn kéo đến, nước dưới dòng kinh liên tục xuống thấp, may mà các vỏ lãi hay xuồng nhỏ còn đi được. Chứ từ đầu năm 2019 đến nay, thì chịu. Nước có còn đâu mà đi” - ông Tây tóm tắt, rồi chỉ tay về hướng các lòng kinh đang mang hình hài vảy cá.

Kéo tôi đi về phía nhà ông, phía trước là cái cầu mà ở tầm thấp, tôi nghĩ nó cũng như bao cái cầu khác. Cơ chừng hiểu chuyện, ông Tây thuyết minh: “Tui nghe nói Việt Nam mình chỉ có 2 cây cầu chữ Y, 1 cây ở trên Sài Gòn, còn 1 cây ở đây”. Là cây ông vừa dẫn tôi đến. Nhưng đó không phải là một cuộc thưởng lãm, mà một cuộc… trình bày. Ông trình bày cái sự khô hạn, sạt lở đã ăn sâu vào mố chân cầu, rồi nài nỉ: “Nhà báo phải đưa hình ảnh này lên, để chính quyền biết mà cố cứu cây cầu. Kinh không còn nước để đi lại bằng xuồng, bằng vỏ lãi, thì cũng phải giữ được cây cầu cho xe chạy chớ”.

Miền Tây trong cơn quay quắt ảnh 2

Ra giữa dòng kinh, ông đứng chỉ tay lên dấu nước cao trên đầu ông cả mét. “Đó đó, chỗ đó là lúc mực nước “đẹp” nhứt”. Tôi giơ máy lên chụp. Ông buông thõng: “Không biết khi nào nước mới về lại nhiều như cũ, mà một nửa thôi là cũng đã mừng lắm rồi…”. Nhưng rồi mấy năm trôi đi, mỗi năm nước lại vực xuống, vực xuống và đến giờ chẳng còn gì để cạn nữa. Mà nước vực xuống một chút, là người dân khổ thêm một chút, nước đã trơ đáy kinh, thì người dân khổ đủ trăm đường.

Không biết khi nào nước mới về lại nhiều như cũ, mà một nửa thôi là cũng đã mừng lắm rồi... Nhưng rồi mấy năm trôi đi, mỗi năm nước lại vực xuống, vực xuống và đến giờ chẳng còn gì để cạn nữa. Mà nước vực xuống một chút, là người dân khổ thêm một chút, nước đã trơ đáy kinh, thì người dân khổ đủ trăm đường...

Tôi tót lên chỗ ngã 3 của cầu chữ Y, kịp lúc anh Tiến từ xa chở mấy bao thóc trờ đến. Tôi chưa kịp hỏi, anh đã bắt chuyện: “Hồi xưa kinh còn nước, mình dùng thuyền, vỏ lãi để vận chuyển sướng ru. Bây giờ kinh cạn nước, phải dùng xe máy chở. Vừa cực, lại vừa tốn thêm nhiều chi phí. Tôi nhìn về phía đằng xa bên tay phải anh, mấy chiếc vỏ lãi nằm phơi nắng như minh chứng thêm điều anh nói. Bất chợt, tôi nhớ đến những tiệm sửa máy dọc ven tuyến kinh từ ngoài quốc lộ vào đây, gần như chẳng có sự hoạt động của con người. “Hoạt động gì được, khi ghe xuồng không chạy được?” - anh Tiến nói như giải thích. Những chủ tiệm sửa máy ấy, hoặc chuyển nghề, hoặc rời quê lên các thành phố lớn trong giấc trăn trở chặn mưu sinh lớn.

Miền Tây trong cơn quay quắt ảnh 3

Ông Nguyễn Cảnh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khánh Tây (huyện Trần Văn Thời) đăm chiêu nhìn ra ngoài phía cửa sổ, đằng sau rặng cây bên ngoài cửa sổ, là dòng kinh cạn nước. Từ cuối tháng 12 năm ngoái đến giờ không ra hạt mưa. Không có nước, sụt lở bắt đầu. “Ban đầu là các bờ kinh nhỏ, bây giờ là các bờ kinh lớn. Ngoài kia, đê Biển Tây cũng sụt lở nghiêm trọng, có đoạn dài 200m” - ông Hạnh nói. Rồi giải thích thêm: “Không có nước, bùn khô, đất co lại, mất kết cấu dẫn đến sụt lún”.

Tôi nhớ những mảng sụt lún chạy dọc ven các tuyến kinh, sông. Có nơi, người ta cẩn trọng đặt tấm biển cảnh báo; có đoạn, chủ nhà hào phóng hi sinh khoảng sân, “trổ” một con đường để cho người dân đi tránh đoạn sạt lở. “Trước đã nương nhau mà sống, bây giờ thì càng phải nương nhau hơn” - ông Hạnh thật thà. Nhưng chỉ là những chiếc xe gắn máy chạy được thôi. Xe lớn không vào được vì đường nhỏ, mà có vào được cũng sợ vì đang sụt lún. Giao thông chính là nương theo kinh rạch, sông ngòi. Mà gần như tất cả đang trơ đáy, nên mạng lưới giao thông này đành phải đứng im hàng mấy tháng trời.

Miền Tây trong cơn quay quắt ảnh 4

“Nên dân khổ lắm” - ông Hạnh nhấn mạnh. Những năm trước, con nước còn lênh láng, vừa gặt xong, thương lái trờ xuồng đến ngay ruột để mua ngay. Bây giờ, giao thông khó khăn quá, có thương lái giở chiêu trò ngó lơ để ép giá nông dân. Nông dân biết đấy, nhưng đành chịu thôi. Muốn bán được giá cao, thì cứ chở đến tận nơi cho họ, mà chở bằng xe máy,  tiền xăng dầu cộng vô cũng… đừ người. Nên họ chỉ biết trông mong có mưa, có nước về để cái khổ đang hiện hữu dần bớt đi.

Nhưng đâu chỉ có mỗi dân trông nước, chính quyền cũng “dài cổ” không kém. Biết bao nhiêu hạn mục cần sửa chửa do khô hạn làm hư hỏng. Nhưng để vận chuyển vật liệu vào sâu bên trong, chỉ có mỗi một phương cách đó là bằng đường thủy, theo các nhánh sông, kinh, rạch. “Mà giờ đang khô cạn, nên khó lắm. Tất nhiên, là vẫn cố gắng khắc phục những chỗ cần thiết nhất” - ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau bày tỏ. Cũng theo ông Nam, đến nay Cà Mau có 1.150 điểm bị sụt lún; độ mặn ở sông đã chạm ngưỡng 38‰, độ mặn ở ruộng giao động ngưỡng 38 - 43‰

Miền Tây trong cơn quay quắt ảnh 5

Khô hạn ở miền Tây là vấn đề không mới, sạt lở ở miền Tây là chuyện không lạ lẫm gì, nhưng thêm sụt lún nữa, đã đẩy miền Tây vào muôn trùng khó khăn. PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (thuộc Trường Đại học Cần Thơ) khái quát lở bao gồm lở ven sông và ven biển. Nếu như sạt lở ven sông chủ yếu do khai thác cát, thì lở ven biển do bị sóng đánh vào, mất rừng ngập mặn, nước biển dâng; “còn sụt lún có 2 lí do, đó là khai thác nước ngầm quá mức và các công trình bên trên làm biến dạng đất” - PGS.TS Lê Anh Tuấn mở đầu.

PSG.TS Lê Anh Tuấn tiếp tục: “Đồng bằng Sông Cửu Long do phù sa từ sông Mê Kong bồi đắp, nên nền đồng bằng rất yếu và hằng năm phải được bồi đắp liên tục để bù lại cái lún. Nhưng phù sa ít dần không đủ bù cho lún, lại do khai thác nước ngầm nhiều khiến cho mực nước ngầm hạ thấp, mất đi áp lực đáy nổi và cả một số công trình ngăn mặn để ngọt hóa khiến cho đất co ngót, nứt nẻ,… dẫn đến sạt xuống mà vùng Cà Mau là một ví dụ”.

Miền Tây trong cơn quay quắt ảnh 6

“Vậy chúng ta xử lí thực trạng bằng cách nào?” - tôi hỏi. “Đang có ý kiến là trả về hiện trạng ban đầu, tức là cho đất ngậm nước như trước đây. Nhưng có hai tranh cãi, một là đưa nước mặn vào, việc này thì dễ, chỉ cần mở cổng ra thì nước biển ào vô thôi; thứ hai là đưa nói ngọt từ sông Cửu Long về vùng đó (Cà Mau-PV). Nhưng trong tình trạng khô cạn này không thể đưa nước ngọt về vùng đó được, vì làm vậy sẽ gây khô hạn cho vùng khác, nên rất khó khả thi. Nhưng nếu đưa nước mặn vô, thì chương trình ngọt hóa bị thất bại” - PGS.TS Lê Anh Tuấn giải thích.

Để xảy ra thực trạng sụt lún nghiêm trọng như ngày hôm nay, ngoài biến đổi khí hậu, không thể không nói đến tác nhân con người. Có điều, không thể cân đong tác nhân nào là nhiều, tác nhân nào là ít. Bởi sụt lún diễn ra từ từ, không hiện hữu như sạt lở, và đến khi làm… “cái ào”, thì mọi chuyện đã muộn. Mà đất, một khi đã sụt lún thì khó mà đưa về hiện trạng ban đầu. Bây giờ, nếu cho đất ngậm nước, cho đất thêm phù sa, thì cùng lắm là làm dừng lại, làm chậm lại hiện trạng đang lún mà thôi.

Miền Tây trong cơn quay quắt ảnh 7

Nói đi thì cũng phải nhắc lại, rằng miền Tây thành ra như ngày hôm nay, là chúng ta đã mắc một sai lầm lớn trong quá khứ, đó là áp mô hình chống lũ lụt ở Đồng bằng Sông Hồng vào Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi người miền Tây không coi lũ lụt là thiên tai mà đó là một phần của hệ sinh thái, thậm chí họ còn sống nhờ lũ. Hệ sinh thái ở đây gồm 3 hệ: ở phía trên là vùng lũ, ở giữa là nước ngọt và vùng thấp, và cuối cùng là ven biển; song song cùng đó là ba loại nguồn nước, gồm nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Nếu phá bất kỳ kết cấu nào, thì sẽ phá hệ sinh thái đó. Nước ngọt bị chặn lại là nước tù, sẽ thành ô nhiễm, nhiễm độc, dẫn đến hàng loạt sinh vật bị chết theo.

Miền Tây trong cơn quay quắt ảnh 8

“Vùng đồng bằng này ngày xưa cá rất nhiều, bây giờ ít đi. Rồi nước ngọt không sử dụng được, vì nước ao tù nhảy xuống tắm rất ngứa, do đã bị nhiễm độc. Lục bình dày đặc do không lưu thông được, làm hạn chế giao thông thủy. Vì không lưu thông được, lục bình không đến được vùng nước lợ hay nước mặn; vì thế, lục bình không chết đi, không trở thành phù sa, không trở thành dưỡng chất cho các vi sinh vật ở đây, kéo theo sự cạn kiện của những loài thủy sinh”- PGS.TS Lê Anh Tuấn nói về mối liên hệ bị chặn đứng ở miền Tây.

“Nhưng giải pháp cần kíp nhất cho nơi này?”. “Theo Nghị quyết 120, thì Đồng bằng sông Cửu Long cần phải trở về thuận thiên. Chúng ta đã đem đất mặn trồng lúa, ngăn chặn lũ,… nên cần phải trả nó về như lúc xưa. Phải coi đất mặn, ngọt, lợ đều là tài nguyên cả. Nhưng đã lỡ làm rồi, bây giờ sửa rất là khó, vì sửa là thừa nhận sai lầm đó, mà sai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những sai lầm này? Nhưng trước hết, theo Nghị quyết 120, thì yêu cầu các tỉnh giảm diện tích trồng lúa lại vì lúa dùng rất nhiều nước ngọt, chúng ta trồng lúa nhiều mà vẫn nghèo hoài”.

Miền Tây trong cơn quay quắt ảnh 9

PGS.TS Lê Tuấn Anh cũng cho biết ông đang tham gia làm lại quy hoạch lại Đồng bằng sông Cửu Long, từ nay cho đến 2030, thay vì một năm sản xuất từ 27 - 28 triệu tấn lúa, thì giảm xuống còn 16 - 17 triệu tấn là vừa; bên cạnh đó, thay vì làm 3 vụ, thì chỉ làm 2 vụ trên năm; phần diện tích còn lại sẽ chuyển qua dùng cho mục đích khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Tôi nhớ mấy chi tiết khi ngồi với các công ty xuất khẩu gạo, họ nói rằng sản lượng chung của Thái Lan, hay thậm chí là Campuchia nhiều khi không bằng Việt Nam. Nhưng ở “ngách” gạo đạt chuẩn vào các thị trường khó tính, thì chúng ta… không có cửa!

Vì sao? Vì chúng ta chạy theo số lượng. Lúa trồng ngắn ngày, không đủ thời gian để tích trữ những dưỡng chất. Trong khi đó, ở hai nước trên, họ đi theo chiều sâu, tức là đầu tư cho chất lượng. Vì thế mà hạt gạo của họ có giá trị cao hơn chúng ta rất nhiều. “Bây giờ làm lại, thì làm kiểu hữu cơ luôn. Có như thế gạo của mình mới tìm được giá trị cao được” - PGS.TS Lê Tuấn Anh nhấn mạnh. Chứ làm sao một nơi là vựa lúa lớn, mà dân phải sang tận Campuchia để mua gạo về để ăn? Tất nhiên, làm hữu cơ thì phải mất thời gian chuyển đổi, nhưng phải chấp nhận nếu không muốn để mất miền Tây.

Bài: Lê Xuân Thọ

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Khách tham quan triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.
Khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”
(Ngày Nay) - Lễ khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” đã diễn ra chiều 18/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36, Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Họa sỹ Phan Ngọc Khuê, nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam tổ chức.
Chương trình hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại lễ hội.
Thanh Hoá: Nhiều hoạt động đặc sắc tại lễ hội Mường Xia
(Ngày Nay) - Tối 18/3, tại xã Sơn Thủy, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), Lễ hội Mường Xia đã diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn đồng bào dân tộc Thái và người dân nước bạn Lào ở khu vực biên giới miền Tây Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
(Ngày Nay) - Sinh thời, khi được hỏi về các vấn đề siêu hình thì Thế Tôn im lặng, “gác qua một bên”. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, một số người đã đến hỏi Tôn giả A-nan vấn đề này. Hiện nay, các quan điểm này vẫn đang được đặt ra.
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
(Ngày Nay) - Đài truyền hình RÚV của Iceland đưa tin, hiện tượng núi lửa phun trào ở Bán đảo Reykjanes đã buộc người dân sống xung quanh Vũng biển Blue nổi tiếng và thị trấn Grindavik gần đó phải sơ tán khẩn cấp.
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
(Ngày Nay) - Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Media Matters, người dùng TikTok đang có xu hướng kiếm tiền từ các video đưa ra những thông tin vô căn cứ về những “thuyết âm mưu” liên quan đến ngày tận thế của thế giới.
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
(Ngày Nay) - Tối 17/3, tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.