Bức ảnh ban đầu đăng trên một trang facebook cá nhân của một người Việt có tên Kiem Duong. Nhưng chính vì những lý do thật thà và vô cùng hài hước mà bức ảnh được “like” và chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Tất cả mọi người đều thấy thú vị và phục cách người Nhật dạy con.
Bức ảnh thú vị được lan truyền trên mạng. Ảnh: Facebook Kiem Duong
Tác giả Kiem Duong đã dịch lại từng lý do đi muộn quá đỗi trung thực của học sinh Nhật trong bức ảnh như sau:
- Tiếc quá, em chỉ muộn vài phút.
- Do ngủ quên.
- Đi bệnh viện.
- Lúc mở mắt đã 8:33 rồi.
- Ghé vào 7-eleven ( tên một siêu thị)
- Thấy khó chịu trong người.
- Do nhân viên siêu thị phục vụ chậm chạp
- Kính bị vỡ, em bị shock.
- Mèo chạy ra ban công.
- Lạc đường.
- Trời mưa.
- Quên đồ ở nhà.
- Không nghe thấy chuông báo thức reo.
- Đau bụng.
- Đi tắm.
- Thức khuya ngắm dải ngân hà.
- Tim em tự dưng có chút gì đó không bình thường.
- Không thấy giày đâu.
- Ra khỏi nhà muộn.
- Nghĩ rằng đang trong kì nghỉ hè.
- Nghe bản tin thời sự về Akira Hokuto.
- Ghét trời mưa.
- Lúc ngủ dậy không muốn đến trường.
- Nhớ nhầm lịch tàu điện.
- Chuẩn bị đồ đạc chậm hơn mọi ngày.
- Mất thời gian tranh cãi với người nhà.
- Lên nhầm tàu.
- Đi quá ga.
- Cố gắng lắm em mới đến được đây.
Đi kèm bức ảnh là status đáng suy nghĩ của chủ nhân facebook đó khi chia sẻ bức ảnh: “Nhớ hồi xưa cả năm mình chỉ đi học muộn vài lần là cùng, trong lớp cũng chẳng thiếu những bạn đi học đúng giờ quanh năm suốt tháng.
Khi bị hỏi thì thường cố đưa ra những lý do đổ lỗi cho hoàn cảnh, tắc đường, xe hỏng, đồng hồ báo thức không reo, đột nhiên đau bụng, tóm lại lỗi không phải do mình. Nhưng học sinh Nhật thì thẳng thắn, trung thực, bá đạo, hài hước hơn nhiều.
Câu hỏi đặt ra là tại sao học sinh Nhật lại bình thản đưa ra những lý do khá là khó đỡ như thế, phần lớn trong số này khó mà được chấp nhận bởi giáo viên Việt Nam? Cá nhân mình cho là vì mục đích tối thượng của giáo dục Nhật là sự trung thực của học sinh, còn Việt Nam thì quá trọng hình thức, nặng về thành tích”.
P.V