Tác giả Trương Hòa Bình tặng thơ cho ký giả Giản Thanh Sơn. Ảnh: Đỗ Thanh Trường |
Đọc “Về với quê hương”, giáo sư Trần Nho Thìn nói: “Trong thế giới nghệ thuật của tác giả Trương Hòa Bình, không gian thơ trải rộng khắp các miền đất nước, các vùng quê, các thành phố. Trong không gian nghệ thuật ấy, chiếm vị trí trung tâm là hoa, các loài hoa. Hoa đa dạng theo mùa, theo ký ức lứa tuổi (phượng vĩ hồng, bằng lăng tím, mùa hè và gắn bó tuổi học trò), hoa theo vùng miền (tam giác mạch, cúc họa mi, bông điên điển), hoa theo màu sắc (hoa phượng đỏ, hoa lục bình tím), hoa ẩn dụ nghệ thuật (hoa hồng kiêu sa, hoa dã quỳ, mồng gà dân dã).
Bài thơ “Hoa tháng mười” đưa ta làm một chuyến du lịch theo các không gian, từ núi rừng Tây Bắc, hoa tam giác mạch, hoa cúc dại, hoa cải trắng, rồi về Hồ Tây, Hà Nội nhìn hoa cúc họa mi, lên Tây Nguyên ngắm hoa dã quỳ, về Nam Bộ ngắm hoa lục bình, bông điên điển. Các loài hoa ẩn dụ cho cái đẹp, đẹp mong manh, là cái trân quý, cần trân trọng, nâng niu; ẩn dụ cho tình yêu thiết tha với quê hương, đất nước giàu đẹp, và tình yêu lứa đôi nồng đượm”.
Bìa tập thơ "Về với quê hương" của tác giả Trương Hòa Bình. Ảnh: Giản Thanh Sơn |
Trong “Hoa trà mi”, tác giả trải lòng: Sáng dậy bình minh nghe chim hót/Ấm sôi lửa cháy reo ran/Cà phê nhỏ giọt màu nâu sẫm/Ngắm hoa ngày mới khách xuân nhàn/Kiêu sa lộng lẫy trà mi tím/Bình minh khoe sắc nắng lung linh/Vườn xuân xanh mướt chồi non mới/Thủy chung màu tím đóa hoa tình…
Hay: “Thanh cao trong sáng trà mi trắng/Sương mai tinh khiết giọt long lanh/Nhụy vàng gió thoảng hương ngan ngát/Lay động lòng ai cánh mong manh/ Sắc hương rực rỡ trà mi đỏ/Mặt trời chói lọi ánh ban mai/Quyến rũ vườn xuân ngàn ong bướm/Trà mi chờ đợi một chàng trai/ Nhấm nháp cà phê mừng nắng mới/ Hương thơm vị đậm lịm đầu môi/Ngắm đóa trà mi hồn xao xuyến/ Tôi đã yêu rồi trà mi ơi!
Tập thơ dày 270 trang, khổ 17x24cm, bao gồm cả thơ, thơ phổ nhạc và thơ chuyển thể thành ca cổ. Vốn dân miền Tây nên anh rất thích nghe ca cổ tài tử. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho biết, thấy mến ngay khi gặp và nghe anh đọc thơ, bởi cái chất “nghĩa sĩ Cần Giuộc” quê anh đã hồn nhiên ngấm vào anh, vào thơ anh. Những câu thơ cảm xúc đến quên màng chữ nghĩa. Những câu thơ luôn gợi cho ta thấy ở tác giả sự bắt đầu. Bắt đầu của lòng yêu. Lòng yêu quê hương như yêu mùa xuân quê nhà.
Tác giả Trương Hòa Bình trong lần về thăm quê. Ảnh: Nguyễn Vinh |
Mạch tình cảm thương nhớ đó, theo giáo sư Nguyễn Huy Hoàng, đúng hơn là lý tưởng thẩm mỹ của tác giả xuyên suốt như những mao mạch từ một nguồn động mạch chảy theo nhịp đập của một con tim tràn đầy tính nhân văn và khát vọng. Dường như bài thơ nào cũng nằm trong quỹ đạo thống nhất này, bất kể đó là một bài thơ về quê hương và tình yêu hay huyền thoại. Tác giả gửi gắm, trang trải vào những vần thơ tiếng lòng sâu nặng của mình đối với mảnh đất Long An nói riêng, mở rộng ra là Tổ quốc Việt Nam muôn phần tươi đẹp, nhưng đầy gian truân và bão tố.
Hay tình yêu của ông với sắc vàng nhớ nhung trong “Tháng 3 hoa gạo”… “Thôn quê nắng sớm rỡ ràng/ Bờ tre đã nhuộm sắc vàng nhớ nhung/ Sáo diều vi vút từng không/Dòng sông như dải lụa mềm hơi sương/Tháng ba chờ đợi người thương/Bông hoa gạo đỏ vấn vương nỗi sầu/ Đám mây trôi nhẹ về đâu/Thương ai lặn lội bể dâu thân cò/Còn đây bến cũ con đò/Người xưa xa vắng con đò còn không/Sắc xanh lúa nhuộm ngoài đồng/Em về chốn cũ cạn lòng đầy vơi/ Hoa kia rụng đỏ bên trời/Như tim ai vẫn một đời ngóng trông”.
“Hồn thơ Trương Hòa Bình ngày càng thu hút hơn độc giả. Đấy là điều lạ. Lạ mà không lạ. Có lẽ cái gốc vẫn là sự chân thành. Cái gốc của nghệ thuật chính là như thế…”, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhận xét.