Tờ The Guardian (Anh) cho biết họ đã tiếp cận được hai tài liệu mật nghi của Mỹ soạn thảo từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm nay. Những tài liệu này nói rằng tính đến ngày 1/3, khoảng 97 lính đặc nhiệm của NATO đã hiện diện ở Ukraine, trong đó có 50 đặc nhiệm Anh, 14 đặc nhiệm Mỹ và 15 đặc nhiệm Pháp.
Mỹ, Anh và Pháp tới nay chưa đưa ra bình luận về việc này.
Theo nguồn tin, các tài liệu được đóng dấu “mật” và được biên soạn cho các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ. Tài liệu còn chứa thông tin về các hoạt động quân sự hàng ngày của NATO, công tác hậu cần, vận chuyển vũ khí và huấn luyện binh sĩ Ukraine của lực lượng này.
Declassified, một nguồn tin khác của Anh, lưu ý rằng 14 đặc nhiệm Mỹ nằm trong số 29 nhân viên Lầu Năm Góc cũng đã đã được điều tới Ukraine, bao gồm cả đội an ninh tại Đại sứ quán Mỹ ở Kiev và các tùy viên quân sự. Ngoài ra, 71 nhân viên khác của Bộ Ngoại giao cũng có hiện diện ở Ukraine, với tổng số 100 người Mỹ.
Declassified cũng lưu ý rằng tài liệu này được đánh dấu là “không thể chia sẻ cho người nước ngoài”.
Trong khi đặc nhiệm Mỹ ở Ukraine chủ yếu đến từ hai đơn vị Biệt kích Hải quân (Navy SEALs) và Lực lượng Delta, đặc nhiệm Anh hiện diện tại Ukraine thuộc Dịch vụ Hàng không Đặc biệt (SAS). Thủ tướng Anh không bắt buộc phải thông báo cho Quốc hội nước này về việc triển khai SAS ở nước ngoài.
Hàng chục tài liệu quân sự dạng tuyệt mật của Mỹ bị tung lên nhiều nền tảng mạng xã hội đã trở thành tâm điểm của giới truyền thông trong hơn một tuần qua. Chính phủ Mỹ chưa chính thức xác nhận tính xác thực của tài liệu này, nhưng Lầu Năm Góc và Bộ Tư pháp nước này đã mở một cuộc điều tra nguồn gốc phát tán vụ rò rỉ này.
Hồi tháng 4/2022, nhật báo Le Figaro của Pháp tuyên bố các nhà điều hành Lực lượng SAS và Delta đã hiện diện ở Ukraine từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng, tiến hành “cuộc chiến bí mật” ở Ukraine.
Trong khi đó tờ Daily Mirror của Anh đưa tin rằng hàng chục thành viên SAS “nghỉ hưu” đã tình nguyện đến Ukraine tham chiến và được tài trợ thông qua một công ty quân sự tư nhân của châu Âu. Ngay sau những tiết lộ đó, tờ The New York Times cho biết một số nhà điều hành SAS đã quay trở lại Ukraine để huấn luyện binh lính Kiev cách vận hành tên lửa chống tăng do Anh sản xuất.
Hồi tháng 11/2022, trang báo chí điều tra Grayzone của Mỹ cũng báo cáo rằng các đặc nhiệm Anh đã làm việc thông qua công ty tư nhân Prevail Partners để đào tạo binh sĩ Ukraine thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào Crimea. Đến tháng 12/2022, một ấn phẩm quân sự của Anh thừa nhận rằng có tới 300 lính thủy đánh bộ đã được triển khai tới Ukraine để thực hiện “các hoạt động khác nhau”.
Bộ Quốc phòng Anh từ chối bình luận về các tiết lộ trên. Tuy nhiên, trong một bài đăng trên Twitter, cơ quan này cho rằng các tài liệu bị rò rỉ có mức độ không chính xác nghiêm trọng.
Dẫn lời các quan chức Mỹ giầu tên, hãng tin Reuters cho biết bề rộng của các chủ đề được đề cập trong các tài liệu - liên quan xung đột ở Ukraine, Trung Quốc, Trung Đông và châu Phi - cho thấy chúng đã bị một người Mỹ tiết lộ, thay vì một đồng minh như dự đoán trước đó.
Ông Michael Mulroy, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, nói: “Theo trọng tâm hiện nay, đây là một vụ rò rỉ do người Mỹ đứng sau, vì nhiều tài liệu chỉ nằm trong tay Mỹ”.
Các quan chức Mỹ cho biết cuộc điều tra đang ở giai đoạn đầu và giới chức không loại trừ khả năng các phần tử thân Nga đứng sau vụ rò rỉ. Theo đó, các quan chức này nói Washington không loại trừ khả năng các tài liệu này có thể đã được sửa chữa để đánh lừa giới chức điều tra về nguồn gốc của chúng hoặc để phổ biến thông tin sai lệch có thể gây hại cho lợi ích an ninh Mỹ.
Đại sứ quán Nga tại Mỹ chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từ chối bình luận về vụ rò rỉ, song ông nói rằng: “Thực tế đang có xu hướng đổ lỗi mọi việc cho Nga. Nói chung, đó là một căn bệnh mãn tính”.