Tại sao có ngày 29/02
Trái đất quay xung quanh mặt trời mất chính xác 365.2422 ngày để hoàn thành, tức là khoảng 365 ngày cộng 5 giờ 48 phút. Tuy nhiên Dương lịch của chúng ta lại sử dụng là 365 ngày một năm. Bởi vậy thời gian dư ra sẽ được tích lũy lại thành một ngày và được thêm vào cuối tháng Hai để đồng bộ với lịch chính. Như vậy cứ 4 năm, tháng Hai sẽ lại có thêm một ngày là ngày 29.
Tất cả các tháng khác trong Dương lịch đều có 30 hoặc 31 ngày, nhưng tháng Hai chỉ có 28 ngày kể từ thời của Hoàng đế La Mã Caesar Augustus.
Trước đó dưới thời của Julius Caesar tháng Hai có 30 ngày còn tháng mang tên ông July (Tháng Bảy) có 31 ngày. Còn Tháng Tám chỉ có 29 ngày.
Khi Caesar Augustus trở thành hoàng đế, ông bổ sung thêm hai ngày vào tháng “của mình” (August được đặt tên cho tháng Tám) để biến tháng Tám có 31 ngày giống như tháng Bảy.
Vì vậy, tháng Hai đã bị tháng Tám lấy mất 2 ngày trong các “cuộc chiến” tranh giành ngày tháng giữa các ông hoàng La Mã cổ đại.
Cơ hội để được sinh vào năm nhuận là 1/1461. Trong những năm không nhuận, nhiều người sinh ngày 29/02 sẽ lựa chọn ngày 28/02 hoặc ngày 01/03 để kỷ niệm sinh nhật.
Ngày phụ nữ cầu hôn
Những năm gần đây cứ bốn năm một lần trùng vào năm nhuận, ngày 29/02 sẽ được chọn làm ngày phụ nữ cầu hôn.
Trong ngày này người phụ nữ sẽ phá vỡ mọi quy tắc và truyền thống thông thường để trở thành người chủ động cầu hôn người đàn ông mà họ yêu.
Theo truyền thuyết, vào thế kỷ thứ 5, nữ thánh Bridget phàn nàn với thánh Patrick rằng phụ nữ phải chờ quá lâu để nhận được những lời cầu hôn. Bởi vậy thánh Patrick đã cho phụ nữ cơ hội được chủ động cầu hôn mỗi 4 năm một lần đối với người đàn ông mà mình mong muốn được chung sống trọn đời.
Sau đó có giả thuyết cho rằng Nữ hoàng Margaret của Scotland đã thông qua một bộ luật vào năm 1288. Luật này cho phép phụ nữ chưa lập gia đình được tự do cầu hôn vào năm nhuận, những ai từ chối sẽ bị phạt.
Ngoài ra có ý kiến cho rằng trước đây năm nhuận không được luật pháp nước Anh công nhận. Theo lý thuyết này, ngày nhuận sẽ không có sự ràng buộc về pháp luật, cho nên nó sẽ là ngày mà mọi quy ước sẽ bị phá vỡ và phụ nữ cầu hôn đàn ông là một trong những điều đó.
Ở Đan Mạch, người đàn ông khi từ chối lời tỏ tình phải tặng cho cô gái đó 12 đôi găng tay, còn ở Phần Lan người đàn ông phải tặng vải hoặc váy cho phụ nữ.
Theo nghiên cứu của Beefeater, có 20 % phụ nữ cho biết họ muốn được chủ động cầu hôn với người mình yêu. Mặc dù thực tế rằng gần một phần ba số phụ nữ cho biết họ khá lo lắng về phản ứng của đối tác.
Ngược lại, hơn một nửa số nam giới (59 %) khi được hỏi đều trả lời rằng sẽ vô cùng thích thú nếu như bạn gái mình quỳ gối và trao nhẫn cầu hôn.
J.K