Trong một đoạn video mới được đăng tải trên mạng xã hội, một quan chức Taliban đã nỗ lực trấn an các nữ nhân viên y tế rằng họ có thể duy trì công việc của mình. Ở một video khác, các tay súng của lực lượng này nói với người theo đạo Sikh – một nhóm tôn giáo thiểu số tại Afghanistan, rằng họ sẽ được hưởng quyền tự do và được bảo vệ.
Lực lượng Taliban, từng nói không với Internet trong giai đoạn cầm quyền đầu tiện, hiện đang biến mạng xã hội trở thành một công cụ tối ưu để chế ngự phe đối lập và phát đi thông điệp muốn truyền tải.
Khi đã nắm quyền kiểm soát đất nước, Taliban đang nỗ lực sử dụng hàng nghìn tài khoản Twitter, bao gồm cả các tài khoản chính thức lẫn ẩn danh để xoa dịu sự sợ hãi của những người dân ngày càng hiểu biết về công nghệ.
Những hình ảnh về sự hòa bình, ổn định được Taliban đăng tải hoàn toàn trái ngược với cảnh tượng hỗn loạn trong quá trình quân đội Mỹ rút quân tại sân bay Kabul, hay cảnh những người biểu tình bị đánh đập, bị bắn được phát sóng trên khắp thế giới.
Điều này chứng minh rằng lực lượng của Taliban đã được mài dũa trình độ sử dụng kỹ thuật số, đồng thời mang đến một cái nhìn tổng quan về cách thức mà Taliban sẽ sử dụng những công cụ mới để thống trị Afghanistan, dù trên lý thuyết Taliban vẫn tuân theo các giáo lý đạo Hồi.
Cuộc chiến trên không gian mạng
Những người phản đối Taliban và ủng hộ chính phủ do Mỹ hậu thuẫn đã tiến hành nhiều hoạt động bí mật với hy vọng có thể “xoay chuyển tình thế lúc này”. Tuy nhiên, chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội trong những tuần gần đây của Taliban có thể đã tác động khiến quân đội chính phủ Afghanistan “nhụt chí”, buông bỏ vũ khí và đầu hàng.
Taliban đã cho thấy rằng họ có thể truyền tải thông điệp của mình trên nền tảng số một cách vô cùng hiệu quả.
“Họ nhận ra rằng để giành được chiến thắng trong cuộc chiến này, họ cần kể những câu chuyện để chứng minh mục đích của mình. Họ sẽ sử dụng mạng xã hội để thông báo đến người dân Afghanistan điều cần phải làm. Tại các khu vực đô thị, người dân đều sử dụng điện thoại thông minh, tôi nghĩ đây sẽ là một cách hữu ích", giáo sư Thomas Johnson tại Học viện Hải quân Monterey (Mỹ), cho biết.
Taliban coi mạng xã hội là một công cụ tuyên truyền hữu hiệu. Ảnh: NY Times |
Tuy nhiên, Taliban dường như cũng sẽ trở thành mục tiêu của một số nhóm, sử dụng chiến thuật tương tự mà lực lượng này đã sử dụng trên không gian mạng, dùng chính mạng xã hội để tổ chức và kêu gọi biểu tình giống như phong trào Mùa xuân Ả Rập tại Trung Đông và Bắc Phi.
Các nhóm phản đối Taliban sẽ ra sức vạch trần những hành động tàn bạo của phong trào này nhằm kêu gọi sự ủng hộ chống chính quyền mới thông qua sự hỗ trợ từ các mối liên lạc với bên ngoài. Hiện nay, nhiều nhóm đã sử dụng các dòng hashtag như #DonotChangeNationalFlag (Đừng thay đổi quốc kỳ) để bày tỏ quan điểm phản đối Taliban trên các nền tảng mạng xã hội.
Đáp trả lại, Taliban đã truyền tải đi một thông điệp nhấn mạnh khát vọng về hòa bình và sự thống nhất trên lãnh thổ của Afghanistan. Taliban đã không ngừng “khắc hoạ” người Mỹ và những thế lực từ bên ngoài chính là tác nhân dẫn đến nhiều năm xung đột tại quốc gia Trung Á bằng cách sử dụng những hình ảnh tại sân bay Kabul gây chấn động trong tuần qua.
Khi những bức ảnh về dòng người tị nạn tuyệt vọng đu bám máy bay quân sự Mỹ được lan truyền trên mạng, Qari Saeed Khosty, một trong những người ủng hộ Taliban và có tầm ảnh hưởng nổi bật nhất, đã lên tiếng bình luận với một giọng điệu đầy ai oán.
“Tôi đã khóc rất nhiều khi chứng kiến hoàn cảnh của các bạn. Chúng tôi đã khóc vì thương cảm cho các bạn trong 20 năm qua. Chúng tôi đã cảnh báo với các bạn rằng Tommy Ghani (ám chỉ Tổng thống Ashraf Ghani) sẽ không bao giờ trung thành với các bạn”, Qari viết trên Twitter. “Chúng tôi đã tha thứ cho các bạn, tôi thề với Thánh Allah. Chúng tôi mong muốn tình cảnh này. Hãy trở về nhà của các bạn”.
Một chính quyền Taliban từng tiến hành hành loạt các vụ hành quyết công khai trong giai đoạn 1996–2001, nay lại nỗ lực gửi đi các thông điệp đầy tính tính cực trên các trang mạng xã hội.
Các nhà báo thuộc phong trào Taliban đã đi khắp các con phố, thu thập các video nhằm chứng minh cuộc sống thường nhật của người dân sau khi lực lượng này giành được quyền kiểm soát.
“Taliban không cần phải đăng tải những nội dung nhắc nhở người dân về quyền kiểm soát của họ. Dân chúng hiểu được những gì đang diễn ra. Những gì phong trào này cần chứng minh cho người dân là họ có thể điều hành đất nước và đưa quốc gia này hội nhập với thế giới”, Benjamin Jensen, nhà nghiên cứu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết.
Phong trào Taliban hoàn toàn có thể đăng tải những gì lực lượng này thực sự mong muốn trên các nền tảng trực tuyến. Dù bị chặn trên nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Youtube, nhưng gần đây, rất nhiều tài khoản ẩn danh đã được lực lượng này tạo ra.
Taliban lại tập trung chính vào việc sử dụng mạng xã hội Twitter để lan truyền các thông điệp của mình bởi họ không bị chặn sử dụng khi sử dụng nền tảng này.
Người dân Afghanistan hiện đã quen với việc sử dụng Internet và mạng xã hội. Ảnh: AP |
Giờ đây, Afghanistan đã khác xa so với thời điểm mà Internet bị cấm vào năm 2001. Dưới thời chính phủ được Mỹ hậu thuẫn, các tháp di động tại quốc gia phía nam Trung Á này liên tục được lắp đặt, mọc lên như nấm trên khắp cả nước.
Theo thống kê từ công ty nghiên cứu thị trường Statista, tại Afghanistan, người sử dụng điện thoại di động đã tăng vọt từ 1 triệu người vào năm 2005 lên hơn 22 triệu người vào năm 2019. Các chuyên gia ước tính rằng khoảng 70% dân số nước này có thể sử dụng điện thoại di động truy cập mạng Internet.
Taliban nhiều khả năng sẽ nỗ lực ngăn chặn các thông tin từ bên ngoài, giống như cách mà Trung Quốc và Nga đang thực hiện. Thay vì xóa và cấm đăng tải những thông tin mà phía Taliban cho là không phù hợp, phong trào này thúc đẩy việc đăng tải các thông điệp của riêng họ tràn ngập trên các trang mạng xã hội.
Lực lượng này đã nhanh chóng coi Internet như một công cụ tuyên truyền mới, song song với việc sử dụng các trạm phát thanh và hoạt động giải truyền đơn.
Trong những tuần gần đây, để được cộng đồng quốc tế chấp nhận, các nhà lãnh đạo Taliban đã liên tục phát đi các thông điệp bằng tiếng Anh và phát trực tiếp các sự kiện truyền thông báo chí. Trên trang web chính thức, Taliban đăng tải các nội dung bằng nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Pashto, tiếng Dari, tiếng Urdu và tiếng Ả Rập.
Một thành viên giấu tên thuộc bộ phận truyền thông mạng xã hội của Taliban, cho biết việc soạn thảo tin nhanh và thông minh là một phần quan trọng trong chiến lược truyền thông của Taliban.
Chiến lược này đang được Taliban đẩy mạnh nhằm củng cố quyền lực sau khi kiểm soát được Afghanistan.
“Điện thoại thông minh là một vũ khí rất thành công của Taliban. Giờ đây, tất cả họ đều có ưa thích sử dụng điện thoại thông minh”, Abdul Sayed, người phụ trách nghiên cứu các chiến thuật truyền thông mạng xã hội của Taliban, cho biết.
Khi chiếm được Herat – một thành phố có vị trí trọng yếu, Taliban đã đăng tải hình ảnh và video của thủ lĩnh của lực lượng này chụp cùng Ismail Khan, một thủ lĩnh của nhóm dân quân địa phương và nổi tiếng là đối thủ hàng đầu của Taliban, cho thấy ông ta không hề bị bắt giữ.
"Nếu chúng ta có thể đối xử với Ismail Khan, một kẻ thù hàng đầu, với sự tôn trọng như vậy, sẽ không có bất kỳ ai bị nguy hiểm cả", ông Sayed khẳng định thông điệp của Taliban.
Mặc dù vậy, nhiều nhóm phản đối Taliban vẫn coi mạng xã hội là một mặt trận đấu tranh. Hôm thứ Ba tuần trước, một đoạn video về nhóm phụ nữ biểu tình ở thủ đô Kabul có sự xuất hiện của các tay súng Taliban đã được chia sẻ rộng rãi.
Ngay ngày hôm sau, video về vụ việc Taliban nổ súng vào một nhóm thanh niên gỡ bỏ lá cờ của phong trào này, và thay thế bằng lá cờ của chính phủ Afghanistan cũ ở Jalalabad đã được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng trực tuyến.
“Tôi nghi ngại rằng Taliban sẽ sớm hạn chế, kiểm soát mạng xã hội vì những phản ứng như vậy,” một giảng viên giấu tên tại Đại học Nangarhar (Afghanistan) nhận định.